.

CẦN QUY CHẾ QUẢN LÝ MỚI CHO KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TẬP TRUNG - Bài 2: Hoạt động không theo một mô hình nào

Cập nhật: 19:26, 10/08/2022 (GMT+7)

Quy hoạch chồng chéo và thiếu nhiều chức năng cần thiết, công tác quản lý thiếu đồng bộ khiến Khu xử lý chất thải tập trung (KXLCTTT) Tóc Tiên chưa phát huy hiệu quả.

Các DN trong KXLCTTT Tóc Tiên tự xử lý nước thải và thải ra môi trường theo giấy phép riêng.  Trong ảnh: Xử lý chất thải sinh hoạt tại Công ty TNHH Kbec Vina.
Các DN trong KXLCTTT Tóc Tiên tự xử lý nước thải và thải ra môi trường theo giấy phép riêng. Trong ảnh: Xử lý chất thải sinh hoạt tại Công ty TNHH Kbec Vina.

Bất cập phát sinh ngay từ quy hoạch

KXLCTTT Tóc Tiên được quy hoạch năm 2006, hoạt động từ năm 2010 với diện tích 100ha. Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết mở rộng thêm 37,6ha, có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại…

KXL gồm các phân khu chức năng, như: khu vực hành chính phụ trợ, khu chôn lấp chất thải công nghiệp, chế biến phân compost, chôn lấp chất thải tập trung đô thị, khu xử lý nước rác, khu phân loại và tái chế chất thải tập trung, xử lý chất thải công nghiệp độc hại và khu vực chứa đất phủ… 

Ngay từ quy hoạch ban đầu, KXL này đã không có hệ thống cây xanh ngăn bụi, không có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Do đó, các DN thứ cấp trong KXL tự xử lý cục bộ trước khi thải ra môi trường, nên những năm qua có hiện tượng nước thải của các DN bị trộn lẫn vào hệ thống thoát nước mưa.

Theo Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), trước đây, khi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, Công ty Môi trường tỉnh (thuộc Sở Xây dựng) chỉ lập quy hoạch tổng thể mặt bằng mà không có quy hoạch chi tiết 1/500. 

Vì thế, khi đi vào hoạt động, KXLCTTT Tóc Tiên gặp nhiều khó khăn trong việc xem xét tiếp nhận các dự án đầu tư một cách khoa học và triển khai đầu tư xây dựng công trình, dẫn đến mất cân đối giữa tổng công suất và nhu cầu XLCT của tỉnh.

Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, KXLCTTT Tóc Tiên với sứ mệnh là xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn có những loại chất thải chưa được quy hoạch để xử lý. Chẳng hạn, chưa tính đến khu vực phù hợp để xử lý chất thải rắn phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên. Trong khi đó, những chất thải khác, như: dầu thải, dung môi, bao bì... lại thừa dự án xử lý.

Ngoài ra, theo Sở KH-ĐT, các dự án xử lý chất thải đều được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất. Đến thời điểm hiện nay, việc tiếp tục áp dụng những ưu đãi này mà không có sự phân biệt theo thứ tự ưu tiên hoặc theo tiêu chí lựa chọn, như về loại hình xử lý, công nghệ áp dụng, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả… sẽ gây trở ngại cho việc khuyến khích thu hút dự án đầu tư phù hợp với yêu cầu thực tế.

Xử lý chất thải nguy hại tại nhà máy Hà Lộc.
Xử lý chất thải nguy hại tại nhà máy Hà Lộc.

Chồng chéo trong quản lý

Không chỉ bất cập trong quy hoạch, công tác quản lý các DN thứ cấp trong KXL cũng thiếu đồng bộ. 

Ông Trần Phong, Cục trưởng Cục BVMT phía Nam (Bộ TN-MT) cho rằng, KXLCTTT Tóc Tiên hiện đang hoạt động không theo một mô hình nào. Về mặt nguyên tắc, KXLCTTT Tóc Tiên là một khu sản xuất, xử lý chất thải tập trung nhưng từ trước đến nay các DN trong KXL đang hoạt động độc lập.

Nhiều năm qua, KXLCTTT Tóc Tiên chưa có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, cụ thể là chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nên các nhà máy hoạt động trong khu này đang sử dụng hệ thống xử lý nước thải cục bộ theo giấy phép của Bộ TN-MT. Do đó, việc xả thải ra môi trường của các DN này rất khó giám sát. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến KXLCTTT Tóc Tiên vẫn luôn nằm trong danh sách “điểm nóng ô nhiễm môi trường” trên địa bàn tỉnh.

Về chức năng thẩm định và tham mưu cấp phép dự án (thứ cấp) là do Sở KH-ĐT, quản lý hạ tầng lại thuộc về Sở Xây dựng, nhưng khi xảy ra sự cố về môi trường lại liên quan đến ngành TN-MT và Cảnh sát môi trường. Trong khi đó, Trung tâm quản lý các khu xử lý chất thải lại không có cơ chế giám sát, báo cáo, xử lý nhanh hoặc đột xuất việc tuân thủ thực hiện các nội dung BVMT của các DN có dự án trong KXL. Do đó, chưa phát huy được vai trò giám sát, kiểm soát của trung tâm. 

Theo báo cáo của Sở TN-MT, khối lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh 1.285 tấn/ngày, trong đó có 204 tấn chất thải nguy hại đang được xử lý tại 6 nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong KXLCTTT Tóc Tiên. Khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh là 900-1.000 tấn/ngày đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina cũng nằm trong khu này.

“KXL này không đi theo mô hình quản lý của KCN-CCN cũng chẳng theo hình thức quản lý đơn lẻ. Hiện chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ sở trong KXL trong việc tự quản, tự giám sát công tác BVMT, chuyển giao chất thải, sử dụng công trình hạ tầng dùng chung. Do đó, việc quản lý các DN không có một đầu mối, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố”, ông Trần Phong nói.

Ông Mai Trung Hưng cho biết thêm, việc Sở Xây dựng quản lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường như hiện nay là rất khó. Sở Xây dựng không có cán bộ, công chức có chuyên môn về môi trường, không có các cơ quan chuyên môn về môi trường để tham mưu, khi phát hiện vi phạm không thể xử lý do không có chức năng thanh tra, xử phạt về quản lý chất thải. Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường từ Sở Xây dựng.

Trong khi đó, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, về pháp lý, KXLCTTT Tóc Tiên thuộc quản lý của Sở Xây dựng, Sở TN-MT chỉ quản lý về công tác BVMT nhưng các DN đầu tư thứ cấp trong khu này lại được Bộ TN-MT cấp đánh giá tác động môi trường, nên khi xảy ra sự cố về môi trường thì “không biết kêu ai”.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.