.

CẦN QUY CHẾ QUẢN LÝ MỚI CHO KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TẬP TRUNG - Bài 1: Điểm nóng ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 19:26, 09/08/2022 (GMT+7)

Khu xử lý chất thải tập trung (KXLCTTT) Tóc Tiên là nơi tập hợp các DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải để thực hiện nhiệm vụ xử lý triệt để chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, khu vực này lại thường xuyên nằm trong danh sách điểm nóng ô nhiễm môi trường.

Những ống khói bốc màu đen từ các nhà máy trong KXLCTTT Tóc Tiên.
Những ống khói bốc màu đen từ các nhà máy trong KXLCTTT Tóc Tiên.

Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi cùng một số người dân xã Tóc Tiên lần theo con hẻm nhỏ ra phía sau KXLCTTT để khảo sát thực tế. Lúc này là 10 giờ, những ống khói từ các nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong KXLCTTT xả khói đen kịt. Nhà cách KXLCTTT khoảng 500m, ông Đậu Văn Đua (ấp 3, xã Tóc Tiên) bức xúc nói: “Ban ngày còn đỡ, đêm đến khói dày đặc hơn, bốc mùi khét lẹt”.

Còn ông Trần Cọp cho biết, không chỉ có ống khói đen, người dân địa phương còn bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối từ bãi rác trong khu xử lý bốc lên. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, gió Tây thổi khiến mùi hôi từ bãi chôn lấp chất thải tỏa ra càng nồng nặc. Thỉnh thoảng, dọc suối Giao Kèo, suối Tre - nơi tiếp nhận nước thải sau khi xử lý đạt chuẩn của các DN trong KXLCTTT Tóc Tiên - cũng xuất hiện tình trạng nước có màu đen và bốc mùi khó chịu.

Theo thống kê của Sở TN-MT, khối lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.285 tấn/ngày, đang được xử lý tại KXLCTTT, trong đó có 204 tấn chất thải nguy hại. Khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh là 900-1.000 tấn/ngày, đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina.

“Từ khi các nhà máy XLCTTT về đây hoạt động, môi trường sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi của rác, mùi khét từ các ống khói. Nước giếng và nước suối cũng bị ô nhiễm, không dùng được”, ông Cọp bức xúc nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Tóc Tiên, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh KXLCTTT gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Xã có 6 ấp, gần 7.000 khẩu thì có khoảng 400 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng, nặng nhất là những dân sống ở ấp 3 và 4.

Người dân địa phương phản ánh nhiều lần thấy nước suối Giao Kèo có màu đen và nghi ngờ do các DN trong KXLCTTT Tóc Tiên xả thải.
Người dân địa phương phản ánh nhiều lần thấy nước suối Giao Kèo có màu đen và nghi ngờ do các DN trong KXLCTTT Tóc Tiên xả thải.

Nhà máy xuống cấp, lạc hậu

KXLCTTT Tóc Tiên được quy hoạch năm 2006 và đi vào hoạt động từ năm 2010 với diện tích 100ha (sau này mở rộng thêm 37,6ha). Khu này được kỳ vọng là nơi xử lý chất thải phát sinh, tồn đọng cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong quá trình sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, ô nhiễm môi trường lại phát sinh và khu vực này luôn nằm trong danh sách điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm ở KXLCTTT Tóc Tiên kéo dài do trong quá trình hoạt động, một số nhà máy chưa có giải pháp bảo vệ môi trường triệt để. Dây chuyền, thiết bị, công nghệ của các nhà máy xuống cấp. Đặc biệt, nhiều năm qua, khu xử lý chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động.

“Hầu hết các dự án đã hoạt động được một thời gian dài và trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, nhiệt độ lò đốt cao, kéo dài nên bị xuống cấp. Trong khi đó, việc cải tạo, nâng cấp công nghệ xử lý chất thải chưa thực hiện một cách toàn diện, triệt để và thường xuyên nên hiệu quả xử lý giảm, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí”, ông Đỗ Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh.

Trong số 12 dự án đã được đầu tư và đi vào hoạt động tại KXLCTTT Tóc Tiên có 6 nhà máy xử lý chất thải nguy hại, 1 nhà máy lưu giữ chất thải phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên, 2 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp thông thường, 1 khu chôn lấp chất thải sinh hoạt, 1 nhà máy xử lý chất thải hầm cầu, 1 nhà máy nước thải tập trung cho toàn bộ khu vực.
4 dự án đang đầu tư xây dựng gồm: 1 dự án tái chế chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất phân compost; 1 dự án chôn lấp thành phần vô cơ của nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt; 1 dự án xử lý chất thải y tế; 1 dự án tái chế chất thải.
1 dự án đã ngừng hoạt động là khu chôn bùn nạo vét cống thoát nước của Busadco.

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh được giao cho Công ty TNHH Kbec Vina xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Trong khi đó, các dự án ứng dụng công nghệ đốt, ủ phân compost... chưa được triển khai, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, đất, nước mặt và nước ngầm. Điều này đang là những tồn tại, hạn chế hiện nay.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, KXLCTTT Tóc Tiên có 17 dự án thứ cấp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, trong đó 12 dự án đã đi vào hoạt động. Các dự án trong khu xử lý đều có tính chất phức tạp, nguồn thải đa dạng, có cả chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải hầm cầu, chất thải sinh hoạt, bùn nạo vét cống thoát nước.

Trong số 17 dự án có quyết định chủ trương đầu tư và được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xử lý chất thải với tổng diện tích đất sử dụng là 80,9ha, loại hình dự án xử lý chôn lấp chất thải chiếm dụng đất nhiều nhất. Đây cũng là loại hình dự án tiềm ẩn nguy cơ tác động lâu dài. Sau khi kết thúc đóng bãi, đất không thể đưa vào sử dụng ngay cho các mục đích kinh tế khác mà phải tiếp tục được quan trắc để theo dõi các nguy cơ tác động môi trường, thời gian có thể kéo dài hàng chục năm.

Ngoài ra, việc xử lý chất thải (chất thải nguy hại và chất thải chứa nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên) bằng phương pháp lưu giữ trong các bể đóng kén được nhận định, đánh giá cũng là loại hình dự án sử dụng đất tiềm ẩn nguy cơ tác động lâu dài cho công tác quản lý sử dụng đất.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.