.

Xóa dần các điểm đen ô nhiễm

Cập nhật: 21:04, 22/06/2022 (GMT+7)

Với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương, cùng sự nỗ lực của ngành TN-MT, các điểm đen về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã và đang được kiểm soát chặt chẽ, mang lại nhiều kết quả tích cực.

TP. Vũng Tàu đang được triển khai thực hiện dự án “Nạo vét kênh Bến Đình” để xử lý căn cơ tình trạng ô nhiễm của kênh.
TP. Vũng Tàu đang được triển khai thực hiện dự án “Nạo vét kênh Bến Đình” để xử lý căn cơ tình trạng ô nhiễm của kênh.

Từng bước xử lý ô nhiễm

Kênh Bến Đình có chiều dài gần 10km đi qua địa bàn 4 phường của TP. Vũng Tàu (phường 5, phường 9, phường Thắng Nhất, phường Thắng Nhì). Đây là một trong 3 điểm đen về ô nhiễm môi trường tại Vũng Tàu. Nhiều năm qua, kênh Bến Đình bị ô nhiễm môi trường nặng phần lớn do lượng lớn rác thải và nước thải sinh hoạt của người dân xả thẳng xuống kênh.

Từ tháng 3/2022, dự án “Nạo vét kênh Bến Đình” đã khởi động. Nhiều hộ dân ven kênh gây ô nhiễm đã di dời, hàng ngàn tàu thuyền neo đậu trên kênh cũng đã và đang chuyển đến các khu neo đậu mới, 9 hộ dân cuối cùng trên địa bàn phường Thắng Nhất cũng đã bàn giao mặt nước để thực hiện Dự án “Nạo vét kênh Bến Đình”, nhằm xử lý căn cơ vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực kênh Bến Đình, tạo cảnh quan khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của TP.Vũng Tàu. Mặc dù dự án chưa hoàn thành nhưng bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét cho kênh Bến Đình sau khoảng 30 năm ô nhiễm.

Khu phố Hải An đến khu phố Hải Hà 1 thường gọi là ao Hải Hà (TT.Long Hải, huyện Long Điền) trước đây có khoảng 100 cơ sở chế biến hải sản. Do hoạt động tự phát nên việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn. Rác thải từ hoạt động mua bán, chế biến hải sản và sinh hoạt đổ trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm. Gần một năm qua, khi huyện Long Điền thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Long Điền”, ao Hải Hà là một trong những điểm nóng về ô nhiễm được chính quyền địa phương quyết liệt xử lý.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Bí thư huyện Long Điền, để giải quyết ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải, hàng tuần, hàng tháng chính quyền địa phương cho đội ngũ công nhân vệ sinh dọn dẹp bãi biển. Huyện yêu cầu 25 cơ sở chế biến hải sản trong khu vực nghiêm túc thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sơ chế hải sản.

Lực lượng chức năng thu gom, xử lý rác thải tại khu vực ao Hải Hà (huyện Long Điền).
Lực lượng chức năng thu gom, xử lý rác thải tại khu vực ao Hải Hà (huyện Long Điền).

Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này đã được xử lý cơ bản, không còn nước thải từ hoạt động chế biến hải sản ra môi trường, rác thải sinh hoạt đã thu gom gần 100%... “Khu vực ao Hải Hà sẽ được cải tạo thành cảng du thuyền với hệ thống đường bộ kết nối Dinh Cô, bãi tắm Long Hải để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại ao Hải Hà kéo dài hàng mấy chục năm qua”, ông Lê Ngọc Linh thông tin thêm.

Nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài

Xác định BVMT là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, đặc biệt là việc khắc phục các điểm nóng, điểm đen về ô nhiễm là cả một hành trình cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Từ tháng 5/2018 đến nay, tỉnh thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU, công tác quản lý, BVMT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các nhiệm vụ, giải pháp đang tiếp tục được thực hiện theo tiến độ, chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ, dự án, đề án để cải thiện, khắc phục ô nhiễm, phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong số đó, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu); khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền); khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ); các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn… được Sở TN-MT xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục.

Để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các “điểm nóng” và “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, tỉnh đang tổ chức thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.Bà Rịa vào các CCN Hòa Long, Long Phước; di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các CCN Lộc An, Bình Châu. Điều tra, khảo sát thực trạng từng cơ sở cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động để đánh giá, xác định, lập danh sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và dự trù kinh phí thực hiện chi tiết giai đoạn tiếp theo...

Theo thống kế, toàn tỉnh còn 6 “điểm nóng” ô nhiễm nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt như: các hoạt động chế biến mủ cao su, khắc phục cơ bản ô nhiễm khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và… Ngoài ra, các địa phương đã rà soát 66 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường gồm: 36 “điểm đen” là hoạt động của các DN, hộ chăn nuôi và 30 “điểm đen” công cộng.

Đến nay, các địa phương cơ bản đã hoàn thành được kế hoạch xử lý các điểm đen và từng bước thực hiện để rút dần các điểm đen ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

Dân số tăng, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng phát triển… đang là những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Trong khi đó, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân và DN còn nhiều hạn chế. Tại BR-VT, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tập trung ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; luyện, cán thép…
Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành thường xuyên, đột xuất tại các “điểm nóng”, “điểm đen” về môi trường để kịp thời đề xuất xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định. Sở cũng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức về BVMT. Nếu phát hiện tình trạng xả thải trái phép ra môi trường, người dân có thể báo ngay đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
(Ông Đặng Sơn Hải,  Phó Giám đốc Sở TN-MT)
 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.