Tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

Chủ Nhật, 24/07/2022, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyển đổi số (CĐS) và đổi mới sáng tạo nhằm giúp DN tăng cường năng lực cạnh tranh, thích ứng với điều kiện bình thường mới sau thời kỳ ảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19.

CĐS giúp các DN sản xuất công nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực và giúp nâng cao năng lực quản trị DN. Trong ảnh: Sản xuất một bộ phận của bồn chứa tại Công ty Alpha ECC.
CĐS giúp các DN sản xuất công nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực và giúp nâng cao năng lực quản trị DN. Trong ảnh: Sản xuất một bộ phận của bồn chứa tại Công ty Alpha ECC.

DN cần nhanh chóng vào cuộc

Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho rằng, dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến quá trình hoạt động sản xuất. Nhưng cũng từ thời điểm này, Công ty nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của CĐS.

“Chúng tôi áp dụng phổ biến hơn các biện pháp quản lý công việc, quản lý nhân sự, các ứng dụng về thanh toán điện tử, họp trực tuyến… Nhờ đó, các phần việc của công ty không bị gián đoạn, nhất là việc liên kết với các đối tác nước ngoài, kể cả ở thời điểm dịch bệnh chưa được kiểm soát”, ông Bắc cho biết.

Công ty Quốc tế Troy (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) chuyên sản xuất gạch không nung tự khóa bằng công nghệ hiện đại của Mỹ, dù đã có lợi thế vững chắc trên thị trường nhưng cũng không chậm trễ trong CĐS. Theo lãnh đạo công ty, CĐS đã giúp họ khai thác tối đa năng lực làm việc của nhân viên. Đồng thời, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh với các DN khác nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, CĐS được các DN ngày càng quan tâm nhiều hơn. Thời gian qua, các DN trong KCN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, bằng cách áp dụng CĐS trong quản trị, điều hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các DN đã gặp không ít rào cản về nhân lực, nguồn vốn để đầu tư và làm chủ công nghệ mới.

Trong khi đó, theo ông Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đến thời điểm này số DN thực hiện CĐS là không nhiều, chủ yếu tập trung vào các DN FDI. Vì vậy, để có thể tham gia hiệu quả trong tiến trình CĐS, các DN cần tập trung vốn, tìm hiểu kỹ về công nghệ, đặc biệt là phải thay đổi nhận thức.

Chính quyền đồng hành cùng DN

CĐS trong sản xuất công nghiệp là một quá trình không dể dàng nhưng nó sẽ giúp DN tối đa hóa doanh thu, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng tính linh hoạt. Các đơn vị chức năng tại BR-VT như Sở KH-CN, Sở TT-TT, Liên hiệp các Hội KHKT, Ban Quản lý các KCN phải đồng hành giúp DN tiếp cận và ứng dụng những giải pháp, công nghệ phù hợp với nhu cầu và từng giai đoạn chuyển đổi của DN.

Ông Nguyễn Anh Triết khẳng định, các DN sản xuất đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Ban Quản lý các KCN tỉnh mong muốn đồng hành cùng các DN trong quá trình CĐS và kết nối những hỗ trợ nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động CĐS của DN được hiệu quả hơn. Theo đó, với mục tiêu hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp nhanh chóng tiếp cận các xu hướng, giải pháp công nghệ mới, BR-VT đã giới thiệu về mô hình CĐS đối với các DN ngành công nghiệp; hệ thống quản lý thông tin sản xuất; hệ thống quản lý thực thi sản xuất để theo dõi và ghi lại sự chuyển đổi nguyên liệu thô thành hàng hóa thành phẩm; hệ thống quản trị sản xuất thông minh.

Ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc quốc gia ban phần mềm số Siemens – Tập đoàn Siemens PLM Việt Nam cho biết, Công ty đã tài trợ cho Trường Cao đẳng nghề tỉnh BR-VT phần mềm quản trị ngành cơ khí chế tạo. Đây là một ứng dụng công nghệ số hóa của ngành công nghiệp. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN trong các KCN trong việc triển khai CĐS, nhà máy thông minh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp”, ông Kỳ nói.

Nhằm tiếp tục đồng hành cùng DN, thúc đẩy hoạt động CĐS của các DN sản xuất công nghiệp, thời gian tới, Sở KH-CN tăng cường tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, các hội nghị, hội thảo và báo cáo chuyên đề về công nghệ số, CĐS, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các nhiệm vụ KH-CN dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo; xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ DN nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện CĐS, nâng cao năng suất, chất lượng…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.