Phần mềm Anatomedia – Một đóng góp lớn cho ngành giải phẫu học

Thứ Sáu, 04/03/2022, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

Trong ngành Y, sinh viên y khoa năm thứ nhất ở khắp nơi thế giới khi học về môn giải phẫu cơ thể người thì đều phải học trực tiếp trên xác chết. Việc này có ưu điểm là họ tận tay sờ thấy, nhìn thấy những bộ phận liên quan đến bài học. Tuy nhiên, nhược điểm là do quá trình bảo quản bằng hóa chất nên nhiều mô, cơ, tạng, mạch máu, thần kinh… của xác chết không còn nguyên hình dáng và màu sắc ban đầu, chưa kể sau nhiều lần mổ, một số bộ phận bị rách, nát khiến những người học sau khó hình dung cụ thể.

Cơ quan nội tạng trong phần mềm Anatomedia.
Cơ quan nội tạng trong phần mềm Anatomedia.

Nhưng bây giờ, với phần mềm Anatomedia do giáo sư Norman Eizenberg, Đại học Monash cùng các chuyên gia tại Đại học Melbourne, Australia thiết kế, sinh viên chỉ cần click chuột máy tính vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người mà họ cần tìm hiểu rồi mổ xẻ, bóc tách với một lưỡi dao “ảo”. Bằng hiệu ứng hình ảnh 3 chiều (3D), sinh viên có thể nhìn thấy từng chi tiết nhỏ nhất của từng bộ phận với những giải thích kèm theo.

Để phát triển và hoàn thành phần mềm Anatomedia, giáo sư Norman Eizenberg cùng các chuyên gia tại Đại học Melbourne và Đại học Monash, Australia đã ghi lại hình ảnh tổng thể của một số tử thi nam, nữ, cả người lớn lẫn trẻ con với nhiều tư thế khác nhau như ngửa, sấp, nghiêng… Sau đó, họ bóc tách từ đầu đến chân, từ ngoài vào trong và tất cả đều được ghi hình.

Tổng cộng có 8 triệu bức hình đã được chụp lại rồi tiếp theo, các chuyên gia đồ họa xử lý nó thành phần mềm 3D hoàn chỉnh. Tim Branch, sinh viên năm thứ nhất Đại học Monash cho biết: “Tại trường chúng tôi, trung bình 30 sinh viên thực tập trên một xác chết. Trước đây, nếu học về cấu tạo hộp sọ, chúng tôi phải rạch da đầu rồi bóc nó ra để quan sát. Bây giờ, với chương trình Anatomedia, tôi chỉ cần đưa lưỡi dao “ảo” vào phần đầu trên màn hình máy tính rồi kéo một đường là coi như đã rạch xong. Sau đó, vẫn bằng những công cụ “ảo” tôi bóc lớp da để nhìn vào hộp sọ. Chưa kể nếu muốn mở hộp sọ, tôi vẫn có thể thao tác rất dễ dàng thay vì phải dùng cưa nếu học trên xác thật”.

Theo Tiến sĩ Cromwell, Đại học Y khoa Hoàng gia Anh Quốc: “Mặc dù người học không có được cảm giác “thật” như khi trực tiếp mổ trên tử thi nhưng hiệu quả do Anatomedia thì như nhau. Không chỉ sinh viên y khoa, mà những người làm công tác tư vấn y tế cũng có thể sử dụng chương trình Anatomedia để giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ về bộ phận nào trong cơ thể họ đang mắc bệnh và họ sẽ được mổ để chữa trị như thế nào”.

Trước khi Anatomedia ra đời, ngành y cũng đã có khá nhiểu những phần mềm giải phẫu cơ thể nhưng sinh viên chỉ có thể xem chứ không thể thao tác.  O’Brien, sinh viên năm thứ 4 Đại học Melbourne cho biết: “Mặc dù học về nội khoa, không mổ xẻ nhưng Anatomedia đã cho tôi cái nhìn cụ thể, tỉ mỉ về nội tạng người”. Suzane, cũng là sinh viên năm thứ 4 cho biết thêm: “Không chỉ mổ hở, Anatomedia còn cung cấp cho chúng tôi những kiến thức và cơ hội thực tập mổ nội soi. Chưa kể Anatomedia còn mô tả một đứa trẻ con phát triển thành người lớn mà trong đó, một số bộ phận thay đổi ra sao. Những điều này nếu trong thực tế, tôi phải mổ khá nhiều xác thì mới biết rõ được”. Ana Marusic, giảng viên Đại học Y khoa Zagreb, Croatia đánh giá về chương trình này như sau: “Khi tôi nhận được phần mềm Anatomedia, tôi đã nhanh chóng kết luận rằng Anatomedia sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với ngành giải phẫu học…”.

Chương trình Anatomedia còn có một câu chuyện thú vị khác: Mùa hè năm 2020, Charles Dickinson, sinh viên y khoa năm thứ 5 cùng một nhóm bạn đi du lịch đến một ngôi làng nhỏ ở đảo Bougainville thuộc Papua New Guinea. Tại đây, Charles phát hiện một đứa bé bị viêm ruột thừa cấp mà nếu chuyển nó đến bệnh viện Kiela nằm ở phía đông hòn đảo thì có thể nó sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì nếu ruột thừa vỡ mủ, nó sẽ bị viêm màng bụng. Nhận thấy trạm y tế địa phương có thiết bị gây tê, gây mê và dụng cụ phẫu thuật nhưng không có bác sĩ, Charles đã đề nghị với người y sĩ trưởng trạm cùng thân nhân đứa bé là cho anh mổ để cứu sống nó. Charles kể: “Bằng kinh nghiệm học được qua phần mềm Anatomedia, tôi cùng người y sĩ phụ mổ đã thực hiện ca phẫu thuật thành công”.

Hầu hết đều cho rằng Anatomedia cho phép họ tận dụng tối đa thời gian học tập và tập trung vào những bộ phận có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên, Anatomedia vẫn chưa dừng lại ở đó. Theo Tiến sĩ Robert Rice, cựu cố vấn của Cơ quan Hàng không, không gian Mỹ (NASA), dựa trên nền tảng dữ liệu của nó, ông đang tạo ra bộ cảm ứng đa điểm, giúp sinh viên có cảm giác y như mổ trên người thật: “Bạn sẽ nhận thấy độ dày của da, độ săn chắc của cơ bắp, độ cứng của xương mỗi lúc lưỡi dao chạm vào. Khi cây kẹp bóc tách đi qua lớp mỡ, bạn sẽ thấy sự lầy nhầy của mỡ cũng như những rung động của một mạch máu lớn…”.

Vẫn theo Tiến sĩ Rice, một dự án như vậy sẽ có chi phí khoảng 15 triệu USD nhưng khi hoàn thành, nó sẽ tiết kiệm một khoản rất lớn cho các trường đại học y khoa vì như ở Mỹ chẳng hạn, để duy trì một phòng chứa 40 xác cho sinh viên thực tập, mỗi năm sẽ phải tốn 4 triệu USD.

Hiện tại, tất cả mọi sinh viên y khoa trên thế giới đều có thể truy cập vào chương trình Anatomedia theo địa chỉ www.anatomedia.com với điều kiện phải giỏi… tiếng Anh!

VŨ CAO
(Theo University of Melbourne)

Sau khi phần mềm Anatomedia được đưa vào ứng dụng, bên cạnh những giải thưởng như “Chương trình giảng dạy và học tập tốt nhất bậc đại học” do Hiệp hội các nhà xuất bản Australia trao tặng, “Tài nguyên học tập tốt nhất” do Hiệp hội giáo dục môi trường Australia (AAEE) trao tặng, giải ASCILITE (Máy tính cho giáo dục đại học Australia) cho “Dự án phần mềm hữu ích nhất”, “Giải thưởng đa phương tiện tốt nhất” do Hiệp hội truyền thông các giáo viên Australia, tặng, “Giải thưởng đa phương tiện xuất sắc nhất” do Hiệp hội Y khoa Anh quốc tặng, nó còn nhận được phản hồi tích cực của giới sinh viên ngành y.

 

;
.