Cá nhân tạo, nguồn chất đạm tương lai của thế giới

Thứ Sáu, 11/03/2022, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Theo ước tính, năm 2050 dân số toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 9,7 tỷ người, dẫn đến việc tiêu thụ thực phẩm ngày càng nhiều hơn, trong đó chỉ riêng cá, mỗi năm sẽ là 390 triệu tấn. Vì thế, cá nhân tạo đang được các nhà khoa học hoàn thiện để trở thành nguồn chất đạm tương lai sau khi đã thành công trong việc làm ra thịt nhân tạo…

Những miếng cá ngừ nhân tạo đầu tiên trên thế giới được sản xuất bởi Ocean Hugger Food.
Những miếng cá ngừ nhân tạo đầu tiên trên thế giới được sản xuất bởi Ocean Hugger Food.

Mới đây, Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) đã lên tiếng cảnh báo nếu phương thức đánh bắt và chăn nuôi trong 10 năm tới vẫn được giữ nguyên thì có thể cung cấp đủ cá cho thế giới. Nhưng hậu quả là diện tích đất làm ao nuôi sẽ tăng gấp đôi khiến lượng khí thải tạo ra hiệu ứng nhà kính cao hơn 27% so với hiện tại.

Tuy nhiên, lượng cá đánh bắt trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức, nhất là những loài có giá trị kinh tế cao nhưng chưa thể nuôi được như: cá thu, ngừ, kiếm, đuối, bơn vằn… Theo ước tính, khoảng 90% những loài này sẽ biến mất vào năm 2049 nên vì thế, việc nghiên cứu và sản xuất thịt cá nhân tạo - hay còn gọi là thịt cá nuôi cấy trong phòng thí nghiệm dần trở thành xu hướng và đang được tiến hành tại một số nước Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Hà Lan…

Ngay từ những năm 2000, Cơ quan Hàng không Không gian Mỹ (NASA) đã nghiên cứu và phát triển thịt cá nhân tạo làm thức ăn cho các phi hành gia khi thực hiện những chuyến bay dài ngày trong vũ trụ. Tuy nhiên, thành công đầu tiên phải kể đến Công ty Ocean Hugger Food ở bang California, Mỹ, năm 2017 đã cho ra đời mẫu cá ngừ nhân tạo nặng 360g, được gọi là Ahimi (chất đạm của tương lai).

Cũng trong năm 2017, 2 nhân vật nổi tiếng thế giới là tỷ phú Simons với số tài sản 23,5 tỉ USD và doanh nhân Lauder với số tài sản 17,4 tỉ USD đã cùng góp vốn đầu tư 30 triệu USD cho Công ty sản xuất “thịt cá sạch” Fish Industries. Theo Simons, việc cung cấp đủ cá tự nhiên cho 9 tỷ người là không thể. Do đó, thế giới cần nhiều hơn các hình thức sản xuất thịt cá nhân tạo.

Không chỉ ở Mỹ, thịt cá nhân tạo còn được nghiên cứu ở Trung Quốc và Nga. Tại Trung Quốc, nhằm đối phó với sự thiếu hụt do nguồn cung không đủ cầu mặc dù quốc gia này có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, các nhà khoa học đã thành công trong việc làm ra thịt cá nhân tạo và đang được thử nghiệm trong một số thực phẩm như: bánh bao, hoành thánh, sủi cảo và ngay cả bánh trung thu nhân thịt cá. Giáo sư Wu Chen, chuyên gia về tiêu dùng ở Đại học Thanh Hoa cho biết lý do khiến việc nghiên cứu thịt cá nhân tạo bùng nổ tại Trung Quốc là do thói quen tiêu thụ ở nước này. Hiện tại bình quân mỗi người Trung Quốc ăn 74kg cá các loại mỗi năm, tăng 30% trong 15 năm qua đã khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có nghề cá lớn nhất thế giới.

Tại Nga, sau khi giới khoa học nghiên cứu thành công thịt cá nhân tạo, Tập đoàn thực phẩm Stamovich cho biết đến năm 2027, loại thịt này sẽ được bày bán tại các siêu thị trên khắp đất nước. Công trình nghiên cứu được Stamovich thực hiện trong 2 năm 2020-2021 và 40g thịt cá thu nhân tạo đầu tiên đã hình thành trong phòng thí nghiệm. Theo đánh giá của các chuyên gia Stamovich, khi đưa ra thị trường, 1kg thịt cá nhân tạo với hương vị như cá thu sẽ có giá bán lẻ là 8USD.

Cá nhân tạo cũng không là ngoại lệ ở Nhật Bản. Đây là quốc gia có mức tiêu thụ cá cao nhất thế giới nếu tính theo tỉ lệ đầu người. Gần đây, nhà sản xuất cá Sea Quest Fiji ở Tokyo đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn thực phẩm Consensis, trụ sở tại San Francisco (bang California, Mỹ) với tham vọng phổ biến các loại cá Nhật Bản nhân tạo ra toàn cầu. Theo công ty tư vấn đa quốc gia McKenzie, nguồn thịt cá mà con người tiêu thụ vào năm 2040 sẽ không đến từ việc đánh bắt hoặc nuôi, mà 60% sẽ được tạo ra trong phòng thí nghiệm, trong đó có cả những loại làm từ thực vật nhưng “nhìn giống và có hương vị như cá”.

Hiện tại, ngày càng xuất hiện nhiều công ty nghiên cứu để làm cá từ phòng thí nghiệm theo quy trình độc quyền mà không cần đến tàu đánh cá, biển, ao hồ, thức ăn, nguồn nước cũng như không tạo ra các tác động môi trường như chất thải, khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, họ vẫn gặp phải nhiều thách thức với 2 luồng dư luận trong việc có nên phát triển và tiêu thụ thịt cá nhân tạo hay không. Phía ủng hộ cho rằng về mặt sinh học, thịt cá nhân tạo an toàn hơn vì nó giúp người tiêu dùng tránh được sự dung nạp các yếu tố gây ung thư liên quan đến cá nếu là cá đánh bắt trong tự nhiên bởi lẽ thịt của một số loài cá sống trong tự nhiên thường nhiễm chì, thủy ngân, cadmium…, từ  những vật dụng do con người thải ra, còn với cá nuôi là các hormone tăng trưởng, dư lượng kháng sinh được sử dụng nhằm chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh tật cho cá.

Về phía những người phản đối, điều quan tâm lớn nhất của họ là do nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, thịt cá nhân tạo có gây ra sự biến đổi gien khi ăn vào hay không, nhất là đối với trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành, tiếp theo là hàm lượng chất bổ và mùi vị, chưa kể nó còn bị cho là mối đe dọa sự phát triển của ngành công nghiệp đánh bắt, nuôi và giết mổ truyền thống. Tại Mỹ, các hiệp hội nuôi cá liên tục kêu gọi người tiêu dùng “hãy sáng suốt chọn lựa thức ăn tự nhiên và nguyên bản”. Nhiều tổ chức xã hội đã kiến nghị chính quyền nên ban hành điều luật, cấm các nhà sản xuất thực phẩm gọi thịt cá nhân tạo là “cá” vì nó không được làm ra từ con cá thật.

Quá trình sản xuất thịt cá nhân tạo bắt đầu từ việc lấy tế bào gốc từ những loài cá được ưa chuộng trên thị trường rồi đưa vào môi trường giả lập tự nhiên. Kết hợp với việc bổ sung những hợp chất cần thiết như các phân tử protein và axit amin, tế bào gốc sẽ phát triển thành những mô cơ. Đến khi mô cơ trở thành những khối lớn, người ta sẽ thu hoạch rồi cắt ra từng miếng theo cân lượng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng mà không cần phải quan tâm đến việc xử lý các phụ phẩm như: đầu, nội tạng, xương, vây, vảy…. Theo ước tính của Công ty sản xuất “thịt cá sạch” Fish Industries, chỉ 2-3 năm tới, cá nhân tạo với giá phải chăng sẽ xuất hiện ở nhiều nhà hàng, siêu thị còn trong 10 năm nữa, cá nhân tạo sẽ tràn ngập thế giới.

Tuy nhiên, nhưng ngay cả khi mọi thứ trở nên suông sẻ thì khả năng đáng ngại nhất vẫn là sự đáp ứng của người tiêu dùng. Theo một khảo sát gần đây với 6.000 người tại 3 quốc gia: Mỹ, Ấn Độ và Nhật, có đến 310 người Mỹ trả lời “không” cho câu hỏi: “Bạn có muốn mua thịt cá nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không?”, trong khi con số này ở Nhật, Ấn Độ lần lượt là 90 và 140.

VŨ CAO 

(Theo Science&Life)

 
;
.