Sau 3 năm xây dựng và hoàn thiện, Sở TN-MT vừa chính thức đưa vào vận hành ứng dụng Atlas điện tử tỉnh BR-VT. Đây là một sản phẩm khoa học được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin địa lý hay còn gọi là công nghệ GIS, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, DN và chính quyền địa phương.
Atlas điện tử tỉnh BR-VT đã số hóa toàn bộ thông tin thuộc 18 chủ đề quan trọng của tỉnh, giúp người dân và DN, cơ quan chức năng tìm kiếm và quản lý dễ dàng hơn. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm CNTT (Sở TN-MT) kiểm tra thông tin sau khi cập nhật trên Atlas điện tử |
Nguồn thông tin tin cậy
Trước đây, khi muốn biết thông tin về tỉnh BR-VT, người dân phải tìm hiểu từ sách báo, các trang mạng… Với các nguồn này, độ cập nhật thông tin chưa đồng bộ, kịp thời. Nhưng với Atlas điện tử, người dùng có máy tính, hoặc điện thoại thông minh và có kết nối mạng Internet thì ở bất cứ nơi nào cũng có thể có được nguồn thông tin nhanh, chính xác.
Chẳng hạn, một DN muốn đầu tư vào khu đất nào đó, thay vì trước đây họ phải đi khảo sát thực tế mới biết được địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và các khu vực lân cận như thế nào thì nay chỉ bằng một vài nhấp chuột trên bản đồ Atlas điện tử, toàn bộ thông tin như diện tích, số tờ, số thửa, loại đất quy hoạch… đến hình ảnh nhìn từ vệ tinh của khu đất đều được hiển thị.
Anh Phạm Minh Đức, sinh viên trường Đại học Khoa học - Xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tôi đang làm đề tài nghiên cứu khoa học trong đó cần những thông tin liên quan đến các di tích lịch sử của BR-VT. Nhờ có Atlas điện tử tỉnh BR-VT, việc tìm kiếm thông tin trở nên đơn giản hơn, không mất quá nhiều thời gian tìm kiếm và trích dẫn. Đặc biệt, các thông tin từ Atlas điện tử tỉnh là nguồn tin chính thống, tin cậy.
Atlas điện tử tỉnh là một hệ thống có ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin lịch sử trên địa bàn tỉnh. Atlas điện tử thể hiện đầy đủ toàn diện các thông tin về điều kiện tự nhiên, con người, kết quả các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh, các di tích, danh thắng dưới dạng bản đồ, biểu đồ, chữ viết, hình ảnh...
Do đó, khi sử dụng Atlas điện tử người dân dễ dàng tìm kiếm được các thông tin như tình hình kinh tế chung của BR-VT; địa hình, độ cao, độ dốc các khu vực; tìm kiếm các thông tin liên quan đến khoáng sản, thổ nhưỡng, môi trường, tài nguyên nước, hiện trạng sử dụng đất; các thông tin về du lịch, văn hóa, lịch sử…
Ứng dụng này được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, phục vụ nghiên cứu tổng thể, lập kế hoạch, định hướng phát triển và tham khảo các lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
Dữ liệu được cập nhật sát thực tế
Theo ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN-MT), trong gần 3 năm triển khai thực hiện Atlas điện tử, Sở TN-MT và đơn vị tư vấn đã gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các bản đồ, hồ sơ, tài liệu trước đây đều là những văn bản giấy, hồ sơ giấy.
“Khi thực hiện, chúng tôi phải số hóa hết toàn bộ, từ đó biên tập bản đồ, dữ liệu, làm phần mềm… Sau khi hoàn thiện, Atlas điện tử tỉnh BR-VT được nhiều sở, ngành, hội, các đơn vị chuyên môn, hội đồng khoa học góp ý, phản biện. Khi chỉnh sửa hoàn thiện, Atlas điện tử BR-VT phải được Nhà xuất bản đo đạc bản đồ cấp phép mới chính thức đưa vào vận hành cuối năm 2021”, ông Hiếu thông tin thêm.
Do thông tin, dữ liệu cập nhật trên Atlas điện tử tỉnh BR-VT phải đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn thông tin dữ liệu theo quy định của Bộ TN-MT, Bộ KH-CN, Bộ TT-TT… nên khi thực hiện đơn vị tư vấn phải sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm được thiết kế quản lý tập trung và hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu Oracle.
Theo Sở TN-MT, Atlas điện tử tỉnh BR-VT được cấu trúc thành 6 phần với 18 chủ đề, trong đó có 1 chủ đề giới thiệu chung; 5 chủ đề tự nhiên; 7 chủ đề kinh tế; 4 chủ đề về văn hóa - xã hội. Atlas điện tử thể hiện đa ngành, đa lĩnh vực, không gian địa lý từ cấp tỉnh tới cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nội dung của Atlas thể hiện từ tổng quát đến chi tiết, phản ánh hầu hết các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội… thông tin gắn với không gian và thời gian rõ ràng. |
Ngoài ra, để đạt được tính ứng dụng cao, đơn vị thực hiện phải sử dụng nhiều nền tảng ứng dụng hiện đại như: công nghệ GIS, công nghệ quản lý dữ liệu đồ họa; Google map, Vietbando, bản đồ mẫu của Esri… Đặc biệt, đơn vị thực hiện phải sử dụng ảnh vệ tinh từ Google map để cập nhật các nội dung mới phát sinh. Chẳng hạn thêm một trạm y tế mới, một tuyến đường mới… nếu trên Atlas giấy không thể hiện được ngay nhưng trên Atlas điện tử tất cả đều được cập nhật kịp thời.
Việc đưa vào hoạt động Atlas điện tử tỉnh BR-VT là một trong những bước quan trọng trong công tác hiện đại hóa nền hành chính công. Bên cạnh đó, việc xây dựng Atlas điện tử cũng giúp cho hệ thống cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả và hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ