.

Sân chơi thú vị cho thanh niên

Cập nhật: 19:59, 15/10/2021 (GMT+7)

Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh BR-VT” là một trong những sân chơi thú vị dành cho thanh niên. Từ cuộc thi này, nhiều ý tưởng mới, mang tính thiết thực đã xuất hiện và được hiện thực hóa, mang lại giá trị hữu ích cho cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hương giới thiệu sản phẩm tinh dầu, xà phòng tắm từ nguyên liệu tự nhiên đến khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hương giới thiệu sản phẩm tinh dầu, xà bông tắm từ nguyên liệu tự nhiên đến khách hàng.

Nhiều ý tưởng đã có “đầu ra”

Chị Nguyễn Thị Hương (hội viên Hội LHTN TP. Vũng Tàu) gửi đến cuộc thi năm nay với ý tưởng khởi nghiệp từ tinh dầu tự nhiên. Chị cho biết, 5 năm trước, khi về thăm gia đình người thân của chồng ở Đắk Lắk, thấy người dân trồng nhiều sả nhưng không có nơi tiêu thụ. Từ đó, chị nảy sinh ý tưởng làm sao để cây sả mang lại giá trị hữu ích nhất, đồng thời giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Sau nhiều năm nghiên cứu, chị và gia đình người anh đã thử nghiệm thành công chưng cất tinh dầu sả. Ban đầu, chị mang biếu người thân, bạn bè dùng thử. Nhận được phản hồi tốt về sản phẩm, chị và gia đình quyết định làm với số lượng lớn để phân phối ra thị trường và lấy thương hiệu Tinh dầu Hoàng Công Minh - tên của người anh.

Vừa làm vừa cải tiến, mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp, phong phú hơn, được thị trường đón nhận. Sản phẩm được chiết xuất từ: cây sả, quế, bạc hà, hương nhu, tràm, hoa ngũ sắc, được đóng lọ thủy tinh với dung tích từ 10-100ml và có giá thành từ 50 - 400 ngàn đồng. “Sản phẩm tinh dầu sả không chỉ giúp nông dân có công ăn việc làm, có đầu ra ổn định mà hướng đến bảo vệ môi trường, như: tất cả sử dụng chai thủy tinh, có thu mua vỏ chai để tái sử dụng, nhãn chai, bao bì dùng giấy krafft (giấy tái chế)”, chị Hương chia sẻ.

Ngoài tinh dầu: sả, sả chanh, bạc hà, quế, chị Hương còn có thêm sản phẩm xà bông tắm từ sả, xơ mướp, bạc hà. Hiện sản phẩm của chị được phân phối đến các thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tham dự cuộc thi, chị Hương mong muốn lan tỏa các sản phẩm tự nhiên đến người tiêu dùng, đồng thời chia sẻ ý tưởng sẽ tiếp tục có thêm các sản phẩm mới trong thời gian tới như: nước rửa chén, nước lau sàn thiên nhiên; kết hợp, tổ chức các buổi học ngoại khóa để hướng dẫn HS cách làm xà bông, dầu gội từ thiên nhiên...

Cũng mang ý tưởng khởi nghiệp hướng đến tìm đầu ra cho nông dân, đồng thời hướng đến sức khỏe người tiêu dùng, anh Nguyễn Hữu Khánh, hội viên Hội LHTN TP. Bà Rịa giới thiệu chuỗi cửa hàng sinh tố, nước ép rau má Online-Rau má On. Theo anh Khánh, rau má là thức uống bổ dưỡng, có nhiều tác dụng như: giảm cân, thanh mát, đẹp da nên anh chọn khởi nghiệp bằng sản phẩm này. Nguồn nguyên liệu rau má dồi dào, có sẵn tại xã Long Phước (hơn 50 hộ dân trồng trên diện tích khoảng 20ha, thu hoạch từ 700kg đến 1 tấn/ngày).

Rau má On bắt đầu xuất hiện trên thị trường TP. Bà Rịa từ năm 2021, với thực đơn phong phú, phù hợp nhiều lứa tuổi như: Rau má nguyên chất, rau má đậu, rau má khoai môn, đậu xanh, củ năng... kết hợp topping giống trà sữa, tạo hứng thú cho giới trẻ (giá từ 15.000 đồng-20.000 đồng/ly). Mô hình ứng dụng công nghệ để quản lý, phát triển khách hàng, bán hàng. Tại TP. Bà Rịa, anh Khánh đã xây dựng được 3 điểm bán hàng và có lượng khách ổn định. Anh mong muốn mở rộng thêm 4 điểm tại TP. Vũng Tàu và 3 điểm tại các địa phương khác.

Và những ý tưởng hữu ích

Ngoài các ý tưởng đã có sản phẩm như: Rau má On, tinh dầu sả, thiết bị học bảng chữ cái học toán dành cho người khiếm thị, nước sạch và biển sạch... Cuộc thi năm nay còn xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp hay, hữu ích.

Anh Huỳnh Công Hiếu, Hội LHTN huyện Long Điền mang đến cuộc thi ý tưởng Máy lượm trứng vịt điều khiển từ xa. “Gia đình tôi sống ở xã Tam Phước, xung quanh nhiều hộ nuôi vịt. Thấy người chăn nuôi phải đi nhặt trứng vất vả, tôi nảy ra ý tưởng về một chiếc máy để giúp bà con nhàn rỗi hơn”, anh Hiếu chia sẻ về ý tưởng.

Chiếc máy được thiết kế dựa theo nguyên lý của máy gặt lúa, điều khiển từ xa, trứng thu lượm được đưa vào buồng chứa. Anh Hiếu đã đặt mua vật liệu để chế tạo sản phẩm nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chưa về theo đúng kế hoạch.

Trong khi đó, nhiều ý tưởng cũng thu hút sự chú ý của Ban tổ chức như: thiết bị hỗ trợ tập đi đa chức năng (hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho người khuyết tật, người bị tai biến, tai nạn); chiết xuất keratin từ tóc trong môi trường kiềm để tăng dinh dưỡng, diệt côn trùng cho cây; sản xuất phân hữu cơ từ trùn quế... Những ý tưởng này không chỉ có tính thiết thực cao, mà còn hướng đến lợi ích thiết thực cho người dùng.

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh nhận xét, năm nay các ý tưởng, dự án tham dự đã nhiều hơn, đối tượng phong phú, có cả SV, HS THPT. Các ý tưởng, dự án có tính táo bạo, đột phá và ứng dụng KH-KT, hàm lượng công nghệ nhiều hơn.

“Từ 38 ý tưởng, qua vòng sơ khảo, bán kết, chúng tôi chọn ra 10 ý tưởng vào vòng chung kết. Những ý tưởng này sẽ được hiện thực hóa, với sự đồng hành, hỗ trợ của các cố vấn nhiều kinh nghiệm, các nhà đầu tư, doanh nhân, Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp tỉnh và Vườn ươm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Hội LHTN tỉnh”, anh Triết nói.

Bài, ảnh: MINH THANH

 

.
.
.