Trên khắp hành tinh của chúng ta, không một loài động vật nào chịu trách nhiệm về cái chết của con người nhiều hơn loài muỗi. Chúng không có hàm răng sắc nhọn của cá mập, nọc độc của rắn hay móng vuốt của loài hổ mà chúng mang trong mình ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, khiến 229 triệu người nhiễm và hơn 400 ngàn người thiệt mạng chỉ riêng trong năm 2020.
Trẻ em Malawi được tiêm chủng vắc xin Mosquirix đầu tiên trên thế giới. |
Sau gần 40 năm kể từ khi hiểu rõ về cơ chế của bệnh sốt rét, y học mới tìm ra cách chống lại nó bằng vắc xin Mosquirix. Đây là loại vắc xin có quá trình nghiên cứu dài nhất nhưng may mắn là đã thành công…
Đó là một buổi sáng đầu tháng 9/2021, trong căn phòng nhỏ tại Trung tâm Y tế Phalula, quận Balaka, miền nam Malawi, 2 bà mẹ trẻ ngồi trên chiếc ghế dài bằng gỗ với 2 đứa con mới 5 tháng tuổi. Đối diện với họ, phía sau chiếc bàn là Alfred Kaponya, nhân viên y tế cộng đồng đang rút vắc xin Mosquirix từ trong chiếc lọ nhỏ vào ống tiêm. Tiếp theo, Kaponya giải thích quy trình tiêm chủng cho 2 bà mẹ rồi ghi số sêri vắc xin cùng ngày giờ thực hiện vào cuốn sổ theo dõi.
Câu chuyện xem ra có vẻ bình thường nhưng không phải vậy. Hai đứa bé người Malawi là những đối tượng đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa sốt rét sau khi loại vắc xin này đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Phải mất gần 40 năm nghiên cứu, vắc xin Mosquirix mới ra đời trong bối cảnh ký sinh trùng sốt rét đã kháng với những phương pháp điều trị được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép sử dụng rộng rãi, kể cả với những loại hóa chất diệt muỗi.
Ngược dòng thời gian, bệnh sốt rét xuất hiện từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Những di chỉ khảo cổ vùng Lưỡng Hà cho thấy cư dân ở đây đã nhiễm và tử vong hàng loạt nhưng mãi đến năm 1880, bác sĩ Laveran người Pháp lần đầu tiên mới phát hiện bệnh sốt rét tại tỉnh Constantin, Algeria. Ông đặt tên cho nó là Oscillaria malariae. 7 năm sau, bác sĩ Welch phân lập được ký sinh trùng gây ra sốt rét ác tính và gọi nó là Plasmodium falciparum. Ông được trao giải Nobel Y học cũng nhờ công trình này.
Từ đó đến năm 2000, y học ngày càng hiểu rõ cách lây truyền và cơ chế sinh bệnh sốt rét nhưng phải đến năm 2002, một nhóm các nhà khoa học Anh, Mỹ mới lập được bản đồ gien của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, là loại làm chết người nhiều nhất trong 4 loại ký sinh trùng gây bệnh: Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium falciparum.
Sốt rét ác tính có vòng đời phức tạp. Nó bắt đầu từ từ loài muỗi cái mang ký sinh trùng Plasmodium falciparum trong cơ thể nó. Khi chích người để hút máu, muỗi cái phóng thích vào máu người các tế bào Plasmodium, được gọi là Sporozoites. Tiếp theo Sporozoites nhân lên trong gan rồi xuất hiện dưới dạng một loại tế bào khác có tên là Merozoites. Nó xâm nhập các tế bào hồng cầu và tiếp tục nhân lên khiến tế bào hồng cầu vỡ ra. Hậu quả là người bệnh có những cơn rét run rồi sốt cao, nhức đầu, đau cơ, thiếu máu nhưng các biến chứng nguy hiểm nhất của nó gồm loạn ý thức, mất ngủ, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu dữ dội, hôn mê, co giật, rối loạn hô hấp, phù não, tăng huyết áp, suy đa phủ tạng (phổi, gan, hệ tiêu hóa), dẫn đến tử vong.
Chưa hết, máu của người nhiễm Plasmodium falciparum chứa đầy tế bào giao tử - là tế bào sinh sản của ký sinh trùng - sẵn sàng để đón những con muỗi cái tiếp theo, hút máu họ rồi lây truyền cho người khác. Trong quá trình lây truyền, ký sinh trùng Plasmodium falciparum thường xuyên thay đổi các protein bề mặt của nó. Điều đó khiến nó trở thành mục tiêu khó nắm bắt đối với hệ thống miễn dịch trong cơ thể người.
Vì thế, nghiên cứu để tìm ra vắc xin ngừa sốt rét là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Ngay từ những năm 1980, một nhóm các nhà khoa học người Bỉ thuộc phòng thí nghiệm của hãng dược phẩm GlaxoSmithKline đã tiến hành tạo ra một miễn dịch chống lại một protein xuất hiện trên bề mặt của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và nó được đặt tên là Mosquirix. Kết quả thử nghiệm đầu tiên thực hiện năm 2004 với 2.000 trẻ em từ 1 đến 4 tuổi ở Mozambique nhưng không mang lại nhiều hứa hẹn.
Tiếp theo, từ 2009 đến 2011, Mosquirix tiếp tục được thử nghiệm với 12.000 trẻ em khác ở 3 quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, những trẻ sơ sinh từ 6 đến 12 tuần tuổi sau khi tiêm Mosquirix thì khả năng chống lại bệnh sốt rét ác tính gần như bằng 0, còn với trẻ từ 17 đến 25 tháng tuổi, tỷ lệ nhiễm sốt rét ác tính chỉ giảm 40%, tỉ lệ tử vong giảm 30%. Con số này không làm cho các nhà nghiên cứu hài lòng, chưa kể có ý kiến cho rằng Mosquirix không đủ an toàn và hiệu quả để đưa vào sử dụng, thậm chí có người còn so sánh để làm ra một liều vắc xin Mosquirix thì phải tốn mất 20 USD trong lúc mua 1 cái mùng chống muỗi chỉ là 5 USD còn 1 liều thuốc dự phòng sốt rét là 1,5 USD nên vắc xin Mosquirix không khả thi về mặt kinh tế với những nước nghèo.
Tuy nhiên, nhà sinh học phân tử Joe Cohen, người đứng đầu chương trình nghiên cứu vắc xin Mosquirix cho biết 1 cái mùng không thể xài được suốt đời. Tương tự như vậy, thuốc dự phòng sốt rét không thể chỉ uống 1 liều mà năm nào cũng phải uống trong lúc vắc xin Mosquirix thì chỉ cần tiêm 1 lần, miễn phí!
Thế rồi, dựa vào bản đồ gien của ký sinh trùng Plasmodium falciparum, các nhà khoa học chỉnh sửa một đoạn mã trong thành phần vắc xin Mosquirix rồi tiếp tục tiến hành thử nghiệm trên 120.000 trẻ em ở 7 nước châu Phi, gồm Nam Phi, Malawi, Tchad, Angola, Mozambique, Congo và Nigeria liên tiếp trong 5 năm. Kết quả cho thấy sau khi được tiêm Mosquirix, chỉ có 7% trẻ nhiễm sốt rét ác tính nhưng không trẻ nào chết trong khi trước đó, cứ 100 trẻ nhiễm sốt rét ác tính ở những quốc gia này thì có đến 97 trẻ lìa đời. Một con số kinh khủng!
Cuối cùng, đầu tháng 9 năm nay, WHO đã chính thức phê duyệt vắc xin phòng bệnh sốt rét đầu tiên trên thế giới Mosquirix. Theo WHO, bệnh sốt rét - đặc biệt là sốt rét ác tính vẫn là mối đe dọa thường trực về sức khỏe cho người dân châu Phi và châu Á.
Việc vắc xin Mosquirix ra đời sẽ góp phần chấm dứt cơn ác mộng này, nhất là đối với trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tiến sĩ Christine Stabell, người phụ trách chương trình tiêm chủng chống các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nói: “Khác với những loại vắc xin khác, phải mất gần 40 năm y học mới tìm ra phương pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa bệnh sốt rét. Đó là một thời gian quá dài nhưng dẫu sao, chết vì sốt rét ác tính sẽ thuộc về quá khứ…”.
VŨ CAO
(Theo The Health)