Đa dạng hình thức thanh toán trực tuyến dịch vụ viễn thông

Thứ Sáu, 22/10/2021, 21:53 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là yêu cầu đặt ra đối với các DN viễn thông nhằm tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong thời gian tới. 

Các DN viễn thông cần giảm tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tiếp để đẩy nhanh công tác chuyển đổi số. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán và sử dụng dịch vụ trực tiếp tại cửa hàng Vinaphone BR-VT.
Các DN viễn thông cần giảm tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tiếp để đẩy nhanh công tác chuyển đổi số. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán và sử dụng dịch vụ trực tiếp tại cửa hàng Vinaphone BR-VT.

TỶ LỆ THANH TOÁN TRỰC TUYẾN THẤP

Trên địa bàn tỉnh BR-VT có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông như: Viettel, MobiFone, VinaPhone, FPT, SCTV, VTV cap, HTV cap… Đây đồng thời cũng là những DN cung cấp dịch vụ, giải pháp nền tảng để giúp các DN, lĩnh vực khác thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng sử dụng thanh toán trực tuyến của các đơn vị này rất thấp, có nhiều DN mới đạt 20-30%, đa số vẫn đang thu phí trực tiếp tại trụ sở hoặc tại nhà riêng của khách hàng.

Theo phản ánh của các DN, việc chưa thực hiện thu cước, phí trực tuyến chủ yếu là do khách hàng không đồng ý với phương thức này hoặc không có tài khoản, ứng dụng… để thanh toán trực tuyến. Đặc biệt là người dân khu vực phòng trọ, người dân khu vực nông thôn, đối tượng khách hàng là người lớn tuổi không rành công nghệ. Ngoài ra, nhiều người dân chưa được biết đến hình thức thanh toán cước trực tuyến hoặc một số nhân viên thu cước vẫn muốn duy trì công việc thu cước tại nhà.

Bà Võ Thị Thừa (1/2/18 Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cho biết, gia đình bà sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, Internet, đóng học phí... Riêng dịch vụ truyền hình cáp vẫn trả cước bằng hình thức thu tiền mặt tại nhà. “Qua tìm hiểu được biết đã có dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với phí viễn thông nhưng chưa có nhân viên nào hướng dẫn cho tôi cả”, bà Thừa nói.

Ông Võ Đình Vũ, Giám đốc Trung tâm CNTT Viễn thông BR-VT cho biết, mặc dù đã áp dụng các giải pháp thanh toán cước phí trực tuyến từ nhiều năm nay nhưng tỷ lệ thu cước của VNPT BR-VT chỉ mới đạt 30% trong tổng số hơn 130 ngàn khách hàng. DN phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt 70% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, không thu trực tiếp tại nhà.

Còn đại diện FPT Vũng Tàu cho biết, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, DN chỉ có 20-30% khách hàng sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến. Từ khi dịch bùng phát, DN không được thu cước trực tiếp nên đã nâng tỷ lệ thu trực tuyến lên 50%. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao tỷ lệ thu trực tuyến với DN này vẫn còn nhiều khó khăn vì hiện nay tỷ lệ nợ đọng của khách hàng sau nhiều tháng ảnh hưởng của dịch bệnh không thu cước trực tiếp lên đến hàng tỷ đồng.

NHIỀU HÌNH THỨC THANH TOÁN

Ông Ngô Văn Tứng, Phó Giám đốc Viettel BR-VT đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tuyến chia sẻ, đơn vị có hơn 100 ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ của Viettel. Trong đó, từ trước dịch COVID-19, đơn vị này có khoảng 60% khách hàng chọn hình thức thanh toán online, 40% khách hàng đóng cước, phí trực tiếp.

Trong thời gian dịch bệnh, trước yêu cầu cấp thiết phải thực hiện chuyển sang hình thức thu cước gián tiếp, Viettel BR-VT đã triển khai quyết liệt các giải pháp thanh toán trực tuyến qua các kênh thanh toán như liên kết với ngân hàng, thanh toán qua ví Momo, Viettel Pay… Đồng thời, Viettel cắt hoa hồng thu trực tiếp của nhân viên thu cước, thay vào đó tăng lợi nhuận từ thu gián tiếp; chuyển dần nhân viên thu cước tại nhà sang bộ phận bán hàng. Với các giải pháp này, đến nay tỷ lệ thanh toán cước trực tuyến của khách hàng Viettel đã đạt 80%. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ tăng lên 90% và đến quý 2/2022 sẽ đạt 100% lượng khách hàng thanh toán online.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT, chuyển đổi số - xây dựng chính quyền điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. BR-VT hiện có tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao nhất trong cả nước với hơn 1,07 triệu chiếc. Muốn chuyển đổi số thành công, các DN viễn thông phải đi đầu trong việc thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, chuyển sang thanh toán trực tuyến và đưa vào nhiều ứng dụng, nền tảng để phục vụ cho các ngành khác cùng chuyển đổi số.

“Các giải pháp để thu cước trực tuyến của DN viễn thông đã có sẵn. Việc cần làm là phải tuyên truyền, vận động người dân, khách hàng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt để thích ứng với cuộc sống số, vừa bảo đảm an toàn đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Với những người dân chưa có giải pháp thanh toán trực tuyến thì có thể vận động người nhà hỗ trợ, liên kết với ngân hàng để mở tài khoản…”, ông Tuấn nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến, các DN đã cam kết đến cuối năm 2021 nâng tỷ lệ khách hàng thanh toán dịch vụ viễn thông, truyền hình bằng hình thức trực tuyến lên 50-90%. Dự kiến đến cuối năm 2022, các DN viễn thông sẽ có 95-100% khách hàng thanh toán cước dịch vụ không dùng tiền mặt. Để đạt mục tiêu này, các DN đã kết hợp với các ngân hàng hoặc đối tác công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán điện tử. Các giải pháp thanh toán cước viễn thông không dùng tiền mặt cũng được triển khai linh hoạt như: thanh toán qua Mobi money, ATM, Internet Banking, Auto Banking, Zalopay, VNPT pay, Viettel Pay, Mobipay, ví Momo…

 

 

;
.