5 tháng, cáp quang biển đứt 3 lần

Chủ Nhật, 31/10/2021, 20:56 [GMT+7]
In bài này
.

Tuyến cáp quang biển AAG vừa bị đứt hôm 22/10 trên nhánh cáp S1I kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ internet đi quốc tế. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng, tuyến cáp này đã 3 lần hư hỏng. Sự cố đứt cáp quang này cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho người dùng, nhất là khi các địa phương đang triển khai việc học trực tuyến, làm việc từ xa…

Cáp quang biển liên tục bị đứt khiến kết nối internet chập chờn.
Cáp quang biển liên tục bị đứt khiến kết nối internet chập chờn.

Cáp quang đứt liên tục

Là người làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng, chị Chang Tiểu Hồng, nhân viên một DN Hàn Quốc tại TX. Phú Mỹ cho biết: “Cả tháng nay, mạng internet quá chậm, tôi làm việc buổi sáng, chỉ đính kèm một file vào gmail mà mất quá nhiều thời gian, phải thao tác lại nhiều lần. 5 tháng đứt cáp 3 lần, mỗi lần sửa cả tháng. Trong khi thời gian dịch bệnh như hiện nay, làm việc và học tập trực tuyến đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Mạng internet chập chờn sẽ làm những người dùng như tôi cảm thấy nản lòng”.

Kết nối internet chập chờn ảnh hưởng nhiều nhất đến việc học hành của HS, nhất là hiện nay đang phải học trực tuyến. Anh Vũ Văn Dũng (86 Lê Lai, TP. Vũng Tàu) cho biết, anh có 2 con đang học tiểu học. Buổi tối từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ là thời gian các con học trực tuyến theo chương trình của nhà trường. Tuy nhiên nhiều ngày qua khi vào ứng dụng google meet để vào lớp học thì  liên tục bị “văng” ra ngoài và không vào lại được. “Tôi phải tắt máy khởi động lại nhiều lần để cố gắng vào lại lớp cho con nhưng vẫn không được. Do đó nhiều hôm việc học của các con buộc phải kết thúc sớm”.

Theo thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước, sự cố mới xảy ra trên tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) vào đêm 22/10 vừa qua được xác định xảy ra tại phân đoạn S1H.3 và S1H.4 trên nhánh cáp S1H, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi Singapore và châu Âu. Chỉ mới 12 ngày trước đó, sự cố trên nhánh S1B kết nối từ Hong Kong đi Singapore vừa mới được khắc phục. Ngoài sự cố vừa mới phát sinh trên tuyến cáp quang AAG còn một tuyến cáp quang biển khác là AAE-1 (Asia Africa Europe – 1) cũng đang bị lỗi tại phân đoạn S1H.3 và S1H.4 trên nhánh cáp S1H, gây ảnh hưởng đến kết nối internet từ Việt Nam đi Singapore và Châu Âu. Việc khắc phục được dự kiến đến ngày 14/11 mới hoàn thành.

Có thể thấy, hơn 11 năm đưa vào hoạt động, tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố khiến cho việc sử dụng các dịch vụ: Web, email, video, mạng xã hội… của người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng, chậm đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm với nhiều người dùng đồng thời. Vì có đặc thù riêng tuyến cáp được xây dựng dưới biển nên việc sửa chữa mỗi tuyến cáp thường kéo dài, phụ thuộc vào kế hoạch của cả đối tác quốc tế, có khi kéo dài cả tháng.

Người dùng lãnh đủ

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, DN, trường học đều phải làm việc và dạy học trực tuyến, mạng internet chậm đã gây thiệt hại không nhỏ đến DN, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học. Để khắc phục sự cố đứt cáp, Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom...). Đại diện nhà mạng VNPT cũng cho biết đã triển khai tối ưu, căn chỉnh lưu lượng để bảo đảm dịch vụ cho khách hàng. Trong khi đó, nhà mạng CMC đã chuyển dung lượng sang các hướng cáp khác, gồm cả hướng cáp xuyên Đông Nam Á (A-Grid).

Mặc dù các nhà mạng đã cố gắng chuyển hướng truyền dẫn nhưng sự cố đứt cáp quang vẫn ảnh hưởng khá nặng tới đường truyền học tập và hội nghị trực tuyến. Theo ghi nhận trên hệ thống hướng truy cập đến các giải pháp học trực tuyến như Microsoft Team, Zoom... tăng mạnh. Mặt khác, do ảnh hưởng từ 2 sự cố cáp quang diễn ra cùng lúc trên 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 đã ảnh hưởng tới truy cập của khách hàng đến các trang web quốc tế.

Theo thống kê của Sở TT-TT, tại BR-VT hiện có khoảng gần 30.000 thuê bao đang sử dụng dịch vụ internet cáp quang của các nhà cung cấp dịch vụ Viettel, VNPT, FPT… Nhiều người dùng internet cho rằng, họ thường mua gói cước trung bình khoảng 200.000 đồng/tháng và trả tiền thuê bao hàng tháng, nửa năm hoặc 1 năm. Nhiều DN sẵn sàng đầu tư những gói cước có dung lượng lớn với cước thuê bao lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng. Khoản tiền thuê bao này không phải thấp nhưng chất lượng dịch vụ phập phù nhưng nhiều năm qua người dùng không được đền bù, giảm hoặc trả lại một phần tiền thuê bao.

Theo đại diện VNPT BR-VT, Điểm e, Khoản 1, Điều 16 (Luật Viễn thông 2009), trong trường hợp mạng viễn thông thường xuyên bị chậm làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đường truyền, không đúng chất lượng đường truyền như đã thỏa thuận trên hợp đồng cung ứng dịch vụ, thì bên sử dụng dịch vụ viễn thông được “khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của DN viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra”. Tuy nhiên, trong các hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay, sự cố “đứt cáp quang” hoặc “đứt cáp ngầm” được quy định là trường hợp hoặc sự kiện bất khả kháng (do tác động của thiên nhiên…).

Các nhà mạng thường xếp sự cố đứt cáp quang vào trường hợp “bất khả kháng” và… mong khách hàng thông cảm. Nhưng sự cố này xảy ra thường xuyên và liên tục khiến khách hàng khó lòng cảm thông nếu không được đền bù, giảm cước dịch vụ.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.