.
NƯỚC SẠCH CHO CUỘC SỐNG

Thủ phạm âm thầm tấn công nguồn nước

Cập nhật: 21:33, 12/11/2020 (GMT+7)

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nảy sinh rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Và một trong những lo ngại nhất hiện nay là việc lạm dụng thuốc, hóa chất BVTV, cũng như sự thiếu ý thức của người sản xuất trong thu gom bao bì thuốc BVTV.

BR-VT khuyến khích người dân ứng dụng KH-CN vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
BR-VT khuyến khích người dân ứng dụng KH-CN vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Hiện nay, các loại thuốc BVTV bán tràn lan. Người nông dân nếu chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, rất dễ lạm dụng các loại hóa chất BVTV. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để phát sạch cỏ trên diện tích 1ha nương rẫy phải mất từ 15 đến 20 ngày công lao động. Nhưng cũng với diện tích đó, chỉ cần một gói thuốc diệt cỏ giá 70.000 đồng thì một người có thể làm sạch bóng cỏ chỉ trong 1 giờ phun. Chính sự tiện lợi ghê gớm đó, là ngọn nguồn của việc người dân vẫn chưa dứt khoát chia tay với loại hóa chất độc hại này. Về tình trạng thu gom bao bì thuốc BVTV, thời gian qua, dù đã được khuyến cáo, tuyên truyền nhiều, nhưng trên một số ruộng dưa, ruộng rau của các hộ nông dân trong tỉnh, vẫn còn tình trạng bao bì vương vãi khắp nơi, tồn tại lâu ngày. 

Theo Sở TN-MT, một trong những “thủ phạm” đang âm thầm gây ô nhiễm nguồn nước chính là việc lạm dụng phân bón, hóa chất BVTV. “Thủ phạm” này không chỉ gây ô nhiễm nước sông, hồ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tầng nước ngầm. Vì vậy, việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV, thu gom bao bì thuốc BVTV đến nơi quy định là việc làm cấp bách ở mọi địa phương.

Bà Huỳnh Thị Thanh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, ý thức rõ việc lạm dụng phân bón, hóa chất BVTV sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã kêu gọi toàn thể hội viên, nông dân và nhân dân thay đổi thói quen, thực hành nghiêm túc việc sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép; không vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng ra môi trường mà phải thu gom để xử lý đúng quy định... Đến nay người dân đã ý thức rõ nét hơn trong việc sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV.

Còn tại An Nhứt - một xã thuần nông của huyện Long Điền, mỗi vụ gieo trồng trên 220ha diện tích lúa, vì vậy lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm là khá lớn. Để hạn chế lượng rác thải từ các vỏ bao bì, chai, lọ đựng thuốc tại các cánh đồng, xã An Nhứt đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom rác thải vào bể thu gom tại đồng ruộng theo quy định tại 6 bể chứa rác thải vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV tại các vùng trồng lúa. Những bể thu gom này được đặt ở những vị trí phù hợp, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con nhưng đặt xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường. Ông Nguyễn Văn Bửu (ấp Phước Trung, xã An Nhứt, huyện Long Điền) cho biết: “Trước đây, tôi thường bỏ bao bì thuốc trừ sâu lại trên bờ kênh. Sau này được tuyên truyền, tôi biết việc đó có thể gây hại cho nguồn đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe nên sau mỗi lần phun thuốc, bón phân tôi đều thu gom bao bì, bỏ vào bể chứa”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), thời gian qua để cùng chung tay với Sở TN-MT trong việc bảo vệ nguồn nước, Sở đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, các công ty và địa phương thực hiện lắp đặt bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đến nay trên toàn tỉnh có 61 bể thu gom. Từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị đã thu gom được 422kg bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tính chung trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương thu gom được 3.641kg bao bì thuốc BVTV.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.