Đồ nhựa dùng một lần đang hủy hoại môi trường sống
Những chiếc túi ni-lông, chai nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa… đang là lựa chọn hàng đầu để bao, gói, chứa đựng đồ dùng. Hầu hết người dùng ưa thích bởi chúng rất tiện dụng. Tuy nhiên, những rác thải này lại là mối đe dọa không chỉ đối với môi trường, hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Ly nhựa đựng cà phê cho khách mua mang đi là hình ảnh phổ biến hiện nay. |
“TIỆN” NHƯNG KHÔNG “LỢI”
Từ cháo, xôi đến nước ép trái cây, trà sữa đều được nhiều người bán hàng đóng vào hộp nhựa, xếp thành hàng để bán cho công nhân, công chức đi làm buổi sáng là hình ảnh thường thấy hiện nay. Theo lý giải của một người bán hàng, cách thức này được nhiều quán ăn, nhà hàng áp dụng, vì đáp ứng nhu cầu của “thượng đế” muốn rẻ, nhanh chóng, tiện lợi, không phải chờ đợi lâu. Chị Loan chủ một quán cơm trên đường Lê Lai (TP. Vũng Tàu) cho biết, trung bình một ngày, quán cơm của chị tiêu thụ hàng trăm hộp xốp đựng cơm kèm theo muỗng và nĩa. Do giá thành của những sản phẩm nhựa này rẻ nên giá cơm hầu như không thay đổi.
Không chỉ các quán nhỏ, các quầy hàng ăn sáng bán thức ăn mang đi mà tại nhiều quán cà phê nổi tiếng đẳng cấp như quán Highland trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Vũng Tàu) cũng hoàn toàn sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa sử dụng một lần. Theo giải thích nhân viên của quán là do tính tiện lợi của các loại ly nhựa này, dùng xong là vứt đi mà không phải chùi rửa.
Dạo quanh các chợ, siêu thị đến các cửa hàng bán tạp hóa, bánh sinh nhật…, chúng tôi dễ dàng mua các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau, với giá khá mềm: ống hút 7.000-8.500 đồng/bịch 80 cái; hộp xốp đựng đồ ăn 25.000-30.000 đồng/100 cái; tô nhựa 15.000-16.000 đồng/20 cái; dĩa tròn 25.000-28.000 đồng/20 cái; ly nhựa có nắp 17.000-25.000 đồng/50 cái… Chính với mức giá rẻ bèo này nên việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần ngày càng phổ biến.
Sự xuất hiện của rác thải nhựa ngày càng nhiều đã gây ra nhiều áp lực về môi trường. Thống kê của đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh BR-VT là Công ty TNHH Kbec Vina cho thấy, trung bình mỗi ngày công ty tiếp nhận khoảng trên 900 tấn rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa. Lượng rác này đã tăng gần 200 tấn/ngày so với cách đây vài năm. Lượng chất thải nhựa này hiện nay vẫn đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, chất thải nhựa rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm.
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ… túi ni-lông và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư. “Nếu chúng ta không thay đổi suy nghĩ về rác thải nhựa ngay từ bây giờ, không những chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề mà con cháu của chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng”, ông Hải nhấn mạnh.
THAY ĐỔI THÓI QUEN VÀ ĐÁNH THUẾ ĐỒ NHỰA
Chị Hồ Thị Thu Thủy mang theo ly và ống hút inox để sử dụng khi đến quán cà phê. |
Bước ra khỏi nhà, chị Hồ Thị Thu Thủy (150, Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) thường mang theo túi xách bằng vải có 1 cái hộp thủy tinh và một bộ ly, ống hút bằng inox. Vào quán cà phê, như thường lệ chị Thủy gọi ly cà phê nhưng từ chối dùng ly nhựa và ống hút nhựa từ quán. Thay vào đó, chị nhờ nhân viên của quán bỏ nước uống vào bộ ly mà chị mang theo. Chị Thủy cho biết, sau khi du học Anh trở về, khoảng 2 năm nay chị bắt đầu thói quen mang theo ly và ống hút khi đến những quán ăn, nhà hàng sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa. “Tôi đã chính thức nói không với túi ni-lông và các loại sản phẩm nhựa dùng một lần. Tôi nghĩ, đó là thói quen tốt. Mỗi việc làm nhỏ sẽ góp phần làm cho thế giới sạch hơn”, chị Thủy nói.
Tuy nhiên, việc hạn chế rác thải nhựa cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Thời gian qua, BR-VT tập trung triển khai hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, thay vào đó sử dụng các vật dụng thay thế khác như: Ly sứ, thủy tinh, bình đựng nước dùng nhiều lần, bình nước lớn. Cùng với đó, phát động phong trào không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy như: Ống hút, chai nước, hộp nhựa đựng thức ăn, chén, đĩa nhựa,… trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong việc mua sắm văn phòng phẩm tại cơ quan, đơn vị; tích cực tái sử dụng các loại bì nhựa, hộp nhựa đựng tài liệu.
Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong việc thay đổi nhận thức, thói quen và hạn chế dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở và trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, vận động gia đình, người thân cùng hạn chế dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần để giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, sẽ rất khó trông chờ vào ý thức bảo vệ môi trường hay thay đổi thói quen dùng đồ nhựa của tất mọi người. Bởi hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như túi ni-lông đang ở mức 40 ngàn đồng/kg, tương đương với khoảng 200-400 đồng cho mỗi sản phẩm (1kg đồ nhựa dùng một lần, túi ni-lông có thể có từ 100-200 sản phẩm). Vì vậy, theo ông Đặng Sơn Hải khi đồ nhựa dùng một lần đánh mất đi lợi thế giá rẻ, tất yếu các cơ sở kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Bài, ảnh: QUANG VŨ