Gỡ rào cản để thị trường KH-CN phát triển
Thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các sản phẩm KH-CN (bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ). Tuy nhiên, cũng như cả nước, tại BR-VT, thị trường KHCN phát triển còn khá chậm.
Công ty CP Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) giới thiệu sản phẩm ca cao được sản xuất bằng quy trình, công nghệ do công ty tự nghiên cứu tại khách sạn DIC. |
NGUỒN CUNG KH-CN KHÁ ÍT
Thị trường KH-CN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động khai thác sáng chế đổi mới công nghệ, thúc đẩy quan hệ cung - cầu đối với các sản phẩm, quy trình công nghệ và các dịch vụ KH-CN. Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, thị trường KH-CN là 1 trong 5 loại thị trường cơ bản (thị trường hàng hóa và dịch vụ; thị trường sức lao động; thị trường KH-CN; thị trường bất động sản; thị trường tài chính). Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như: Luật KH-CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao... nhằm hỗ trợ các hoạt động KH-CN theo cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh để các sản phẩm KH-CN được mua, bán thuận lợi; khuyến khích gắn kết hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Đó là tiền đề để Sở KH-CN phát huy vai trò là cầu nối giữa DN, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý địa phương trong việc tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, thị trường KH-CN của BR-VT còn khá trầm lắng. Kết quả khảo sát của Sở KH-CN cho thấy, trong số 120 DN (được khảo sát) thì 10,9% DN cho biết họ đang sử dụng công nghệ lạc hậu; 50,8% sử dụng công nghệ trung bình và 29,2% DN sử dụng công nghệ tiên tiến và rất tiên tiến; 9,3% DN không trả lời.
Công ty CP thương mại, sản xuất và dịch vụ Đại Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp KH-CN tỉnh BR-VT sử dụng công nghệ sản xuất phân bón do lãnh đạo công ty tự nghiên cứu và chế tạo. Trong ảnh: Đoàn công tác tỉnh Thái Bình tham quan và học tập công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ tại nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (thuộc Công ty CP thương mại, sản xuất và dịch vụ Đại Nam). |
Bên cạnh đó, thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế do nguồn cung KH-CN khá ít ỏi. Hiện trên địa bàn tỉnh mới có 67 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp bằng bảo hộ (chủ yếu là các giải pháp bảo vệ môi trường của Công ty CP KH-CN Việt Nam Busadco); 15 kiểu dáng công nghiệp và 113 nhãn hiệu. Trên địa bàn tỉnh cũng đang thiếu tổ chức nghiên cứu khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học cấp quốc tế để có thể tạo nên nguồn cung công nghệ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Từ tháng 5/2016, sàn giao dịch công nghệ trực tuyến của tỉnh đã chính thức khai trương, đi vào hoạt động thu hút hơn 800 nhà cung cấp (với khoảng 3.000 sản phẩm chào bán), 275 tổ chức và chuyên gia tư vấn đăng ký tham gia sàn. Tuy nhiên, hoạt động của sàn giao dịch công nghệ trực tuyến vẫn chưa thật sự hiệu quả bởi trên thực tế, thị trường KH-CN còn có nhiều “nút thắt” do thủ tục chuyển giao công nghệ, DN gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư… Câu chuyện của Công ty CP Việt - Séc (TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Cụ thể, đơn vị này đang gặp không ít phiền hà khi chuyển giao công nghệ đóng tàu bằng vật liệu mới polypropylene copolymer (PPC). Mặc dù, tàu đóng bằng vật liệu PPC đã từng được nhận Cúp Vàng KH-CN năm 2012; được cơ quan đăng kiểm của Cộng hòa Séc công nhận. Vậy nhưng, khi chuyển giao công nghệ này, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại từ chối đăng kiểm, khiến các DN đóng tàu bằng vật liệu PPC như Công ty CP Việt - Séc gặp khó khăn.
Sản phẩm gạch nén không nung, sử dụng công nghệ khóa chặt của Mỹ được Công ty TNHH Quốc tế Troy (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) chuyển giao công nghệ bởi một tập đoàn Canada tham gia triển lãm tại kết nối cung cầu tại TP. Vũng Tàu. |
THÁO GỠ CÁC RÀO CẢN
Theo Sở KH-CN, hiện nay về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH-CN đã được hoàn thiện nhưng chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng như mong muốn của các bên tham gia vào thị trường KH-CN. Sự kết nối giữa các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, trường đại học, DN KH-CN với cộng đồng DN sản xuất, phân phối, thương mại hiện còn hạn chế. Tổ chức trung gian chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế. Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ nhằm thúc đẩy thị trường KH-CN phát triển.
Mục tiêu phát triển thị trường KH-CN của tỉnh năm 2020 và định hướng 2025 là hình thành, duy trì và phát triển thị trường KH-CN của tỉnh theo hướng hiện đại, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Đến năm 2025, vận hành sàn giao dịch công nghệ trực tuyến đóng góp 50% vào tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH-CN trên thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Trúc (Trung tâm Thông tin và ứng dụng KH-CN tỉnh), tỉnh BR-VT cần phải đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng công nghệ đồng bộ nhằm kích thích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KH-CN vào sản xuất, kinh doanh của DN; thúc đẩy các chủ thể tham gia phát triển thị trường KH-CN, đặc biệt là đẩy mạnh việc hình thành, phát triển các tổ chức trung gian (như sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ…) có năng lực tốt để phục vụ cho sự phát triển của thị trường KH-CN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết có hiệu quả giữa các trường học, các tổ chức KH-CN trên địa bàn tỉnh. Các DN làm tiền đề kích thích tạo nhiều sản phẩm KH-CN có tiềm năng thương mại hóa và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn để phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ, khuyến khích hình thành quỹ phát triển KH-CN của các cá nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các DN có thể huy động vốn từ các quỹ này đáp ứng mục tiêu ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Để thúc đẩy thị trường KH-CN phát triển, Hội đồng KH-CN tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Xây dựng chương trình phát triển thị trường KH-CN tỉnh BR-VT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh; khảo sát thực tế bằng điều tra, tọa đàm với các DN, HTX, tổ chức trung gian; thu thập các ý kiến tư vấn của các lãnh đạo quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu KH-CN... Đề án cũng đề xuất các nhóm giải pháp phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; thúc đẩy nguồn cung - cầu công nghệ; phát triển các tổ chức trung gian về công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển thị trường KH-CN; kết nối sàn giao dịch công nghệ tỉnh với mạng lưới sàn gian dịch công nghệ trong nước… |
Bài, ảnh: QUANG VŨ