Khai thác di tích để phát triển du lịch

Thứ Hai, 31/03/2025, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Là địa phương tập trung nhiều quần thể di tích, Bà Rịa - Vũng Tàu đang thu hút nhiều du khách về dâng hương, tham quan và trải nghiệm, nhất là trong những ngày tháng 4 lịch sử.

Du khách đến thăm Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), huyện Côn Đảo.
Du khách đến thăm Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), huyện Côn Đảo.

Hành trình về nguồn cội

Trong số di tích lịch sử, cách mạng trên toàn tỉnh, Côn Đảo tập trung nhiều nhất với quần thể di tích Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo. Những năm qua, hệ thống di tích trên địa bàn Côn Đảo đã phát huy tốt giá trị cho du lịch.

Thống kê từ Bảo tàng - Thư viện tỉnh cho biết, từ đầu năm đến ngày 6/3, hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo đón 36.637 lượt khách thăm viếng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Thói quen của du khách Việt đến Côn Đảo là đến với hành trình về cội nguồn. Do vậy, các điểm đến lịch sử cách mạng luôn chiếm vị trí đầu tiên trong hành trình tham quan.

Bà Nguyễn Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ Mỹ Travel (Bình Dương) chia sẻ, trong tâm thức của người Việt, di tích nhà tù là nơi lưu dấu chứng tích đấu tranh quật cường của thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh cho độc lập, hòa bình của Tổ quốc. Vì thế, 100% tour đến Côn Đảo mà Mỹ Mỹ Travel khai thác, khách Việt đều đề nghị thiết kế lịch trình tham quan di tích trước, sau đó mới đến hành trình trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái.

Ở Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương là điểm đến tâm linh ý nghĩa. Sau Nghĩa trang Hàng Dương, tour tham quan di tích Côn Đảo có các điểm: Bảo tàng, Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), Trại Phú Sơn (banh II), Dinh chúa đảo, Trại Phú Bình (Chuồng Cọp Mỹ), Sở Lò Vôi, Nhà Công quán, Chuồng Bò, Nghĩa trang Hàng Keo, Sở Cò, Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh. Những điểm di tích lịch sử cách mạng trên đã được tu bổ khang trang, đón khách tham quan thường xuyên, làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Côn Đảo.

Gắn với phát triển du lịch

Toàn tỉnh có 48 di tích đã được xếp hạng. Thời gian qua, nhiều di tích đã được khai thác gắn với hoạt động du lịch như: Di tích lịch sử cách mạng Minh Đạm, nhà lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, địa đạo Long Phước, di tích chiến thắng Bình Giã. Những di tích trên không chỉ trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn giáo dục truyền thống, nghiên cứu học tập của người dân trong nước mà còn thu hút khách nước ngoài đến tham quan, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trong hệ thống sản phẩm du lịch chính, góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2021-2024, các di tích toàn tỉnh thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch. Tỉnh đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử cách mạng với tổng kinh phí hơn 394 tỷ đồng.

Ghi nhận những ngày cuối tháng 3 tại Di tích lịch sử cách mạng Minh Đạm, nhà lưu niệm và đền thờ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, địa đạo Long Phước... cho thấy, có nhiều đoàn đến từ trường học, cựu chiến binh, công ty khu vực Đông Nam Bộ và nội tỉnh đăng ký lịch tham quan, dâng dương kết hợp nói chuyện truyền thống vào những ngày cuối tuần trong suốt tháng 4, tháng 5 và mùa hè.

Thông tin từ Sở VHTTDL cho biết, Sở tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản; nâng cấp, mở rộng, chỉnh lý trưng bày Nhà Bảo tàng Côn Đảo và Nhà Bảo tàng tỉnh; hoàn thành số hóa các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh để phát huy giá trị lịch sử gắn với giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch. Đồng thời, tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật thành sản phẩm văn hóa có chất lượng phục vụ Nhân dân và du khách tại điểm, tuyến du lịch và thuyết minh tự động tại Bảo tàng tỉnh nhằm phục vụ tốt cho khách tham quan.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.