.

Khai thác tiềm năng, đánh thức du lịch đường sông

Cập nhật: 17:40, 15/11/2024 (GMT+7)

Một Vũng Tàu chân thật, hùng vĩ ở vịnh biển phía Tây hứa hẹn là mảnh ghép hoàn hảo gắn kết chuỗi sản phẩm đường sông của vùng Đông Nam Bộ. Đây là đánh giá bước đầu của đoàn khảo sát sản phẩm du lịch đường thủy liên tuyến giữa TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đông Nam Bộ do Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh chủ trì, diễn ra ngày 15/11.

Đoàn khảo sát ngồi ca nô tham quan hạ lưu sông Dinh.
Đoàn khảo sát ngồi ca nô tham quan hạ lưu sông Dinh.

Đoàn công tác gồm các DN lữ hành, vận chuyển du lịch đường thủy, cùng đại diện các sở, ngành liên quan dưới sự chủ trì của Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành khảo sát tuyến đường sông dọc hạ lưu sông Dinh, phía Tây TP.Vũng Tàu.

Tuyến du lịch trên đang được Công ty Marina Travel (115 Trần Phú, phường 5) khai thác. Xuất phát từ cảng Sao Mai, theo hạ lưu sông Dinh, đoàn ngồi ca nô tham quan và nghe thuyết minh về hệ thống các cảng dịch vụ dầu khí như PTSC, Vietsovpetro, ngắm toàn cảnh công trường chế tạo, lắp ráp giàn khoan, chân đế tuabin gió, xưởng đóng tàu, căn cứ hải quân, cảnh sát biển, rừng ngập mặn, khu làng bè nuôi trồng thủy hải sản hữu tình nối tiếp nhau trên sông Chà Và.

Hành trình tham quan dừng chân tại làng bè Vũng Tàu, một làng bè nuôi hải sản kết hợp đón khách tham quan, ăn uống, giải trí. Tại đây, đoàn được tìm hiểu nghề nuôi hàu đại dương, nuôi cá lồng bè, trải nghiệm cho cá ăn, câu cá, chèo sup. Đoàn cũng dùng cơm trưa trên bè với các món nuôi ngay tại làng bè.

Tính cả thời gian ngồi ca nô tham quan vịnh sông Dinh đến kết thúc bữa trưa mất khoảng 3 giờ đồng hồ, nhưng chuyến đi để lại ấn tượng về một sản phẩm mới, hấp dẫn cho các thành viên đoàn khảo sát.

Ông Po Tran, Giám đốc Công ty TNHH Joy Journeys, thành viên đoàn nhận xét: Làng bè nuôi hải sản chạy dài nối tiếp nhau tạo cảm giác thoáng chút miền Tây sông nước, nhưng khung cảnh bao la, hùng vĩ, mênh mông. Bên cạnh đó, người làm nghề chất phác, gần gũi, chủ động chia sẻ và giải đáp mọi thắc mắc xóa khoảng cách chủ khách.

“Công ty chúng tôi chuyên đón khách quốc tế đến Việt Nam. Khách quốc tế thích những gì chân thật, mộc mạc nhất về cuộc sống, con người bản địa. Tôi cảm nhận sản phẩm này cực kỳ phù hợp để thu hút khách quốc tế. Tôi đã đặt vấn đề với các đơn vị lữ hành khai thác tuyến, chủ làng bè kết nối tiến tới bàn sâu hợp tác để nhanh nhất có thể ra mắt bộ sản phẩm trải nghiệm trên làng bè”, ông Po Tran chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Ân, Phó Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ đa dạng. Các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai… không chỉ chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, hình thành nhiều nét văn hóa đặc sắc của đô thị gắn với sông nước, mà còn giao thoa, kết nối thành dòng chảy chung để các tỉnh Đông Nam Bộ khai thác các giá trị đặc trưng về sông nước, giá trị văn hóa của từng địa phương, hình thành thêm nhiều sản phẩm cho du lịch.

Một số địa phương đã hình thành sản phẩm trải nghiệm du lịch đường sông, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch thể hiện rõ điểm nhấn được khai thác từ hệ sinh thái bên sông, nét văn hóa cộng đồng cư dân gắn với sông nước, làng quê, đô thị bên sông.

TP.Hồ Chí Minh trong vai trò và vị thế đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy liên tuyến giữa TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đông Nam Bộ. Hiện nay, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát và hình thành một số sản phẩm đường sông kết nối với Bình Dương và Đồng Nai.

“Qua chuyến khảo sát hôm nay giúp chúng tôi và các DN lữ hành TP.Hồ Chí Minh hiểu thêm một lợi thế khác biệt gắn với sông và hệ sinh thái ven sông của Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đó, kết nối phát triển các tour du lịch đường sông, kết nối với các địa phương cùng trong vùng Đông Nam Bộ để DN kinh doanh du lịch có thêm chất liệu khai thác thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của du khách cho toàn vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là hoạt động thiết thực cụ thể hóa liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ”, ông Nguyễn Hữu Ân chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.