Bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du lịch

Thứ Sáu, 11/10/2024, 16:16 [GMT+7]
In bài này
.

Tranh thủ mùa thấp điểm ít khách, ngành du lịch đang đẩy mạnh đào tạo và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng nhân lực.

Carmelina Beach Resort tự bồi dưỡng tiếng Anh cho người lao động. Ảnh chụp sáng 10/10.
Carmelina Beach Resort tự bồi dưỡng tiếng Anh cho người lao động. Ảnh chụp sáng 10/10.

Rèn luyện kỹ năng cứu hộ

Sáng 11/10, tại Oceanami Villas & Beach Club, lớp bồi dưỡng kỹ năng cứu hộ bãi biển do Sở Du lịch tổ chức đã thu hút 40 nhân viên cứu hộ từ các khu du lịch ở Đất Đỏ và Long Điền. Lớp học khai giảng từ ngày 20/9 và kéo dài trong 3 tuần. Đến nay, các học viên đã hoàn thành toàn bộ chương trình huấn luyện và đang trong những ngày cuối cùng thực hành các kỹ năng đã học.

Học viên được chia nhóm để rèn luyện thể lực, kiểm tra kỹ năng bơi, cách tiếp cận và sơ cứu người bị đuối nước, bao gồm các kỹ thuật sử dụng phao cứu đuối, mô tô trượt nước, và thuyền kayak. Họ còn thực hành sơ cứu hồi sức, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.

Tham gia lớp học, anh Thạch Ngọc Phương, cứu hộ viên tại Oceanami Villas & Beach Club cho biết, anh theo nghề cứu hộ được gần 3 năm. Dân biển, bơi giỏi nhưng kỹ năng tiếp cận cứu người, sơ cứu ban đầu anh chưa biết. “Lớp học giúp tôi thuần thục các cách cứu người đuối nước để không bị nhấn nước. Đây là kỹ năng rất quan trọng giúp tôi vừa cứu được người vừa giữ an toàn cho mình”, anh Thạch Ngọc Phương chia sẻ.

Cùng lúc đó, Sở Du lịch cũng tổ chức một lớp học tương tự cho lực lượng cứu hộ tại Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia, Vườn Quốc gia và các resort, khách sạn tại Côn Đảo.

Học viên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cứu hộ bãi biển tại Côn Đảo  thực hành nghe nhịp tim.
Học viên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cứu hộ bãi biển tại Côn Đảo thực hành nghe nhịp tim.

Anh Nguyễn Tiến Văn Phái, hướng dẫn viên du lịch tại Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, lớp học đã giúp anh nâng cao kỹ năng bơi và tạo thêm niềm đam mê với nghề cứu hộ. “Tôi bơi xa không còn bị đuối sức như trước nữa. Tôi mong sẽ có nhiều lớp học như vậy để nhiều người cùng có cơ hội học và thực hành kỹ năng cơ bản nhất cứu mình, cứu người trong môi trường nước”, anh Phái nói. 

Đào tạo để phục vụ khách hàng tốt nhất

Là một trong những ngành kinh tế chủ chốt của tỉnh, du lịch đòi hỏi lực lượng lao động phong phú, từ nhân viên có kỹ năng cao đến lao động giản đơn. Vì vậy, việc đào tạo để nâng cao kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và kiến thức chuyên môn là rất cần thiết.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, công tác đào tạo cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng. Từ năm 2022, Sở Du lịch đã phối hợp với các địa phương để khảo sát nhu cầu đào tạo và tổ chức các lớp học ngắn hạn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong hai năm 2023 và 2024, sở đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo ngắn hạn cho các vị trí như lễ tân, buồng phòng, quản lý và phục vụ.

Các doanh nghiệp du lịch cũng thường xuyên bồi dưỡng tay nghề và kỹ năng cho nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ. Bà Ngô Thị Thảo Lai, phụ trách hành chính nhân sự tại Carmelina Beach Resort cho rằng sự hài lòng của du khách là yếu tố quyết định thành công của điểm đến. “Đặc thù của ngành du lịch là con người phục vụ con người. Do đó, chúng tôi xem việc đào tạo và phát triển nhân lực là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững hình ảnh thương hiệu của điểm đến”, bà Ngô Thị Thảo Lai nói.

Trong năm 2024, Sở Du lịch đã hoàn thành kế hoạch tổ chức 18 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho gần 3.000 lượt lao động du lịch, bao gồm các lớp về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ quản lý nhà hàng, khách sạn và cứu hộ bãi biển.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
;
.