Thị trường khách nội địa tiếp tục khẳng định điểm tựa vững chắc cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm nay và nhiều năm nữa. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần tiếp tục khai thác những sản phẩm chất lượng ngày càng cao, giá cả phù hợp và độ an toàn để có thể "giữ chân" du khách Việt đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ca sĩ Elvis Phương biểu diễn tại Hồ Mây Park trong dịp Tết Giáp Thìn. |
Quan tâm chất lượng kỳ nghỉ
Thống kê từ Sở Du lịch, trong 1 tuần của kỳ nghỉ Tết, toàn tỉnh đón hơn 181 ngàn lượt khách lưu trú, trong đó hơn 93% là khách nội địa (khách quốc tế chỉ chiếm hơn 6% tương đương khoảng 10.897 lượt). Không chỉ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lượng khách chủ lực của Bà Rịa - Vũng Tàu trong nhiều năm qua vẫn là khách nội địa với tỷ lệ hơn 90% trên tổng lượng khách hàng năm.
Giới chuyên gia du lịch nhận xét, nguồn khách nội địa của Bà Rịa - Vũng Tàu là niềm mơ ước của nhiều tỉnh, thành phát triển ngành kinh tế trọng điểm du lịch trên cả nước. Tuy nhiên, đã qua rồi thời du lịch đại trà, bình dân. Hiện nay, nguồn khách nội địa tại địa phương đã chuyển biến rõ rệt về chất. Trong đó, điểm dễ thấy là văn minh thẩm mỹ ngày càng nhiều trên các bãi tắm công cộng, điểm du lịch với trang phục và văn hóa ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, khách du lịch cũng quan tâm đến chất lượng dịch vụ, cảm xúc cá nhân trong kỳ nghỉ khi lựa chọn điểm nghỉ dưỡng.
Cùng gia đình nghỉ Tết dài ngày tại Carmelina Beach Resort, anh Nguyễn Tuấn Anh (Bình Dương) chia sẻ, vị trí resort bên cạnh bờ biển, lại có vườn tược xanh mát lý tưởng để cả nhà tránh xa ồn ào, sống giữa thiên nhiên cây cỏ. Sáng sớm, anh tắm biển, chạy bộ. Vợ tập yoga, ngồi thiền. Nắng lên, cả nhà ra vườn trồng trọt, thu hoạch rau cùng nhân viên resort. Chiều mát đạp xe quanh đường ven biển, ghé vườn dưa lưới ven đường tham quan, trò chuyện với người dân, rồi tạt vào ngã tư Hồ Tràm dạo chợ hải sản, ngồi ghế đá ngắm biển… “Kỳ nghỉ Tết giúp gia đình tôi tái tạo năng lượng mới với cảm xúc hạnh phúc trọn vẹn”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Tương tự, du khách Huỳnh Thị Thùy Trang (đến từ TP.Hồ Chí Minh) cũng đưa gia đình về Vũng Tàu du xuân vào mùng 3 và 4 Tết. Gia đình chị trải nghiệm đủ món, nào là lên núi ngắm toàn cảnh Vũng Tàu, tắm biển, ngắm hoàng hôn Bãi Dâu, ăn hải sản. “Điểm nào cũng đông người, nhất là công viên, bãi biển nhưng môi trường rất sạch. Chắc chắn gia đình tôi sẽ trở lại Vũng Tàu nhiều lần nữa”, chị Thùy Trang nói.
Chị Huỳnh Thị Thùy Trang (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) cùng con chơi tại Bãi Sau sáng mùng 4 Tết. |
“Gia cố” sản phẩm giữ chân du khách
Theo số liệu từ nền tảng du lịch Klook, du khách Việt Nam là một trong những tín đồ du lịch nhiệt huyết nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Hơn 90% số người tham gia khảo sát cho biết đã đặt chuyến du lịch cho thời gian từ nay đến nửa cuối năm. Du khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn địa điểm du lịch, tour độc, tuyến lạ để trải nghiệm. Đáng chú ý, có tới 36% du khách ở độ tuổi 20 - 40 muốn chi tiêu từ 1.000 - 2.000 USD cho một chuyến du lịch; 71% sẵn sàng chi tiêu cho các trải nghiệm du lịch như thiên nhiên và hoạt động ngoài trời, trải nghiệm văn hóa và hoạt động dưới nước…
Vốn thế mạnh du lịch nội địa, kết quả khảo sát trên mở ra cơ hội thuận lợi để Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thu hút khách nội địa. Ngay thời điểm bước sang năm mới 2024, địa phương đón nhận tin vui khi TP.Vũng Tàu lần thứ 3 liên tiếp giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Danh hiệu trên giúp du lịch TP.Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung tăng thêm sức hút phân khúc du khách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, môi trường.
Đại diện Sở Du lịch cho biết, nhu cầu của du khách thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tính trải nghiệm, tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe, tinh thần. Dự báo hoạt động du lịch có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, đạt với mức của năm 2019.
Tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ không đồng đều ở các vùng, địa phương. Do vậy, ngành du lịch và các địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; tăng cường quản lý nhà nước đảm bảo an toàn cho khách du lịch; truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; đầu tư hoàn thiện hạ tầng tuyến đường ven biển và chỉnh trang Bãi Sau để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của tỉnh.
Các DN du lịch nắm bắt xu hướng chọn những tour hoặc sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe và hướng về thiên nhiên, hạn chế tiếp xúc của du khách để đưa ra những lịch trình, sản phẩm trọn gói. Khách đến một điểm đến nhưng có thể cung ứng nhiều dịch vụ khác nhau như lưu trú, tham quan, ăn uống, vui chơi giải trí an toàn. “Chúng tôi vẫn lấy thị trường nội địa làm động lực chính để phát triển trong thời gian tới, bên cạnh xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế”, đại diện Sở Du lịch cho biết.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA