Chiều 17/11, tại khách sạn Malibu, trong khuôn khổ “Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu 2023” đã diễn ra diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam với chủ đề “Tăng trưởng xanh và bền vững”. Các chuyên gia, nhà quản lý, DN đã cung cấp khái quát bức tranh du lịch xanh trên cả nước, đồng thời hiến kế nhiều giải pháp đột phá trong phát triển bền vững du lịch tại Việt Nam.
Quang cảnh diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam chủ đề “Tăng trưởng xanh và bền vững”. |
Nhiều mô hình du lịch xanh
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, du lịch xanh là một cách tiếp cận mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch. Phát triển du lịch xanh đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng, DN và chính quyền trong việc giữ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mỗi địa phương.
Thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong sáng tạo, phát triển xanh hóa theo cách của mình như hướng những sản phẩm du lịch khai thác giá trị bản địa, cộng đồng, nông nghiệp, sản phẩm hữu cơ, rừng và khu bảo tồn… Cụ thể, năm 2022, Quảng Nam ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho các lĩnh vực khách sạn, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, khu nghỉ dưỡng, DN lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan.
Cô Tô-Quảng Ninh áp dụng thí điểm quy định du khách không mang đồ nhựa, túi ni lông, vật liệu nhựa sử dụng một lần, rác thả có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch.
Cần Giờ-TP.Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố biển tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những điểm đến trải nghiệm thiên nhiên cho du khách mà còn giúp du khách cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại Côn Đảo, nhiều mô hình khuyến khích khách du lịch, người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa được triển khai và đem lại hiệu quả. Các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng… được nhiều DN xây dựng thu hút du khách.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu còn khai thác thế mạnh nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng ở các vùng nông thôn Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ gắn với tài nguyên du lịch biển, làng chài ở khu vực ven biển trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách hòa mình với thiên nhiên trong lành. Nhiều mô hình xanh giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ.
Không gian xanh thân thiện tại The Grand Ho Tram. |
Để du lịch xanh đi đúng hướng
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ những hạn chế, chưa đồng bộ trong phát triển du lịch xanh, đồng thời nhấn mạnh vào việc xây dựng một hành lang pháp lý cho du lịch xanh đi đúng hướng.
Ông Nguyễn Hữu Ý Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist chia sẻ, các đối tác nước ngoài ngày càng “khó tính”. Họ đưa ra nhiều tiêu chí về các điểm đến đón khách nước ngoài vào Việt Nam như không đưa khách đến những khách sạn có hành động tàn phá môi trường, xe chở khách cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, không tập trung quá đông khách gây quá tải điểm đến.
Để có du lịch xanh bền vững, ông Nguyễn Hữu Ý Yên cho rằng phải giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ tấm bé cho thế hệ trẻ. Các công ty lữ hành phải gắn bó với địa phương khai thác, bảo tồn văn hóa bản địa. Xây dựng các điểm đến vệ tinh để chia sẻ khách, tránh quá tải tại một điểm đến trong mùa cao điểm. Trong quy hoạch địa phương phải giám sát được các cơ sở dịch vụ tuân thủ các quy định, quy chuẩn trong xây dựng, đánh giá tác động môi trường và công bố để các đơn vị lữ hành biết.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực đến du lịch, phát triển du lịch theo hướng xanh được xác định là con đường để hướng tới phát triển bền vững. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng cần tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa dân tộc. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, sinh thái nông nghiệp nông thôn, khám phá-trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe; phát triển du lịch theo hướng chất lượng gắn với trách nhiệm xã hội, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được xem là chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đề ra nhiệm vụ đẩy nhanh việc chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh… Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng các nền tảng số du lịch nói trên để tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành và đưa du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Ngoài các ý kiến trên, một đề xuất được nhiều chuyên gia, DN đồng tình là chính quyền các cấp cần đưa chính sách và quy định làm hành lang pháp lý, hỗ trợ cho cơ quan quản lý du lịch địa phương, DN, các nhà cung cấp dịch vụ và người dân địa phương xây dựng sản phẩm du lịch xanh, ưu tiên hàng đầu bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường. Do đó, xây dựng và áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh và triển khai hiệu quả vào thực tế là vấn đề cốt lõi, đáp ứng xu thế du lịch xanh của thị trường.
Bài, ảnh: KIM VINH