Ứng dụng chuyển đổi số vào du lịch đang trở thành xu thế hiện nay nhằm đa dạng thông tin, kết nối khách hàng, giúp du khách và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động tham quan, trải nghiệm, kinh doanh.
Một lớp tập huấn công nghệ số do Sở Du lịch tổ chức cho DN du lịch. |
Du lịch "không chạm"
Vừa đặt cọc xong tour Côn Minh - Đại Lý - Sangrila - Lệ Giang (Trung Quốc) 9 ngày 8 đêm cho cả gia đình tham quan vào cuối tháng 11, chị Cao Hà Thu (ngụ tại TP.Vũng Tàu) cho biết, thay vì đến phòng giao dịch của công ty lữ hành tìm hiểu mua tour như trước đây, lần này vì không có thời gian rảnh, chị lên mạng vào website tìm tour. Giá tour 17 triệu đồng/người. Lịch trình tour, điều khoản cam kết rõ ràng. Khách chốt tour qua mạng còn được giảm thêm 1 triệu đồng/người. “Vừa không mất thời gian đi lại, lại được ưu đãi. Hơn nữa, công ty lữ hành này tôi đã từng sử dụng dịch vụ nên không lo bị lừa”, chị Hà Thu cho hay.
Dẫn chứng trên là một ví dụ nhỏ cho việc chuyển đổi số trong ngành du lịch. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi cách thức mua bán, thanh toán. Người tiêu dùng, du khách đang đón nhận sự tiện lợi của ứng dụng công nghệ, số hóa trong hoạt động du lịch. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, người dân dễ dàng mua tour, đặt dịch vụ, chọn điểm đến, đặt khách sạn, phương tiện di chuyển, thanh toán, nhận chương trình khuyến mại…
Ở cộng đồng DN, số hóa hoạt động quản lý, điều hành cũng diễn ra mạnh mẽ. Nhiều DN sử dụng app dành cho CEO, giúp nắm toàn bộ hệ thống vận hành trong DN, danh sách khách hàng, doanh thu, dòng tiền, công nợ, tiến độ làm việc của nhân sự. Trên toàn tỉnh, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở lên phổ biến tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Nhiều khách sạn đạt tỷ lệ thanh toán chuyển khoản hơn 80%.
Bà Nguyễn Bình Phương Trúc, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Holiday Vũng Tàu cho hay, tỷ lệ thanh toán chuyển khoản tại Khách sạn Mường Thanh Holiday Vũng Tàu đạt trên 98%. Khách chủ yếu thanh toán trước kỳ nghỉ, điều này giúp khách sạn không lo khoản đòi nợ, kiểm soát được nguồn thu, cân đối được thu chi lợi nhuận. Du khách cũng ưa chuộng dùng ví điện tử vì thao thác dễ dàng và độ phủ chấp nhận rộng rãi.
Du khách quét mã QR để truy cập thông tin giới thiệu về công viên, nhà tưởng niệm và tượng đài Võ Thị Sáu. |
Nâng hiệu quả chuyển đổi số
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, chuyển đổi số được coi là giải pháp đột phá giúp ngành du lịch thích ứng linh hoạt với những thay đổi sâu sắc sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hậu dịch, công cuộc chuyển đổi số tiếp tục được thúc đẩy và đạt được những kết quả vững chắc.
Năm 2023, Sở Du lịch tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số. Ngoài cung cấp trực tuyến các thủ tục thuộc lĩnh vực du lịch, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Sở Du lịch cũng đẩy mạnh số hóa điểm đến du lịch bằng mã QR.
Sở đã hoàn thành dự án “Ứng dụng giải pháp mã QR vào số hóa thông tin điểm đến du lịch tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu" (giai đoạn 2), đang chạy trên cổng thông tin điện tử của sở và đề nghị các đơn vị, địa phương quản lý trực tiếp điểm đến rà soát nội dung, hình ảnh lần cuối trước khi công bố vận hành chính thức.
Năm 2021, Sở đã ra mắt sàn thương mại điện tử về du lịch. Hiện nay đã bàn giao các thủ tục, hồ sơ sàn với tên miền dulichbariavungtau.com cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch tỉnh quản lý, vận hành. Ngoài ra, Sở Du lịch cũng chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho cho CBCC và doanh nghiệp kinh doanh về du lịch.
Ông Trịnh Hàng cũng thừa nhận, dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng so với yêu cầu và sự cạnh tranh với thế giới, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn còn khiêm tốn. Hệ thống trang web ngành du lịch dù đã nhận được sự quan tâm, chú ý, theo dõi của rộng rãi khách hàng nhưng lượng truy cập vẫn ít. Kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số, trên thực tế đòi hỏi rất lớn và phải có lợi nhuận mang lại, điều này không dễ thực hiện.
Do vậy, Sở Du lịch tiếp tục đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn thực hiện dự án “Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý và hỗ trợ du lịch thông minh (giai đoạn 1)” từ nguồn ứng dụng CNTT năm 2023 và triển khai trong năm 2024. Tăng cường hợp tác, cập nhật thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các DN lớn trong việc marketing số cho điểm đến. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực, hiểu biết về công nghệ cho đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch, kết nối chặt chẽ giữa ngành du lịch và công nghệ để thiết kế và xây dựng mô hình hoạt động mới.
Bài, ảnh: KIM VINH