TIN BÀI LIÊN QUAN:
Varanasi là thánh địa của Hindu giáo nằm bên bờ sông Hằng, thuộc bang Uttar Pradesh. Thành phố cổ này đã là trung tâm tôn giáo và văn hóa ở Bắc Ấn Độ trong hàng ngàn năm.
Theo tín ngưỡng Hindu, tắm trên sông Hằng sẽ gột rửa mọi tội lỗi, được hỏa táng và thả xuống sông Hằng là một vinh dự lớn. |
Tương truyền, khoảng 6.000 năm trước thành phố này do thần Shiva - một vị thần của đạo Hindu lập ra, bất kỳ người nào chết ở đây đều đến được với thần Shiva. Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, Varanasi đã trở thành trung tâm tôn giáo của Ấn Độ. Sông Hằng (Gangas river), con sông lớn nhất và linh thiêng nhất đối với người theo đạo Hindu, bắt nguồn từ dãy Himalaya, dài 2.510km, chảy xuyên qua Ấn Độ theo hướng chính là Đông Nam, sau đó chảy qua Banglades rồi đổ vào vịnh Bengal.
Tuy nhiên, riêng đoạn đi qua Varanasi, sông Hằng lại chảy từ hướng Nam lên Bắc, về nơi đầu nguồn Himalaya. Vì vậy, rất nhiều người theo đạo Hindu tin rằng trên mảnh đất Varanasi này, sông Hằng chảy hướng lên thiên đàng. Đối với họ, Varanasi là thánh địa linh thiêng bậc nhất. Tâm nguyện duy nhất của họ là được chết tại đây, tro cốt phải được rải xuống sông Hằng, chu kỳ tái sinh vĩnh cửu của họ sẽ kết thúc và đi tới cõi Niết bàn.
Nghi lễ hỏa táng ở Manikarnika Ghat
Chúng tôi đến bãi đò sông Hằng lúc mặt trời bắt đầu ngả về hướng Tây. Alarm đã sắp xếp trước một chiếc thuyền máy thoải mái cho 12 người. Mục tiêu của chuyến đi buổi chiều này là chứng kiến phong tục hỏa táng tại Manikarnika Ghat, địa điểm hỏa táng nổi tiếng nhất bên bờ sông Hằng của Varanasi.
Trên quãng đường chừng vài cây số từ bến đò đến nơi hỏa táng, tôi để ý thấy có rất nhiều bậc thang được xây khá cẩn thận dọc bờ sông, gọi là “Ghat”, nghĩa là bậc thang dẫn xuống dòng nước thánh.
Theo người dẫn đoàn, chỉ riêng đoạn sông qua khu vực Varanasi có khoảng 87 khu cầu thang như vậy. Phần lớn các Ghat phục vụ cho nhu cầu tắm rửa cho dân chúng. Một số khác dùng làm nơi cử hành các nghi lễ và là nơi hỏa táng cho người chết.
Trong ánh nắng vàng của buổi xế chiều, tôi ngắm nhìn vô số các đền thờ, nhà cửa, to đẹp hoành tráng cũng có, xập xệ tồi tàn cũng có, xây theo từng lớp nhấp nhô chồng lên nhau bám theo địa hình sườn dốc dọc bờ sông, hầu hết nhuốm màu thời gian, cảm giác có gì đó thật u ám. Rải rác tại các bậc thang mép nước, có cả đàn ông, đàn bà, thanh niên, cụ già, người thì giặt giũ, người thì ngâm mình tắm sông…
Sau khoảng 15 phút đi thuyền, trước mắt chúng tôi hiện ra khu “Ghat” ken đặc người, từ xa đã thấy các cột khói bốc nghi ngút. Phía trên các bậc thang cao là các khu mái che hình chóp, rất nhiều đống cây to đã cắt sẵn. Gần đó là gần chục giàn thiêu đang đỏ lửa. Gọi là giàn thiêu, chứ thật ra chỉ là những thanh củi được chất ngang dọc phủ lên thân người quá cố, chỉ cái đầu được nâng lên cao khỏi đống củi. Trên thân người chết người ta quấn vải trắng, có khi là mặc quần áo đẹp.
Một trong những người phụ trách khu hỏa táng cho biết, các bậc thang của khu hỏa táng tự nó cũng đã nói lên sự phân biệt giàu nghèo: những người giàu có sẽ được thiêu ở những bậc phía trên cao, hoặc trong những khu nhà có mái che phía trên do chi phí rất đắt. Những giàn thiêu ở các bậc thang gần mép nước là dành cho những người nghèo, không đủ tiền chi phí. Củi đốt phần lớn là từ cây xoài, thứ gỗ đặc biệt khi đốt lên sẽ khử được mùi.
Lễ cầu an lúc bình minh bên bờ sông Hằng. |
Trước khi châm lửa, gia đình người quá cố sẽ đi vòng quanh ba lần, một người đại diện thân thiết với người quá cố (thường là con cháu) sẽ tự tay châm lửa. Phần còn lại là dành cho 2-3 nhân công phụ việc. Thời gian hỏa thiêu trung bình từ 3-4 giờ, rõ ràng không đủ để biến tất cả thành tro. Những gì còn lại sau khi hỏa táng sẽ được thả hết xuống sông Hằng. Được chết và được hỏa táng ở Varanasi là cơ hội để kết thúc vòng tròn luân hồi. Đó là một vinh dự lớn và là mục tiêu cuối cùng của con người đang sống trong cõi tạm, theo quan điểm của các tín đồ đạo Hindu. Mỗi ngày tại Manikarnika Ghat, bãi thiêu xác lớn của Varanasi, khoảng 100 thi thể được hỏa táng dọc bờ sông Hằng.
Hoàng hôn và bình minh trên sông Hằng
Chúng tôi quay lại sông Hằng để trải nghiệm các nghi thức cúng tế của các tín đồ Hindu giáo diễn ra đều đặn mỗi ngày từ hàng ngàn năm nay chưa hề thay đổi: Lễ cúng Thần lửa (Aarti) còn gọi là Lễ Dâng ánh sáng ở Dashashwamedh Ghat vào buổi tối, và nghi lễ cầu an ở bờ đông sông Hằng lúc bình minh.
Trước khi lên thuyền, chúng tôi mua một số đĩa hoa và nến từ các em bé bán ngay tại bến đò. Thuyền khởi hành xuôi về Dashashwamedh Ghat - là khu bậc thang chính lớn nhất ở khu vực, dành riêng cho lễ dâng ánh sáng.
Đúng 19 giờ, hàng ngàn tín đồ Hindu đã vây kín những đàn lễ được dựng hướng ra sông Hằng. Một số người còn leo lên các tầng cao, mái nhà để xem lễ. Trên sông, khi chúng tôi đến nơi, hàng trăm chiếc thuyền, vừa chở dân bản địa, vừa chở khách du lịch, đã neo đậu san sát phía trước khu vực lễ đàn. Hai cậu thiếu niên lái thuyền phải hết sức vất vả và lanh lẹ mới lách được thuyền chúng tôi chen vào được một chỗ có thể nhìn thấy toàn cảnh lễ đài từ dưới sông.
Có nhiều đàn lễ trang trí đầy màu sắc. Phụ trách các đàn lễ là các vị đạo sĩ mặc áo đỏ quần trắng, đeo chuỗi nơi cổ cùng các cô tín nữ mặc đồng phục màu đỏ trình diễn các điệu múa. Tiếng nhạc lễ, tiếng đọc kinh qua hệ thống loa, tiếng ồn từ hàng ngàn người xem lễ, cùng sự thành kính của họ tạo ra một không khí hết sức đặc biệt và khó quên...
Trên đường về, mỗi người thắp một hoa đăng thả xuống sông. Cùng với hàng ngàn hoa đăng thả từ các thuyền lân cận, khúc sông ở Dashashwamedh Ghat sáng rực như dòng sông lửa…
Chúng tôi dậy sớm vào sáng hôm sau và lấy thuyền đón bình minh trên sông. Trong thời tiết se lạnh sáng sớm, dọc bờ sông đã thấy lác đác một số người trầm mình tắm gội ở các bậc thang sát mép nước. Từ trên thuyền, chúng ta có thể cảm nhận hơi thở cuộc sống đầy màu sắc tín ngưỡng của con sông linh thiêng này: Vài vị đạo sĩ bày các lễ vật ngay trên tấm bạt trải bên bờ sông, rung chuông, hướng về phía mặt trời mọc miệng lâm râm tụng kinh. Vài người ngồi theo tư thế yoga ở các bậc thang hướng ra sông.
Một đám đông đang tụ tập phía bên bờ đối diện, nơi có những sườn đồi thoải đầy cát trắng. Dưới nước là 2 chiếc thuyền lớn dựng lọng che, có vài đạo sĩ đang hành lễ trên thuyền, chung quanh những chiếc ghe nhỏ cập sát, chở đầy các tín đồ nam nữ, già trẻ lớn bé, hầu hết đều trang phục màu cam sặc sỡ. Đám đông hàng trăm người tràn lên cả một vạt đồi cát.
Người dẫn đoàn cho biết, đây là một buổi lễ cầu an, diễn ra lúc bình minh, họ cầu nguyện cho những người thân trong gia đình đã mất. Tất cả đều hướng về những chiếc thuyền lớn dưới sông, đồng thanh đọc kinh, đôi lúc vỗ tay lấy nhịp, tạo thành một bầu âm thanh cực kỳ sôi động nhưng không kém phần linh thiêng vang vọng cả một khúc sông.
Rời khỏi đám đông cầu nguyện để quay trở về bến thuyền vừa lúc mặt trời ló dạng phía đường chân trời trên sông. Mọi người trên thuyền nhanh chóng tranh thủ chụp vài bức ảnh đẹp. Giờ tôi dần hiểu, vì sao sông Hằng lại có sức hút kỳ lạ đối với khách du lịch đến vậy, bất chấp những tai tiếng về ô nhiễm, về sự hỗn loạn, ồn ào và phức tạp của nó.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUỐC THỊNH