.
Cuộc sống đa sắc màu bên dòng sông Hằng

Kỳ 3: Bodhgaya - một trong bốn thánh tích quan trọng của Phật giáo

Cập nhật: 16:56, 16/06/2023 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) là một thị trấn nhỏ nằm ở phía đông nam bang Bihar, nơi có một thánh tích quan trọng của Phật Giáo, là điểm đến mong đợi nhất trong hành trình về đất Phật.

Từ khách sạn đoàn chúng tôi lên 3 chiếc Tuk Tuk hướng về thánh địa, cách đó chừng 2,5km, trong tâm trạng hồi hộp khó tả khi sắp được đặt chân tới một nơi mà hàng triệu phật tử trên thế giới mơ ước được đặt chân đến dù chỉ một lần trong đời.

Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple).
Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple).

Tháp Đại Giác

An ninh nghiêm ngặt ngay từ cổng vào. Điện thoại, tai nghe bluetooth, bật lửa, pin dự phòng, dao kéo được yêu cầu gửi bên ngoài. Ba lô túi xách đều phải đi qua 2 lần máy soi chiếu. Hơn cả ở sân bay quốc tế!

Thật may mắn, máy ảnh được phép mang vào, với điều kiện phải có “pass” (giấy phép sử dụng), mua tại cổng với giá 100 rupee. Nghe nói từ sau vụ khủng bố ở Mumbai cách đây gần 20 năm, an ninh được siết chặt tại các điểm đông khách du lịch.

Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple) hình dạng vát nhọn làm bằng đá đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52m, được vua A Dục (Asoka) xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn để tưởng niệm nơi thành đạo của Ngài.

Mặt ngoài tháp được chạm khắc tỉ mỉ và tinh xảo, với các họa tiết xếp hình theo hàng ngang như những đường diềm trang trí, với rất nhiều hốc nhỏ đặt vô số tượng Phật và các tượng Bồ Tát. Phần đế tháp có kích thước 15x15m, cao khoảng 12m, mặt trên cùng của khối đế có 4 tháp nhỏ ở 4 góc, hình dáng và cấu trúc tương tự tháp chính.

Trên đỉnh tháp chính là một chóp tháp nhọn hình tròn bên trong có chứa xá lợi Phật. Trong lòng tháp là điện thờ chính - chùa Đại Giác Ngộ (Mahabodhi temple) đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dát vàng cao khoảng 2m, được cho là có trên 1.700 năm tuổi. Tượng được đặt âm trong tường, bao bọc bằng khung kính, nhìn hướng ra lối vào điện. Thân tượng khoác áo cà sa, được ánh đèn chiếu sáng, vẻ mặt và dáng ngồi thiền của Ngài toát lên vẻ uy nghiêm huyền diệu.

Dù hàng ngày có đến cả ngàn người, xếp hàng nối nhau trước lối vào khá hẹp duy nhất để vào lễ Phật trong chính điện, mọi thứ vẫn diễn ra rất ngăn nắp, trật tự, không ồn ào. Nhân viên hướng dẫn túc trực từ ngoài dọc theo lối vào, cho đến tận dưới chân tượng Phật luôn tay sắp xếp hướng dẫn khách đi theo hàng lối đã định sẵn.

Lúc nào cũng có hai vị sư túc trực hai bên tượng Phật, đón nhận các vật phẩm khách hành hương dâng Phật - phần nhiều là dâng y (vải áo cà sa), tượng nhỏ, tràng hạt… sau đó đưa vào lồng kính qua hai cánh cửa nhỏ hai bên, khoác y lên tượng, hoặc đặt các vật phẩm dưới chân tượng, đọc kinh niệm chú, xong lại thay một đợt mới.

Bên ngoài đại tháp, còn có một điện thờ nhỏ thờ 3 bức tượng: Tượng vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn) ở giữa, hai tượng còn lại gồm bà Maya Devi là mẹ ruột và bà Mahapajapati (Kiều Đàm Di) là dì ruột, đồng thời là mẹ kế của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca).

Chúng tôi cũng dừng chân tại một bức tượng thờ được rất nhiều khách hành hương sùng kính - tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tạc ngay trên vách phía tay phải đại tháp. Giống như mọi người, tôi tháo chiếc vòng hạt đeo trên tay đặt dưới chân Ngài, thành tâm khấn nguyện ngài phù hộ độ trì mạnh khỏe bình an cho gia đình và hòa bình cho nhân loại.

Chúng tôi nhập vào đoàn người hành hương đủ mọi quốc tịch, có cả vài người Âu Mỹ, chân trần đi nhiễu quanh tháp 3 vòng, vừa đi vừa chắp tay niệm Phật. Trước đó Alam nói rằng, quy tắc cần nhớ khi đến những đền chùa Phật giáo linh thiêng là “không bao giờ đi ngược chiều kim đồng hồ”, nếu lấy ngôi chùa làm trung tâm. Quả thật đúng như vậy. Đoàn người nhiễu quanh tháp luôn đi theo hướng thuận kim đồng hồ, không thấy ai đi ngược cả.

Sư Thầy Bhante Deenananand - Phó Tổng quản khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn.
Sư Thầy Bhante Deenananand - Phó Tổng quản khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn.

 Dưới tán cội Bồ Đề linh thiêng

Phía mặt sau Đại Bảo tháp, cách đế tháp chừng vài mét là cội Bồ đề huyền thoại. Dưới gốc Bồ đề này, thái tử Tất Đạt Đa sau 49 ngày đêm thiền định đã đạt đến sự giác ngộ chân lý, trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Gốc cây rất to, các cành nhánh to khỏe vươn rộng che mát cả một khu vực rộng lớn, chiều cao tổng thể của cây ước chừng khoảng 15-20 mét. Người ta xây tường quanh gốc để bảo vệ cây, mặt ngoài tường được chạm khắc nổi hình các vị thần, động vật (sư tử, ngựa, voi) và hoa sen, được choàng các dây hoa trang trí rất trang trọng.

Khi còn tại thế, Phật Thích Ca từng bảo đại đức Anan (hầu cận của ngài) rằng: mỗi khi tín đồ tới tịnh xá lễ bái mà không có Phật ở đó, thì có thể bảo họ chiêm bái cây bồ đề, và “thấy cây bồ đề cũng như là thấy Như Lai vậy”.

Sau khi Phật nhập Niết bàn, cây Bồ đề nguyên thủy mà Đức Phật ngồi dưới gốc khi ngài giác ngộ vẫn còn sống đến thời của vua Asoka và được nhà vua xây rào bảo vệ. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, cây đã bị phá hủy và trồng lại đến năm lần. Sau lần thứ năm bị phá hủy, vào năm 1881, ngài Alexander Cunningham người Anh đã sử dụng hạt giống từ cây Bồ-đề thứ năm và trồng lại chính nơi cây gốc đã từng ở đó. Hiện nay, cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng là đời “hậu duệ” thứ sáu của “cội Bồ đề linh thiêng” (từ thời vua A Dục) và đến nay tròn 142 năm tuổi (1881-2023).

Trước khi chúng tôi đến, Alam đã chuẩn bị sẵn mỗi người một rổ hoa được làm khá kỳ công từ những cánh hoa cúc trắng, cúc vàng, hoa hồng để làm lễ dâng hoa dưới gốc Bồ đề. Một vị sư chuyên trách túc trực ngay cửa vào tường rào đón lấy rổ hoa của từng người để đặt lên bệ thờ bên trong gốc cây. Không chỉ chúng tôi mà còn có hàng trăm khách hành hương khác cũng xếp hàng chờ dâng hoa…

Ở khoảng sân rộng, dưới tán cây Bồ đề và chung quanh Đại Bảo tháp, có rất nhiều tăng ni, phật tử, khách hành hương từ khắp nơi, trong đó có rất nhiều người Việt ngồi thiền hoặc hành lễ. Tiếng lâm râm đọc kinh và khấn nguyện của nhiều thành phần, nam nữ, dân tộc, đến từ nhiều quốc gia, bằng những ngôn ngữ khác nhau, tạo ra một âm vực đa chiều đậm chất tín ngưỡng và huyền diệu quanh cội Bồ đề thiêng liêng.

Chúng tôi tranh thủ nhặt những chiếc lá rụng trong khuôn viên cây mang về với thành tâm mong muốn đem theo mình sự may mắn và phù hộ của Đức Phật. Lá Bồ đề là một biểu tượng tâm linh của Phật giáo, lại được nhặt từ cội Bồ đề thiêng ngay tại thánh địa này, nên chúng tôi tin rằng nó sẽ mang đến cho mình sức khỏe, may mắn và bình an…

Quay trở lại Đại Bảo tháp vào ngày hôm sau, mỗi người trong đoàn mang theo những lá Bồ đề cùng các vật phẩm tâm linh như tượng Phật bằng đồng, dây tràng hạt… đã thỉnh được sau chuyến mua sắm tối hôm trước, nhờ sự sắp xếp của Alam để dâng Phật trong chính điện Bảo tháp. Sau khi được các sư trong chính điện bày dưới chân tượng Phật đọc kinh và niệm chú, chúng tôi xin mang về. Mọi người đều hoan hỉ…

Nhờ có sự giới thiệu và sắp xếp của Alam, người dẫn đoàn, đoàn chúng tôi có cơ duyên được Sư thầy Bhante Deenananand – Phó Tổng quản khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng đích thân tiếp trà và đàm đạo ngay tại phòng Tiếp tân của khu Thánh tích. Trước khi ra về, mỗi người chúng tôi nhận được những món quà vô giá được Sư thầy trao tận tay: một bộ y thỉnh từ tượng Phật thiêng trong Đại Bảo tháp và một chiếc lá Bồ đề, đã được ép plastic cẩn thận, có chữ ký của Sư Bhante Deenananand. Sư cũng vui vẻ chụp ảnh chung với cả đoàn.

Sư Thầy Bhante Deenananand - Phó Tổng quản khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn..jpg
Sư Thầy Bhante Deenananand - Phó Tổng quản khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUỐC THỊNH

.
.
.