.
Cuộc sống đa sắc màu bên dòng sông Hằng

Kỳ 2: Ngôi Bảo tháp thờ đức Tổ sư Ni Kiều Đàm Di của người Việt tại Ấn Độ

Cập nhật: 19:31, 09/06/2023 (GMT+7)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Trên đất Ấn - xứ Phật hiện nay đã có nhiều ngôi chùa Việt của các hệ phái Phật giáo Việt Nam như: Việt Nam Phật Quốc tự, Chùa Viên Giác, Chùa Linh Sơn, Chùa Đại Lộc, Tịnh xá Minh Đăng Quang… và ngôi chùa nổi tiếng Kiều Đàm Di.

Đoàn tham quan cùng sư cô Đạo Tâm trước Bảo tháp.
Đoàn tham quan cùng sư cô Đạo Tâm trước Bảo tháp.

Tự hào ngôi chùa do người Việt lập trên vùng thánh tích Phật giáo

Tổ sư Ni Kiều Đàm Di có sức ảnh hưởng lớn đối với lịch sử Phật giáo, đặc biệt là với giới nữ tu. Khi chưa xuất gia, bà tên là Kiều Đàm Di (Mahapajapati Gotami), là dì ruột của Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), sau này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hoàng hậu Ma Da (Maya Devi) sau khi sinh thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày thì băng hà, dì Kiều Đàm Di thay chị chăm lo cho Thái tử. Sau này bà cũng là một trong những Hoàng Hậu của Quốc Vương Tịnh Phạn (Suddhodana).

Mặc dù sau này bà sinh ra hoàng tử Nan Đà (Nanda), nhưng vẫn luôn yêu thương Thái tử Tất Đạt Đa như con đẻ. Đến tuổi trưởng thành, Thái tử xuất gia và tu hành. Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn (Phật Thích Ca) trở về hoằng hóa tại cố hương Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu, thuộc Nepal) - quê hương trước kia của Ngài - để thuyết pháp. Trong lần này, Di Mẫu phát khởi thiện căn nên đến trước Thế Tôn cầu xin Ngài cho bà được xuất gia nhập chúng theo cùng Tăng đoàn.

Cổng vào và những gì còn lại của tu viện Phật giáo cổ Nalanda.
Cổng vào và những gì còn lại của tu viện Phật giáo cổ Nalanda.

Lúc bấy giờ trong Tăng đoàn của Phật chưa bao giờ có Tăng ni (nữ tu), đó là điều cấm kỵ. Do vậy, đối với lời cầu xin của Di mẫu Kiều Đàm Di, Đức Thế Tôn không đồng ý. Sau rất nhiều lần cầu xin đều bị từ chối, trong một lần Đức Phật về Tỳ Xá Ly (Vaishali), bà Kiều Đàm Di cùng năm trăm người nữ lập nguyện khổ hạnh, đi chân trần đến cầu xin đức Phật cho phép xuất gia.

Những đôi chân của hàng mệnh phụ đều bị rướm máu vì trên đường đi đầy chông gai đá sỏi. Cuối cùng, trước sự kiên trì, thành khẩn của Kiều Đàm Di và 500 vị mệnh phụ phu nhân Đức Thế Tôn nhận thấy không thể nào giải thích để họ từ bỏ sự mong muốn được gia nhập Tăng đoàn, nên Ngài đã chấp nhận thỉnh cầu với điều kiện phải tuân thủ Bát kỉnh pháp suốt đời.

Kể từ đó, Kiều Đàm Di trở thành Ni trưởng đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, thời Đức Phật còn tại thế. Cánh cửa giải thoát đã mở rộng cho mọi thành phần, mọi giai cấp, giúp cho người phụ nữ vượt qua nhiều chướng ngại để có thể xuất gia tu hành, tìm sự an tĩnh nội tâm.

Khuôn viên chùa Kiều Đàm Di rộng 8000m2. Điểm nhấn đáng chú ý là tòa Bảo tháp 3 tầng cao 37m. Tầng 1 thờ Tổ sư Ni Kiều Đàm Di. Tầng 2 đặt tượng Đức Phật Thích ca Mâu Ni và 2 Tôn giả Đại Ca Diếp và A Nan Đa. Tầng 3 đặt tượng Thích ca Mâu Ni theo phong cách Phật giáo Tây Tạng. Trên đỉnh tháp, nơi cao nhất an trí bình cam lồ Xá Lợi của Đức Phật.

Chúng tôi rất ấn tượng với nhiều phù điêu về Phật tích cùng với từng chú giải tỉ mỉ trang trí khắp nơi trong tháp, đặc biệt là những tấm đá hoa cương đỏ khắc nhiều bộ kinh Phật bằng bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Sanskrit, Pali. Quả thật nó xứng đáng được mệnh danh là ngôi Bảo tháp thờ đức Tổ sư Ni Kiều Đàm Di của người Việt lớn nhất trên thế giới. Ngôi Bảo tháp này còn tôn trí tượng Phật nhiều nhất và khắc nhiều bộ kinh bằng nhiều ngôn ngữ nhất.

Là người Việt Nam, chúng tôi rất tự hào khi được diện kiến ngôi chùa hết sức trang nghiêm mỹ lệ, do chính người Việt Nam tạo lập trên vùng thánh tích Phật giáo. Theo sư cô Đạo Tâm, chùa không những là nơi thực hiện các Phật sự, thường xuyên tổ chức các sự kiện thiêng liêng mang tầm cỡ thế giới, mà Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh cùng chư Ni chùa Kiều Đàm Di đã phát tâm xây dựng 3 trường học từ thiện trong khu vực lân cận nhằm giúp đỡ cho các trẻ em nghèo, duy trì đến nay đã được 10 năm.

Hiện nay có hơn 50 giáo viên người Ấn phụ trách khoảng 2.400 HS từ mẫu giáo đến lớp 5, học theo chương trình chính quy của Ấn Độ. Đó là những việc làm có ý nghĩa vô cùng to lớn, khiến chúng tôi vô cùng cảm kích và nể phục.

Ngày thường, ngoài sư cô Đạo Tâm, chùa rất thưa người, chỉ có thêm sư cô Như Hiếu và Đạo Trí thường trú tu học, đồng thời kiêm luôn mọi việc từ quản lý chăm sóc chùa cho đến phụng sự bà con quanh vùng. Hằng ngày từ sáng, sau khi mọi thời khóa trong chùa đã tạm xong, các sư cô phải ghé qua các trường học xem trường lớp, HS và cả GV mọi thứ phải sạch sẽ nề nếp, cần gì sắp xếp xử lý ngay.

Trường đại học quốc tế đầu tiên trên thế giới

Một thánh tích nổi tiếng của lịch sử Phật giáo, Na Lan Đà (Nalanda), tu viện Phật giáo cổ, trung tâm học tập bậc cao thời cổ đại, được mệnh danh là trường đại học quốc tế đầu tiên trên thế giới.

Nằm cách TP.Patna chừng 95 km, thuộc bang Bihar. Nalanda đã từng là một trung tâm học thuật quan trọng từ thế kỷ thứ 5 và phát triển rực rỡ, cho đến cuối thế kỷ 12 (1197). Nơi đây từng có hơn 10.000 sinh viên và 2.000 giảng sư, giảng dạy nhiều ngành học khác nhau.

Sau đó Nalanda bị phá hủy hoàn toàn bởi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Tài liệu sử sách mô tả rằng có hàng ngàn tu sĩ Phật giáo đã bị thiêu sống và chặt đầu. Kinh sách trong các thư viện bị đốt cháy nhiều đến nỗi hàng tháng trời mới hết. Đến cuối thế kỷ 19, nhà khảo cổ học Alexander Cunningham phát hiện dấu tích Nalanda, sau đó tiến hành các cuộc khai quật cùng với các nhà khảo cổ Ấn Độ.

Qua khỏi cổng vào khu di tích, trước tầm mắt chúng tôi là một khuôn viên mênh mông (14ha), với rải rác khắp nơi các nền móng, cột trụ, có chỗ là những bức tường đổ nát, tất cả xây bằng một loại gạch rất chắc màu đỏ. Có vài ngôi tháp vẫn còn sót lại những bậc thang, các phòng, ô cửa, với tường dày cả mét. Một số bức tường và phòng ốc được phục dựng đúng như nguyên thủy.

Theo chân Alam, người dẫn đoàn, chúng tôi được giới thiệu chỗ này là đền ghi nhớ ngài Xá-lợi-phất (Sariputta – một đệ tử được Đức Phật yêu quý). Chỗ kia là đền ghi dấu nơi Đức Phật dừng chân. Chỗ nọ là tu viện, giảng đường, tịnh xá, phòng ở của các tăng chúng…

Hầu hết các di tích quan trọng đều có bảng chú giải chi tiết bằng tiếng Anh và tiếng Ấn. Đọc các bảng hướng dẫn trên, khách tham quan có thể nhận ra vai trò của Đại học Nalanda trong nền văn hóa Ấn Độ. Đây chính là cái nôi của Phật giáo Đại thừa, nơi ngài Huyền Trang, một cao tăng người Trung Quốc, đã từng tu học, nghiên cứu, dịch thuật các văn bản của Phật giáo Ấn Độ và đào tạo các tăng sĩ tại Nalanda trong nhiều năm.

Chúng tôi chuẩn bị rời Nalanda khi mặt trời đã xế bóng. Khách du lịch đã thưa dần, chỉ còn lại bạt ngàn tàn tích, dù rất sạch sẽ, yên tĩnh, được phục dựng tốt, nhưng cảm thấy chút gì đó thê lương. Tôi tự hỏi, làm thế nào mà một công trình vĩ đại cả về văn hóa lẫn kiến trúc lại bị hủy hoại không thương tiếc đến mức này? Nhưng ngược lại điều đó cũng cho thấy, sự trường tồn của một nền văn minh cổ là không thể chối cãi, dù cho nó có bị tàn phá về phương diện vật chất đến đâu.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUỐC THỊNH

Chùa Kiều Đàm Di Việt Nam tại Vaishali, tiểu bang Bihar do Ni trưởng Thích nữ Khiết Minh sáng lập nhằm tỏ lòng hiếu đạo đối với Tổ sư Ni Kiều Đàm Di. Ni trưởng tâm nguyện xây dựng ngôi chùa Ni (dành cho nữ tu) và bảo tháp vào cuối năm 2003 để thờ Tổ sư Ni và chư Thánh Ni tại Vaishali. Chùa hoàn tất xây dựng vào năm 2013.

 

.
.
.