Albania thành công bất ngờ trong khủng hoảng toàn cầu
Có diện tích khiêm tốn, nền kinh tế bị coi là kém cỏi, nghèo nàn bậc nhất châu Âu. Thế nhưng, Albania đang dần trở thành một trong những điểm đến đầy hấp dẫn thú vị, nhất là thành tích vươn lên trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Quang cảnh thành cổ Gjirokaster. |
Vùng đất đẹp ẩn mình giữa châu Âu
Trên thế giới, Albania xếp thứ 140 về diện tích với 28.748 km2. Quốc gia này cũng có tổng dân số cực kỳ khiêm tốn - 2,8 triệu người. Mật độ dân số thưa đến mức chỉ 100 người/km2, thấp bằng 1/3 Việt Nam (290 người/km2).
Khắp Albania thưa thớt dân cư, đâu đâu cũng thấy mặt đất xanh tươi. Theo báo cáo địa lý, quốc gia này có tới 77% diện tích là đồi núi thấp (đỉnh cao nhất là núi Korab cao 2.753m). Nhờ khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa, không mấy khi lạnh dưới 10C và nắng nóng trên 300C, nên thiên nhiên Albania hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình.
Từ thập niên 1990, nhiều khách ba lô đã đến Albania. Họ truyền tai nhau về những bãi biển xanh như ngọc, những món ăn ngon, vẻ đẹp độc đáo của các công trình văn hoá lịch sử lâu đời và hấp dẫn nhất là chi phí du lịch rẻ nhất châu Âu.
Thủ đô của Albania là Tirana, được thành lập năm 1614, có nhiều nhà thờ lớn và các công viên nhiều cây xanh, một số kiến trúc phá cách thuộc thời kỳ Mussolini nằm rải rác trong trung tâm thành phố.
Thị trấn Berat, một trong những thị trấn lâu đời nhất Albania với những kiểu nhà mang phong cách truyền thống Balkan, nằm nép mình bên những sườn đồi hay những nhà thờ mang kiến trúc Byzatine, được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ 13 và dưới triều đại Ottoman - thế kỷ 14.
Tòa thành cổ Gjirokaster, ở độ cao 336m, bên trong có một viện bảo tàng quân sự in dấu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I hay ngôi nhà tháp Zakate House sở hữu mặt tiền vòm đôi tuyệt đẹp, sàn nhà và cầu thang có một ban công bằng gỗ nhìn ra thị trấn rất đáng để du khách ghé thăm.
Ngoài kiến trúc cổ, thiên nhiên còn ban tặng Albania nhiều kỳ quan hùng vỹ. Trong số đó, hồ Blue Eye nước xanh thẳm tuyệt đẹp với độ sâu hơn 50m khiến du khách choáng ngợp bởi vẻ đẹp yên bình và thanh khiết. Điều đặc biệt, hồ có màu xanh đậm ở giữa và màu xanh nhạt ở hai bên. Vào mùa xuân, hồ như một đôi mắt người.
Hồ Blue Eye nước xanh như ngọc. |
Và giàu lên
Nhờ khí hậu ôn hòa, Albania mọc đầy các loại thảo mộc hoang. Nhiều loài trong số chúng có công dụng làm đẹp như cowslip để làm mỹ phẩm, việt quất và những loại cây có mùi thơm. Trong đó, giá trị nhất là cowslip. Cư dân Albania đã biết khai thác thế mạnh này thu về ngoại tệ.
Quốc gia chưa đến 3 triệu dân nhưng có trên 100.000 hộ sống dựa vào thu hoạch thảo dược tự nhiên. Năm 2018 - 2019, Albania xuất khẩu tổng cộng 12.000 tấn thảo dược, thu về 28 triệu USD.
Xuất khẩu thảo dược đã giúp phụ nữ Albania có công ăn việc làm, độc lập về tài chính, đảo ngược thực trạng kỳ thị giới tính tồn tại hàng trăm năm trước đó. Phụ nữ ngày càng nắm giữ kinh tế, được tôn trọng và có địa vị trong xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn châu Âu do cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, Albania đã nổi lên như một câu chuyện thành công ngoài mong đợi. Quốc gia này đang có tỷ lệ lạm phát thấp nhất khu vực năm 2022 và đồng tiền lek của Albania đang ở mức giá cao kỷ lục so với đồng euro.
Không giống như phần còn lại của khu vực vốn có nguy cơ đối mặt với tình trạng suy thoái vào năm 2023 do lạm phát, Albania lại được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực Trung và Đông Nam Âu.
Điều này diễn ra sau năm 2022 tốt hơn dự kiến, khi Albania đạt mức tăng trưởng kinh tế 4,8%. Do đó, chính phủ nước này đã duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 2,6%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ban đầu dự báo mức tăng trưởng của Albania là 2,8% vào năm 2023, nhưng sau đó tăng mức dự báo lên 3,3% trong năm 2023 và 2024.
Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Albania sẽ tăng trưởng 3,3% năm 2023, trong khi Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (WIIW) xếp Albania là một trong ba quốc gia phát triển nhanh nhất trong số 23 quốc gia được đánh giá ở Trung, Đông Nam và Đông Âu và Trung Á.
Theo WIIW, tăng trưởng ở Albania, cùng với các nền kinh tế Đông Nam Âu khác là Kosovo và Romania, sẽ luôn vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực rộng lớn hơn. WIIW dự báo mức tăng trưởng của Albania là 3,3% vào năm 2023, 3,8% vào năm 2024 và 4,0% vào năm 2025.
Richard Grieveson, Phó Giám đốc của WIIW, nhận xét trong một hội thảo trực tuyến: “Đây là một câu chuyện thực sự thành công về tăng trưởng trong thời kỳ suy thoái này ở Đông Nam Âu”.
Lạm phát của Albania, mặc dù tăng cao trong nửa cuối năm 2021 và trong suốt năm 2022, nhưng không tăng nhanh như ở các quốc gia khác trong khu vực. Lạm phát đạt đỉnh 8,3% vào tháng 10 năm ngoái - thấp hơn nhiều so với mức hai con số được ghi nhận ở một số nước châu Âu và kể từ đó đã giảm sâu.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát giảm xuống mức trung bình 6,5% trong quý đầu tiên của năm 2023, so với mức 7,9% của quý trước đó. Sự sụt giảm đặc biệt vào tháng 3 khi lạm phát hàng năm giảm xuống 5,3%.
Ivailo Izvorski, nhà kinh tế trưởng của khu vực châu Âu và Trung Á tại WB, cho rằng lạm phát tương đối thấp của Albania là nhờ mức trần giá do chính phủ đưa ra và thực tế là nước này sản xuất 100% điện năng từ thủy điện.
Một báo cáo gần đây của WB cho biết, ngành thủy điện phát triển mạnh đã giúp Albania hạn chế được tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu.
Một yếu tố khác là tỷ giá hối đoái lek/euro cao cùng với hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định. Đồng lek mạnh cũng đã giúp Albania giảm bớt gánh nặng nợ nần sau khi phải vay nợ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 để hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nợ công của Albania trong quý 1/2023 giảm xuống còn 63,27% GDP của nước này, so với mức 64,58% vào cuối năm 2022.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)