.

Côn Đảo mùa rùa đẻ trứng

Cập nhật: 17:29, 05/05/2023 (GMT+7)

Từ tháng 5 đến tháng 8 vào cao điểm sinh sản của rùa biển. Đây cũng là mùa du lịch hè, nên khâu chuẩn bị các điều kiện để thu hút rùa đẻ trứng và phục vụ du khách trải nghiệm.

Vào mùa rùa sinh sản, trên các vùng biển Côn Đảo du khách sẽ bắt gặp rất nhiều rùa.
Vào mùa rùa sinh sản, trên các vùng biển Côn Đảo du khách sẽ bắt gặp rất nhiều rùa.

Rùa mẹ lên bãi đẻ tăng dần

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có chuyến tham quan Hòn Bảy Cạnh. Đây là nơi tập trung nhiều rùa mẹ về sinh sản nhất, chiếm hơn 77% tổng số rùa đẻ tại Côn Đảo. Hòn Bảy Cạnh cũng từng ghi nhận đỉnh điểm 26 rùa mẹ lên bãi đẻ một đêm. Lật cuốn sổ ghi chép ra, ông Trần Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh khoe, từ đầu năm đến nay đã có 47 rùa mẹ lên bãi đẻ thành công.

Bước sang tháng 5 vào cao điểm mùa sinh sản của rùa biển. Những ngày gần đây, lượng rùa mẹ lên bãi đẻ đang tăng dần. Anh em kiểm lâm tập trung dọn dẹp vệ sinh, san gạt bãi cát cho phẳng tạo sinh cảnh tự nhiên thu hút rùa mẹ về đẻ trứng, che lại mái hồ ấp, phân công kíp trực tuần tra đêm… sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, ấp trứng rùa.

Theo tài liệu nghiên cứu của Vườn quốc gia Côn Đảo, rùa biển sinh sản quanh năm, nhưng cao điểm tập trung 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8). Đến mùa sinh sản, rùa biển di cư từ vùng kiếm ăn đến khu vực làm tổ. Quá trình giao phối thường diễn ra trên đường di cư và trước các bãi đẻ.

Sau khi giao phối 2-4 tuần, rùa đực trở về khu vực kiếm ăn, còn rùa cái lên bãi làm tổ đẻ lần đầu. Sau khoảng thời gian từ 11-13 ngày nghỉ tạo trứng, chúng tiếp tục đẻ lần tiếp theo. Một cá thể rùa mẹ trong mùa sinh sản bình quân đẻ 3 lần, chu kỳ sinh sản giữa 2 mùa là 1-5 năm. Ghi nhận tại Côn Đảo có trường hợp đặc biệt, một cá thể rùa mẹ đẻ 11 tổ/năm và đạt số trứng kỷ lục là 993 trứng.

Du khách tham quan hồ ấp trứng rùa tại Hòn Cau.
Du khách tham quan hồ ấp trứng rùa tại Hòn Cau.

Sẵn sàng giúp rùa “vượt cạn”

Côn Đảo hiện có 18 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa. Trong đó, Bãi Cát Lớn và Bãi Dương thuộc Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tài và Hòn Tre Lớn là 5 khu vực rùa đẻ thường xuyên.

Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế, cho biết, giữ rừng biển, bảo tồn đa dạng tài nguyên, trong đó có rùa biển là nhiệm vụ không ngơi nghỉ của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Ngay từ đầu năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đã triển khai tập huấn công tác quản lý, bảo tồn rùa biển cho lực lượng kiểm lâm và các viên chức liên quan; ra quân thay cát các hồ ấp trứng rùa; vệ sinh san lấp bãi cát, tạo thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng; kiểm tra các hoạt động quản lý liên quan đến bảo tồn rùa biển…

“Ở 2 đảo nhỏ là Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau còn khai thác tour sinh thái xem rùa đẻ, cứu hộ rùa, thả rùa con về biển phục vụ du lịch. Lực lượng kiểm lâm tại đây còn được tập huấn thêm nghiệp vụ du lịch và các nội quy để cảnh báo, hướng dẫn du khách tuân thủ trong quá trình tham gia tour”, ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm.

Từ năm 2019, Vườn quốc gia Côn Đảo đầu tư hệ thống camera quan sát các đảo, hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ động vật hoang dã, cảnh báo từ xa tàu thuyền ra vào các bãi cát làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của rùa biển… Thế nhưng có những khâu vẫn phải làm thủ công. Chẳng hạn, tuần tra theo dõi rùa mẹ lên bãi đẻ, bảo vệ an toàn cho tổ trứng trước khi di dời vào hồ ấp, dời trứng vào hồ ấp, theo dõi nhiệt độ hồ ấp…

Dọn vệ sinh, san gạt cát tạo bãi đẻ cho rùa mẹ.
Dọn vệ sinh, san gạt cát tạo bãi đẻ cho rùa mẹ.

“Trứng rùa phải được di dời trong khoảng 6 giờ kể từ khi được rùa mẹ đẻ ra, vì đây là thời gian phôi tạm dừng phát triển, có thể chịu đựng được va chạm nhẹ và xáo trộn. Bên cạnh đó, nếu nhiệt độ trong hồ ấp thấp hơn 26oC thì tỷ lệ con đực cao hơn con cái và trên 30OC thì ngược lại. Do vậy, phải sử dụng thiết bị ghi nhiệt độ trong hồ ấp với thời gian ghi liên tục sau 150 phút, rồi thường xuyên kiểm tra nhiệt độ để điều chỉnh, đảm bảo cân bằng giới tính rùa con và nhiệt độ không vượt ngưỡng trứng chết phôi”. Theo ông Nguyễn Văn Vững, chuyên viên phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế, đó là những phần việc đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải làm thủ công, tỉ mỉ, cẩn thận.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, trong mùa cao điểm rùa đẻ trứng, dù tất bật ngày đêm, thế nhưng, chứng kiến những thành quả bảo tồn rùa biển Côn Đảo đạt được và hình ảnh thả rùa con về biển trở thành nét đặc trưng riêng có của Côn Đảo, khiến lực lượng kiểm lâm càng thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị danh giá từ thiên nhiên ban tặng.

Côn Đảo là bãi đẻ chủ yếu của rùa xanh (còn gọi là vích), chiếm 90% tổng lượng rùa xanh về đẻ tại các vùng biển của Việt Nam. Hoạt động bảo vệ rùa biển là một thành công nổi bật của Vườn quốc gia Côn Đảo, đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp của thế giới.
Trong 5 năm từ 2018 đến 2022, trung bình mỗi năm có 687 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng với 2.068 tổ được di dời, ấp nở và thả về biển 145.171 cá thể rùa con. Tỷ lệ rùa nở và thả về biển đạt 78,53%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng rùa biển lên các bãi cát thuộc Côn Đảo đẻ trứng thành công 50 tổ. Cộng dồn các tổ đẻ trong những tháng cuối năm 2022, Vườn quốc gia Côn Đảo đã cho ấp nở 134 tổ, thả về biển có kiểm soát hơn 8.000 cá thể rùa con. 


Bài, ảnh: KIM VINH

.
.
.