Kỳ 1: Ngôi nhà an toàn của rùa biển
Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình giám sát, bảo tồn, phục hồi rùa biển bài bản. 30 năm qua, hơn 2,4 triệu rùa con được thả về đại dương, góp phần rất lớn cho công cuộc bảo tồn rùa biển của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Tình nguyện viên tham gia cứu hộ rùa đẻ trứng. |
Ngày tuần tra, đêm thức canh cho rùa đẻ
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có chuyến tham quan Hòn Bảy Cạnh, nơi thu hút rùa biển về sinh sản nhiều nhất, chiếm hơn 77% tổng số rùa đẻ tại Côn Đảo.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh, từ đầu năm đến nay đã có 47 rùa mẹ lên bãi đẻ thành công. Các tháng 5, 6, 7, 8 là vào cao điểm mùa sinh sản của rùa biển. Do vậy, lực lượng kiểm lâm đang tập trung dọn dẹp vệ sinh, san gạt bãi cát cho phẳng tạo sinh cảnh tự nhiên thu hút rùa mẹ về đẻ trứng. Đồng thời, che lại mái hồ ấp, phân công kíp trực tuần tra đêm… sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, ấp trứng rùa.
“Côn Đảo hiện có 18 bãi cát là bãi đẻ của rùa. Trong đó, Bãi Cát Lớn và Bãi Dương thuộc Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tài và Hòn Tre Lớn là 5 khu vực rùa đẻ thường xuyên. Lực lượng kiểm lâm phụ trách các bãi này đều trong tâm thế ngày tuần tra giữ biển, đêm thâu thức canh cho rùa đẻ”, ông Hùng nói.
Thật ra công việc bảo vệ rùa biển được các thế hệ kiểm lâm Côn Đảo thực hiện xuyên suốt từ trước khi VQGCĐ thành lập. Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo chia sẻ, vùng biển Côn Đảo phân bố các loài rùa biển, gồm: đồi mồi, đồi mồi dứa, rùa xanh, và rùa Quản Đồng. Trong đó, quần thể rùa xanh về Côn Đảo tìm kiếm thức ăn và đẻ trứng nhiều nhất.
Trước thời điểm thành lập VQGCĐ (năm 1993), rùa biển Côn Đảo đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng đánh bắt, thu mua rùa biển và các sản phẩm từ rùa diễn ra tự do. Bên cạnh đó, rác thải đại dương, tình trạng hệ sinh thái xuống cấp, ô nhiễm môi trường bãi đẻ… luôn đe dọa sinh tồn của rùa biển.
Năm 2009, VQGCĐ được xác lập kỷ lục quốc gia “VQG thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam”. Năm 2014, VQGCĐ được quốc tế công nhận là một trong những khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế - khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam. VQGCĐ cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới “Bảo tồn rùa biển khu vực Ấn Độ Dương - Đông Nam Á” (IOSEA), trở thành tổ chức thứ 11 của mạng lưới này vào ngày 22/10/2019. |
Lúc đó, Ban quản lý Rừng cấm Côn Đảo (tiền thân của VQGCĐ) đã bắt tay lập hệ thống các trạm kiểm lâm nhằm ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp, khai thác trái phép rùa biển, bảo vệ tổ trứng, cho rùa ấp nở tự nhiên. Tuy nhiên, việc bảo tồn chủ yếu dùng sức người, theo cách tự nghiên cứu mà chưa có tư liệu và khoa học.
Đến năm 1995, những nỗ lực thầm lặng của VQGCĐ được Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF) ghi nhận và tài trợ kinh phí để thực hiện dự án “Bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại Côn Đảo”. Kể từ đây, công tác bảo tồn rùa biển bước sang trang mới, bài bản, khoa học, có sự kế thừa và ngày càng hiệu quả hơn. Bãi đẻ rùa mẹ được bảo vệ, xây dựng hồ ấp để di dời bảo quản trứng, đảm bảo điều kiện nhiệt độ cho trứng nở và thả rùa con trở về đại dương an toàn.
Những nghiên cứu chuyên sâu về đặc tính sinh thái của quần thể rùa biển như số lần đẻ trong mùa sinh sản, chu kỳ đẻ trứng qua đeo thẻ theo dõi cho rùa mẹ; đeo máy định vị vệ tinh để biết khu vực di cư kiếm ăn của quần thể rùa biển sinh sản tại Côn Đảo hay nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đến giới tính của rùa con được thực hiện làm cơ sở để đưa ra các giải pháp bảo tồn phục hồi rùa biển hiệu quả. Trong đó, việc làm hồ ấp nhân tạo để di dời tổ trứng từ bãi đẻ lên đã mang lại thành công, nâng tỷ lệ trứng rùa nở từ 27% năm 1993 lên 80% vào năm 2022.
“Tỷ lệ ấp nở rùa thành công cao có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định Côn Đảo chính là ngôi nhà an toàn cho loài rùa biển”, ông Nguyễn Khắc Pho khẳng định.
Rùa biển kiếm ăn quanh rạn san hô. |
Đưa rùa biển thành sản phẩm riêng
Khi hành trình bảo tồn rùa biển đạt được kết quả tích cực, VQGCĐ tiếp tục khuyến khích, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, DN vào hành trình này. Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ môi trường, bảo tồn rùa biển được thực hiện. VQGCĐ cũng hỗ trợ giúp ngư dân chuyển đổi sang khai thác tài nguyên bền vững bằng nghề du lịch, tổ chức tour sinh thái vận chuyển khách xem rùa đẻ trứng.
Từ năm 2018, VQGCĐ phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort (Six Senses Côn Đảo Resort) phục hồi và bảo tồn bãi đẻ của rùa tại Đất Dốc. Đây là mô hình đầu tiên về xã hội hóa công tác bảo tồn, quản lý rùa biển có sự tham gia của DN du lịch tại địa phương. Mô hình này được Hiệp hội các VQG, các khu bảo tồn Việt Nam công nhận là sáng kiến xã hội hóa trong công tác bảo tồn rùa biển.
Đại diện Six Senses Côn Đảo Resort tự hào chia sẻ, sau 5 năm phối hợp, tỷ lệ trứng nở thành công trung bình khoảng 93,6%, riêng năm 2022 đạt đến 98% trong năm 2022 với hơn 18.880 rùa con được thả về với biển.
Từ năm 1993-2022, VQGCĐ ghi nhận có 12.654 cá thể rùa mẹ về làm tổ đẻ trứng. Trong đó, giai đoạn 2008-2022, rùa mẹ về làm tổ đẻ trứng tăng 91% so với giai đoạn 1993-2007. Năm rùa mẹ về đẻ nhiều nhất là năm 2022 với 909 con. Cũng trong giai đoạn 2008-2022, lượng rùa con được cứu hộ và thả về biển tăng 167% so với giai đoạn 1993-2007. Tổng số lượng tổ rùa cứu hộ thành công từ năm 1993-2022 là 36.939 tổ, tổng lượng trứng rùa cứu hộ là 3.211.535 trứng. Ấp nở và thả về biển 2.419.295 cá thể rùa con. Năm ấp nở và thả rùa con về biển nhiều nhất là năm 2022 với 207.237 rùa con. |
Six Senses Côn Đảo Resort đã thành công trong việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với việc bảo tồn rùa biển Côn Đảo. Đây chính là sản phẩm đặc sắc, lợi thế cạnh tranh riêng có của Six Senses Côn Đảo Resort. Sản phẩm này đã tạo tiếng vang ngày càng rộng rãi, không chỉ thị trường trong nước mà thị trường khách quốc tế, góp phần tuyên truyền trực quan sinh động để du khách và cộng đồng cùng nâng ý thức bảo vệ rùa biển.
Tham gia một số đợt khảo sát về VQGCĐ trong 30 năm qua, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Anh hùng bảo tồn đa dạng sinh học của khối ASEAN nhận xét, lượng rùa làm tổ sinh sản tại Côn Đảo chiếm 90% số rùa biển lên đẻ tại các bãi biển ở nước ta. Côn Đảo thật sự là sinh cảnh làm tổ an toàn, nơi thực hiện bảo tồn và cứu hộ loài rùa xanh nhiều nhất Việt Nam và quan trong của khu vực Đông Nam Á.
Thành quả trong bảo tồn rùa biển và tài nguyên đa dạng sinh học ở Côn Đảo không chỉ trở thành giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế du lịch bền vững của Côn Đảo mà còn góp phần cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của vùng biển quốc gia và quốc tế.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA-ĐINH HÙNG