Phải nắm bắt, phân tích, hiểu cặn kẽ từng dự án đang gặp khó khăn gì để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đưa dự án sớm đi vào hoạt động. Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp rà soát các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn tỉnh chiều 14/3.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. |
Thu hồi 34 dự án chậm triển khai
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tính đến ngày 31/1, toàn tỉnh có 133 dự án đầu tư du lịch (gồm 117 dự án đầu tư trong nước và 16 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn 57.207 tỷ đồng và 8,9 tỷ USD.
Hiện 51 dự án đang hoạt động hoặc hoạt động một phần (42 dự án đầu tư trong nước và 9 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 17.152 tỷ đồng và 4,4 tỷ USD, diện tích đất 789,5ha. Nhóm dự án đang xây dựng có 36 dự án và 46 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.
KDL Hương Phong - Hồ Cốc đã hoạt động giai đoạn một từ nhiều năm qua. |
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 34 dự án và chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư 49 dự án. Sau thu hồi, 5 khu đất đã thu hút được nhà đầu tư mới thực hiện dự án, 15 khu đất có nguồn gốc đất công do nhà nước quản lý đang thực hiện các thủ tục tạo đất sạch và các thủ tục khác để đấu giá hoặc đấu thầu theo quy hoạch. Trong đó, một khu đất thuộc danh mục công trình trọng điểm (Vườn thú hoang dã Safari); 6 khu đất thuộc quyền sử dụng của người dân, tiếp tục giữ quy hoạch để thu hút đầu tư; 7 khu đất sau khi có chủ trương chấm dứt dự án, nhà đầu tư kiến nghị được tiếp tục thực hiện dự án.
Cũng từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã giãn tiến độ 37 dự án với diện tích 715ha. Sau khi được giãn tiến độ, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ chứng minh năng lực và cam kết triển khai dự án. Kết quả, 6 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang đang triển khai thực hiện, 29 dự án đã hết thời gian giãn tiến độ hoặc điều chỉnh tiến độ đầu tư, trong đó có 3 dự án vướng mắc về thủ tục đất đai do liên quan đến đất nhà nước quản lý.
Qua rà soát, hiện 20 dự án đầu tư ngoài rừng trên địa bản tỉnh chậm triển khai và 29 dự án đã hết thời gian giãn tiến độ, điều chỉnh tiến độ. Các dự án đầu tư trong rừng đều chậm triển khai do vướng mắc các quy định Luật Lâm nghiệp (gồm 31 dự án trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu và 38 dự án trong rừng phòng hộ).
Quyết liệt tháo gỡ
Sở KH-ĐT cũng xác định rõ những vướng mắc các dự án đang gặp phải làm chậm tiến độ. Cụ thể, một số dự án nhà đầu tư chưa triển khai được do có một phần diện tích đất thuộc nhà nước quản lý. Sở TN-MT đã đề xuất UBND tỉnh chủ trương tạm ngưng giải quyết thủ tục đất đai đối với diện tích đất nhà nước nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Xây dựng đang xây dựng điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập theo quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ. Căn cứ quy định này, Sở TN-MT có ý kiến xác định khu đất có đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất để xử lý theo quy định.
Dự án Khu nghỉ dưỡng Edenia Resort (thuộc 2 xã Bông Trang, Bưng Riềng - huyện Xuyên Mộc) do Công ty CP Du lịch Biển Xanh đầu tư nằm trong nhóm dự án đang triển khai xây dựng. |
Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện trước Luật Đầu tư 2005, 2014 nhưng chưa hoàn thành dự án cho đến nay không thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc có văn bản đồng ý cho nghiên cứu, thực hiện dự án trên cơ sở đề nghị của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Việc xác định các văn bản này có giá trị pháp lý tương đương theo quy định vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện các quy định về chuyển tiếp đầu tư.
Một số dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà nước, được nhà nước cho giao đất, cho thuê đất, hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2005, 2014 gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư.
Ngoài ra, một vướng mắc nữa liên quan đến thủ tục đầu tư. Khi nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất dự án đã bị chấm dứt hoạt động. Nhà đầu tư mới thực hiện chỉnh lý thông tin người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về thủ tục đầu tư và các điều kiện bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, sử dụng đất, thời hạn thực hiện dự án đối với những trường hợp này.
Tại cuộc họp, trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất từ các sở, ngành, địa phương, Sở KH-ĐT cũng đề xuất UBND tỉnh quy trình xử lý các dự án chậm triển khai. Theo đó, giao Sở TN-MT tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý các dự án còn vướng mắc do có phần diện tích đất có nguồn gốc do nhà nước quản lý. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan rà soát, theo dõi việc sử dụng đất của dự án để báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định pháp luật về đất đai. Tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với các khu đất có nguồn gốc đất nhà nước quản lý sau khi chấm dứt hoạt động dự án.
Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp rà soát tình hình triển khai dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chưa thực hiện thủ tục đất đai, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc tồn đọng của dự án báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
UBND các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn; có trách nhiệm phối hợp với Sở KH-ĐT nắm pháp lý, khó khăn, vướng mắc tồn đọng của dự án trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời; rà soát, xử lý các quy hoạch của các khu đất sau khi đã chấm dứt hoạt động dự án.
Trên quan điểm phải quyết liệt gỡ vướng, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nhanh để có sản phẩm phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở KH-ĐT tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp, bổ sung, hoàn thiện báo cáo các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn tỉnh để xin ý kiến tập thể UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, trong báo cáo cần tách ra nhóm các dự án đang hoạt động và nhóm các dự án hoạt động một phần (51 dự án); phân tích cặn kẽ trạng thái từng dự án có khó khăn gì, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ nhanh, thúc đẩy chủ đầu tư sớm hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động. Đối với 36 dự án đang xây dựng phải theo dõi, cập nhật sát tiến độ và những khó khăn nhà đầu tư có thể đang gặp phải như: thiếu nhân công, khan hiếm vật liệu, khó vay vốn.
“Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhà đầu tư, quản lý dự án phải lắng nghe cặn kẽ, hỗ trợ bằng cái tâm. Những vướng mắc trong thẩm quyền phải tháo gỡ ngay cho nhà đầu tư, còn vượt thẩm quyền thì đề xuất giải pháp cụ thể, trình UBND tỉnh cho ý kiến giải quyết”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA