Nếu như cối xay gió được xem là biểu tượng, là niềm tự hào không thể thay thế của người Hà Lan thì guốc gỗ là một bộ phận quan trọng cấu thành phục trang dân tộc của Hà Lan. Cối xay gió và guốc gỗ có mặt ở khắp nơi trên đất nước Hà Lan, nhưng nhiều nhất có lẽ là ở ngôi làng Zaanse Schans.
Khách du lịch chụp hình với phía sau là những chiếc cối xay gió ở làng Zaanse Schans. |
Ngôi làng cối xay gió
Rời làng cổ Giethoorn chúng tôi hành trình về phía Tây Bắc của đất nước Hà Lan để đến ngôi làng cối xay gió - làng Zaanse Schans.
Vừa bước xuống xe, những luồng gió lạnh từ sông Zaans hắt lên khiến chúng tôi phải chững lại một lúc. Những ngày cuối tháng 11, thời tiết ở Hà Lan có nhiệt độ trung bình từ 4-100C. Nhưng dường như ở Zaanse Schans thường lạnh hơn một chút vì sông bao quanh làng, gió lộng tứ bề.
Khách du lịch thích thú chụp hình với những chiếc guốc gỗ được trưng bày tại làng. |
Khung cảnh thôn quê của làng Zaanse Schans đã hiện lên trước mặt chúng tôi thanh bình, yên ả với những đàn cừu đang gặm cỏ ven sông, những chiếc xe đạp để ngay ngắn bên lề đường. Nổi bật nhất làng là những chiếc cối xay gió cổ kính.
Anh Võ Trọng Lĩnh, hướng dẫn viên cho biết, hiện nay, làng có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó là 6 chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaan. Trung bình cứ 16 giây, cối xay sẽ quay hết một vòng nhưng khi gió lớn chỉ cần 10 giây chiếc cối xay có thể đã quay hết vòng. Một số cối xay gió ở đây có tuổi đời hơn 300 năm.
Trong thế kỷ 17 và 18, có hàng ngàn chiếc cối xay gió dọc theo đê điều hỗ trợ nền kinh tế của Hà Lan bằng cách cung cấp năng lượng cho các nhà máy cưa, nhuộm, dầu... Đến thế kỷ 20, nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, những nhà máy dùng cối xay gió dần biến mất. Và năm 1961, Hà Lan bắt đầu phục dựng các kiến trúc truyền thống như những ngôi nhà gỗ màu xanh có khung cửa sổ trắng, một số cối xay gió với kích cỡ khác nhau tại làng Zaanse Schans để thu hút khách du lịch.
Mặc dù giữa trời mùa đông giá lạnh, nhưng hầu như khách du lịch nào đến làng Zaanse Schans đều không bỏ lỡ cơ hội chụp hình với cối xay gió. Chị Ngọc Thủy, du khách đến từ Đà Nẵng cho biết, chị đã từng được nhìn ngắm khung cảnh làng Zaanse Schans với những chiếc cối xay gió qua phim, ảnh tư liệu du lịch nhưng khi đến đây, tận mắt nhìn ngắm, khám phá chị mới thật sự cảm nhận rõ ý nghĩa về một biểu tượng đặc trưng của đất nước Hà Lan.
Trong lúc chờ đoàn, tôi tranh thủ dạo quanh một vòng làng quê thanh bình này. Ngoài khách du lịch tản bộ chụp hình quanh những khu vực có cối xay gió, nhiều người còn đạp xe qua những con đường mòn quanh cối xay gió. Theo lời của người dân địa phương, những chiếc cối xay sừng sững, hiên ngang kia được làm từ những loại gỗ quý do người dân địa phương vận chuyển theo đường thủy từ nơi khác về.
“Khi chúng quay hầu như đều cùng một nhịp, rất nhẹ nhàng và chậm rãi tựa như cuộc sống ở ngôi làng vậy. Du khách sẽ cảm thấy như đang đứng ở một thế giới, một thế kỷ khác, không ồn ào, phức tạp mà an yên và vô cùng ấm áp”, một người dân địa phương cho hay.
Câu chuyện guốc gỗ
Guốc gỗ là một đồ vật đặc biệt của người dân Hà Lan, đã trở nên phổ biến trong suốt 700 năm qua và là một bộ phận quan trọng cấu thành phục trang dân tộc của Hà Lan.
Sau khi khám phá những chiếc cối xay gió, đoàn chúng tôi đã có dịp tham quan, tìm hiểu về quy trình làm guốc gỗ ngay trong những ngôi nhà màu xanh của ngôi làng cối xay gió. Cả đoàn thích thú khi ngồi xem anh thợ làm guốc gỗ trình diễn quy trình để tạo ra một đôi guốc gỗ. Vừa làm, anh vừa giới thiệu với chúng tôi, nguồn gốc của những đôi guốc gỗ này.
Các em nhỏ thích thú khi xem nghệ nhân trình diễn quy trình sản xuất guốc gỗ tại làng Zaanse Schans |
Theo đó, xuất phát từ việc địa hình của nước Hà Lan bị thấp hơn so với mực nước biển nên đất nông nghiệp thường bị ngập úng. Vào mùa đông thì nước ứ đọng sẽ bị đóng băng vừa lạnh vừa trơn khiến cho công việc làm nông của nông dân gặp khó khăn. Do đó, người dân Hà Lan đã sáng chế ra những đôi guốc bằng gỗ có bít ở mũi chân như một đôi giày kín đáo với nhiều tính năng hữu ích như tiện di chuyển, giữ chân khô ráo, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.
Thậm chí vào ngày đông trời quá lạnh người ta có thể lót thêm rơm vào guốc cho ấm và êm chân. Ngoài ra, guốc gỗ cũng giúp những người vắt sữa bò bảo vệ được đôi chân của họ khỏi bị bò giẫm lên. Guốc gỗ còn được sử dụng nhiều trong các nhà máy, công xưởng…
Guốc gỗ được sáng tạo ở Hà Lan từ những năm 1570. Ban đầu guốc được làm thủ công bằng gỗ từ các loại cây như cây liễu, cây tần bì… và được sử dụng rất phổ biến. Đến khoảng thế kỷ 20, máy móc công nghệ hiện đại hơn nên xuất hiện những xưởng sản xuất giày gỗ bằng máy móc, cho năng suất cao hơn, mẫu mã, màu sắc cũng ngày càng đa dạng hơn.
Ngày nay, guốc gỗ được bày bán ở khắp nơi tại Hà Lan. Ngoài dùng để đi, guốc gỗ còn được biến tấu thành quà tặng lưu niệm như chiếc móc khóa, bình hoa… cho đến những chiếc guốc gỗ khổng lồ như chiếc thuyền với nhiều hoa văn họa tiết khác nhau để làm vật trang trí, điểm check - in cho du khách.
Bài, ảnh: QUANG VŨ