HÙNG VĨ TÂY BẮC

Kỳ 3: Giữa lòng chảo Điện Biên

Thứ Ba, 08/11/2022, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

TIN LIÊN QUAN:

Những người đến Điện Biên lần đầu thường dành nửa ngày hoặc 1 ngày để đi thăm các điểm di tích lịch sử thuộc Di tích quốc gia- Chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, một nơi khó có thể bỏ qua là Khu di tích Mường Phăng - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc trong chiến dịch Điện Biên lịch sử. 

Hướng dẫn viên giới thiệu cho Đoàn công tác Báo Bà Rịa-Vũng Tàu bức tranh Panorama tái hiện toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Hướng dẫn viên giới thiệu cho Đoàn công tác Báo Bà Rịa-Vũng Tàu bức tranh Panorama tái hiện toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Thăm Sở Chỉ huy tại Mường Phăng

Tháng 10, đã vào thu. Thêm ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên thời tiết Tây Bắc rất dễ chịu. Buổi sáng chỉ tầm 17 độ. Đường từ TP. Điện Biên Phủ lên Mường Phăng khoảng 40km được trải nhựa phẳng lì, uốn lượn qua nhiều ruộng bậc thang phủ vàng màu rạ. Dưới thung lũng hai bên đường những bản làng người Thái hiền hòa. Cung đường dù hơi chòng chành với khách miền xuôi nhưng bù lại nhẹ tênh nhờ thiên nhiên nguyên sơ, trong lành. 

Khởi hành từ TP. Điện Biên Phủ lúc 7 giờ 30, sau hơn 1 giờ đồng hồ ngồi xe, chúng tôi đến di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi dâng dương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi theo con đường mòn nhỏ băng rừng khám phá Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường dốc thoai thoải, được tráng bê tông. Những chỗ dốc hơn đều có bậc thang, nên rất dễ đi. Rừng cổ thụ che bóng mát. Suối uốn lượn, nước trong vắt.   

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở vị trí thuận lợi cho việc quan sát, chỉ huy tác chiến trên chiến trường lại bảo đảm yếu tố bí mật. Vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân thứ ba và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đường lên tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đường lên tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại đây, trong 105 ngày hoạt động (từ 31/1 đến 15/5/1954) , Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Chúng tôi lần lượt tham quan chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc, đài quan sát, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đường hầm xuyên núi nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, hầm của Ban cố vấn Trung Quốc, nhà hội trường, hầm Ban Chính trị, bếp Hoàng Cầm…

Gần 70 năm trôi qua, tất cả công trình tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được giữ gìn vẹn nguyên. Vách kết bằng phên nứa, bện thêm cỏ tranh tránh gió lùa và giấu bớt ánh sáng về đêm, mái lợp cỏ tranh. Giường nằm cũng ghép từ phên nứa. Dưới mái nhà tranh đơn sơ ấy, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định sáng suốt, linh hoạt nhất khi chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Dọc đường lên di tích, đồng bào Thái bày bán nhiều sản vật, cây thuốc tự trồng hoặc khai thác trong rừng. Cùng với chúng tôi, khu di tích hôm ấy cũng đón nhiều đoàn khách trong buổi sáng. Song, nơi đây không hề ồn ào, xô bồ. Người bán chào mời khách mua hàng bằng chất giọng nhỏ nhẹ. Du khách cũng trật tự theo hướng dẫn của thuyết minh viên. 

Nơi lưu giữ ký ức hào hùng

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Kiến trúc Bảo tàng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội năm xưa. Nơi đây trưng bày hơn 1.000 tài liệu, hiện vật, tranh ảnh khái quát sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là bức tranh Panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ”, được thiết kế hình mái vòm diện tích hơn 3.200m2, hoàn thành vào tháng 5/2022. Bức tranh được lên ý tưởng, thiết kế trong 9 năm, 200 họa sĩ vẽ đêm ngày trong 2 năm với hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ trong chiến dịch 56 ngày đêm làm nên Điện Biên Phủ của quân dân ta.

Du khách chụp hình lưu niệm tại khu vực lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Du khách chụp hình lưu niệm tại khu vực lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề rõ ràng gồm: “Toàn dân ra trận”- trường đoạn 1 với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng” - với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, giây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa. Trường đoạn 4 tái hiện khung cảnh hào hùng về “Chiến thắng Điện Biên” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên, với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. 

Tất cả được xâu chuỗi, kết nối tạo nên một bức tranh toàn cảnh về trận chiến Điện Biên Phủ, gây ấn tượng mạnh mẽ tới người xem. Nhiều du khách kinh ngạc trước công trình trên. 

Ông Nguyễn Thanh Toàn, đến từ Hà Nội chia sẻ, về chiến dịch Điện Biên Phủ và những trận đánh tiêu diệt cứ điểm của kẻ thù, thế hệ sinh ra trong thời bình chỉ đọc, học qua sách, tư liệu, phim… nên ngắt quãng, rời rạc. Bức tranh không chỉ là công trình để đời về quy mô, tâm huyết và công sức lao động, sáng tạo của con người, mà qua đó giúp ông hình dung được diễn biến, khí thế sục sôi, những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ gần 70 năm về trước. Cách thể hiện trên sẽ giúp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thu hút du khách và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Cùng với sự quan tâm của Trung ương và cả nước, quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được đầu tư, tôn tạo tái hiện chiến trường khốc liệt năm xưa, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. 
Năm 2009, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng với quần thể di tích gồm 45 điểm di tích thành phần. Trong đó, có các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo... Những di tích này để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên.

PHÚC LƯU - MỸ LƯƠNG

(Còn nữa)

;
.