Khám phá đất nước Thụy Điển

Thứ Sáu, 14/10/2022, 19:17 [GMT+7]
In bài này
.

Một nhà xã hội học Mỹ đã từng ví von: “Sinh ra ở Thụy Điển vào thế kỷ 20, thế kỷ 21 thì coi như đã trúng số”! Thậm chí một người trúng số cũng khó có được cuộc sống sung túc như ở Thụy Điển. Vì sao?

Vườn quốc gia Muddus, top 10 điểm du lịch khám phá nổi tiếng của Thụy Điển.
Vườn quốc gia Muddus, top 10 điểm du lịch khám phá nổi tiếng của Thụy Điển.

Thương hiệu toàn cầu 

Người Thụy Điển đang sở hữu rất nhiều “thương hiệu toàn cầu”: giải thưởng Nobel, độ C bách phân (Celsius), ban nhạc ABBA, xe hơi Volvo, tủ lạnh Electrolux, đồ nội thất IKEA, vodka Absolut, điện thoại di động Ericsson... Bản thân “mô hình Thụy Điển” cũng là một “thương hiệu” lừng lẫy - mô hình nhà nước của phúc lợi xã hội toàn dân, với GDP bình quân đầu người năm 2006 đạt 31.600 USD.

Trẻ em Thụy Điển được chăm sóc miễn phí từ khi còn trong bụng mẹ. Khi sinh ra, các em được gửi đến các nhà trẻ miễn phí. Lúc cắp sách đến trường, toàn bộ hệ thống giáo dục đều miễn phí. Hệ thống bảo hiểm sức khỏe đảm bảo mọi người được chăm sóc y tế, hỗ trợ thuốc men, thậm chí cả chi phí chăm sóc răng miệng. Người cao tuổi được nhà nước chăm lo đầy đủ. Thụy Điển có một hệ thống tài chính hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thất nghiệp, trả lương khi người lao động đau ốm, trợ cấp cho gia đình có trẻ con và nhiều hình thức hỗ trợ xã hội khác...

Hệ thống phúc lợi xã hội tốt dựa trên việc đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao, nhằm chia sẻ lợi ích giữa các tầng lớp xã hội, bảo đảm mọi công dân dù trong hoàn cảnh nào cũng hoàn toàn yên tâm về những bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản.

Người Thụy Điển được xếp vào nhóm những người đọc báo nhiều nhất thế giới. Cả nước có khoảng 170 nhật báo với hơn 4 triệu bản in. Internet phổ cập đến 90% người dân. Nước này áp dụng chính sách giáo dục song ngữ, mỗi học sinh được học tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, nên người trẻ Thụy Điển có thể đi khắp nơi làm công dân toàn cầu.

Cuộc sống no đủ nên ngay cả những người bán hàng ăn trên phố cũng “dọn gánh” rất sớm. Phần lớn các tiệm ăn chỉ buôn bán đến xế chiều. Sau 18 giờ, cửa hàng cửa tiệm đều cửa đóng then cài, chỉ số ít siêu thị, nhà hàng, vài trung tâm thương mại còn mở đến 21 giờ.

Quốc hội Thụy Điển chiếm hơn một nửa là nữ. Phụ nữ được làm hết thảy mọi nghề, kể cả làm quân nhân. Mọi hành vi xâm phạm phụ nữ đều bất hợp pháp. Quảng cáo tìm người theo giọng điệu “ưu tiên nam giới” sẽ bị kiện ra tòa vì tội phân biệt giới tính. Hằng năm, các công ty phải báo cáo so sánh mức lương của mọi nhân viên, nếu bị phát hiện trả lương thấp hơn cho phụ nữ là bị lôi ra tòa ngay. Phụ nữ khi sinh con được nghỉ hưởng lương rất dài (cả cặp vợ chồng được thay phiên nhau nghỉ đến một năm, trong đó buộc người chồng phải nghỉ ít nhất hai tháng để chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con).

Thụy Điển có nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nhất là trước và sau khi sinh, đặc biệt là với những bà mẹ nuôi con đơn thân.

Mùa hè “miễn phí”
Mưa thường kéo dài suốt 4 mùa ở nhiều khu vực của Thụy Điển, nhưng người dân hiếm khi phàn nàn về thời tiết. Họ chọn cách chấp nhận và chung sống với những điều không thể thay đổi trong môi trường tự nhiên.
Mùa hè là mùa yêu thích của người Thụy Điển. Mùa này không chỉ có nghĩa là “sự thăng hoa của thời tiết”, mà còn là “những đêm đông đen tối cuối cùng đã biến mất”. Ở Thụy Điển vào mùa hè, mưa cũng ít hơn.
Trong lễ hội mùa hè, chính phủ Thụy Điển chi một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp cho những ai muốn vào rừng.
Vào mùa hè, Đường sắt Thụy Điển sẽ phát hành vé giảm giá đặc biệt Summer Ticket để khuyến khích người dân ra ngoài đi chơi. Thụy Điển cũng tổ chức nhiều lễ hội mùa hè để người dân vui chơi.
Lễ hội quan trọng nhất trong mùa hè và trong năm, sau lễ Giáng sinh là Midsummer. Lễ hội diễn ra trong tuần cận Hạ chí, mọi người có thể nhìn thấy “mặt trời lúc nửa đêm” (hiện tượng đêm trắng, tức ban ngày kéo dài 24 giờ).
Ngoài việc ăn mừng mặt trời suốt đêm, người Thụy Điển còn tổ chức lễ Midsummer bằng cách hái hoa tươi theo mùa và dệt vòng hoa. Trong mắt người Thụy Điển, cây cối trong đêm Midsummer có phép thuật. Thực vật có thể chữa lành con người, cũng sở hữu năng lực dự đoán tương lai.
Có rất nhiều truyền thuyết về đêm Midsummer. Truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất là nếu một cô gái hái 7 bông hoa khác nhau trong đêm Midsummer và đặt chúng dưới gối, cô ấy sẽ mơ thấy người chồng tương lai của mình. Để duy trì tác dụng kỳ diệu của cây cối, trong toàn bộ quá trình hái, các cô gái không được phát ra tiếng động.
Đôi khi người ta còn phơi khô những vòng hoa hái vào giữa mùa hè rồi cất giữ cho đến mùa đông. Nguyên liệu làm vòng hoa đều lấy từ thiên nhiên, được hái hoa bất cứ lúc nào.

Gìn giữ thiên nhiên

Thụy Điển nằm trên bán đảo Scandinavia ở Bắc Âu. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Thụy Điển là Stockholm (dân số 783.000 người), diện tích 449.964 km². Theo Tạp chí The Economist, Thụy Điển đứng đầu về chỉ số dân chủ trên thế giới và đứng thứ bảy theo đánh giá của Liên hợp quốc về chỉ số phát triển con người.

Khí hậu của Thụy Điển tương đối ôn hòa do gần Đại Tây Dương với dòng hải lưu ấm áp. Nhiệt độ ít thay đổi giữa mùa đông và mùa hè. Tuy nhiên phía bắc nhiều núi nên mùa đông lạnh và tuyết rơi nhiều hơn so với miền nam.

Thụy Điển được thiên nhiên ban tặng những khu rừng lá kim ôn đới hiếm nơi đâu bì được. Hiểu được điều này, người dân Thụy Điển đã dành hết sức mình để bảo vệ những khu rừng. Ngày nay, có đến 70% diện tích Thụy Điển là rừng.

Hệ động thực vật khá phong phú và có nhiều loài đặc sắc. Đáng kể nhất là hai đảo Gotland và Oland có hệ thực vật đa dạng rất ấn tượng, đặc biệt là có rất nhiều loài hoa lan, cả phong lan, địa lan, thạch lan.

Người Thụy Điển rất yêu hoa lan cũng như ý thức bảo vệ thiên nhiên rất cao nên các loài lan trong tự nhiên luôn phát triển rất tốt.

Cũng nhờ các khu rừng được giữ gìn hầu như nguyên vẹn nên lợn rừng và hươu đỏ tới nay vẫn còn rất nhiều. Những năm gần dây các loài dã thú như gấu, sói và linh miêu đã phát triển trở lại, không còn bị săn bắt như vào thời kỳ nửa thế kỷ trước. Ngay từ năm 1910 Thụy Điển đã là quốc gia đầu tiên của châu Âu thành lập các vùng bảo vệ thiên nhiên.

Đến Thụy Điển, du khách rất ngạc nhiên trước những đàn ngỗng trắng đẹp tuyệt vời thản nhiên bơi lội trong dòng nước chảy dọc theo đường đi. Không ai xua đuổi, bắt chúng cả. Bồ câu cũng rất nhiều, rất thân thiện với con người. Cảnh những con bồ câu đậu vào vai du khách không có gì là lạ.

Từ năm 1994, luật pháp Thụy Điển đã quy định: Bất kể mỗi người đều có thể sở hữu đất tư nhân, nhưng căn cứ theo “Quyền tự do đi lang thang” mọi người đều dễ dàng tự do tận hưởng thiên nhiên.

Đây không chỉ là đặc quyền của công dân Thụy Điển, khách du lịch cũng có quyền tận hưởng thiên nhiên, quyền tự do dạo chơi cho phép mọi người tự do trải nghiệm mọi thứ trong thiên nhiên: bơi trong hồ, leo núi, cắm trại dưới bầu trời sao.

Ngoài các hoạt động ngoài trời, “Quyền tự do đi lang thang” cũng khuyến khích mọi người tìm kiếm những “món ngon” trong tự nhiên: nấm, việt quất, nam việt quất và các loại rau quả tươi.

Ngoài ra, pháp luật quy định tài sản cá nhân không được làm ảnh hưởng đến quyền tận hưởng thiên nhiên của mọi người. Con người có thể sở hữu đất đai, nhà cửa, ao hồ nhưng không được sở hữu thiên nhiên, vì nó tài sản chung của con người. Mối quan hệ giữa tự nhiên và con người luôn rất khăng khít. Các loài động vật hoang dã như sóc và cáo tung tăng trong thành phố, người dân xem chúng là một phần trong cuộc sống.

Trên trang website chính thức của Tổng cục Du lịch Thụy Điển cũng có một mục đặc biệt giới thiệu về “Quyền tự do đi lang thang” như: Thụy Điển không có tháp Eiffel. Không có thác Niagara hay Big Ben… Nhưng Thụy Điển có một thứ khác - Tự do đi lang thang.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.