.
BÚT KÝ

Trở lại đất nước Chùa Vàng

Cập nhật: 15:08, 30/09/2022 (GMT+7)

Năm 2022, đại dịch cơ bản được kiểm soát, cửa khẩu đường bộ, đường thủy, đường không thông thoáng. Du khách quốc tế chưa thật  nhộn nhịp, nhưng du lịch nội địa  đã khởi sắc, kinh tế được cởi trói, hồi sinh. Việt Nam và Thái Lan  du lịch nhanh chóng trở lại bình thường, không ít điểm du lịch doanh thu vượt trội, so với  trước đại dịch. Các cuộc giao lưu báo chí Việt Nam & Thái Lan cũng được khởi động!

Nhà báo Phạm Quốc Toàn (phải) và Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan, 7/9/2022.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn (phải) và Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan, 7/9/2022.

Hơn chục năm nay, tôi là một trong số ít những nhà báo Việt Nam đến Thái Lan nhiều lần và cũng đã nhiều lần đón các đồng nghiệp Thái Lan thăm Việt Nam. Các sự kiện đi và đến được ghi lại trong tập du ký “Xứ sở Chùa Vàng”. Hai lần gần đây nhất tôi đến thăm Thái Lan là ngày 28/8/2018 và 9/3/2019.

Chuyến đến thăm Thái Lan lần này, từ 7 đến  11/9/2022 cùng các đồng nghiệp Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng, cựu phóng viên ảnh TTXVN Trần Hữu Minh. Sau 65 phút bay – tương đương chặng bay TP.Hồ Chí Minh – Đà Nẵng, chuyến bay VN.6803 hạ cánh sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Hậu đại dịch sân bay quốc tế ở Bangkok chưa thật đông khách, ngăn nắp, trật tự. Điều chúng tôi cảm nhận đầu tiên, trong tháng 9 này nước bạn đã bãi bỏ thủ tục khai báo nhập cảnh rườm rà, rằng vào Thái thì ở khách sạn nào, nhập cảnh nhằm mục đích gì, ở lại Thái bao lâu v.v…

Suy cho cùng thủ tục rườm rà ấy cũng chẳng đem lại lợi ích gì về an ninh. Chúng tôi thực hiện nhập cảnh, với các thủ tục hải quan nhanh gọn. Một nhóm đồng nghiệp thân thiết Thái ra sân bay đón đồng nghiệp Việt Nam, khoác lên vai khách quý vòng hoa màu vàng tươi mới – nghi lễ dành cho những người bạn quý. Những cái bắt tay, ôm hôn hồ hỡi, chẳng còn nghị ngại con vi khuẩn COVID-19. Bạn nói: “Vui quá đỗi, xin  chào những người bạn quý Việt Nam trên cả tuyệt vời!”.

Từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi chúng tôi đi thẳng tỉnh Kanchanaburi, cách thủ đô Bangkok 160 km. Kanchanaburi, tiếng Thái có nghĩa là thành phố Vàng, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Địa phương này có núi rừng, sông hồ, vựa lúa gạo và tôm cá, nhiều điểm du lịch nổi tiếng, nhiều khoáng sản quý, cửa ngõ ở hướng Tây thông thương với các quốc gia Nam Á, trong đó có Myanmar. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kanchanaburi ông Jaran Rungmanee và giáo sư báo chí Chotima Phrommi đã chuẩn bị trên xe đủ các loại bánh trái, thức ăn ngon, thêm hộp cơm đặc biệt phòng khách đường xa  bị đói? Hai năm gặp lại, chuyện gần, chuyện xa, chuyện tình yêu, đùa giỡn  thật rôm rả.

21 giờ 7/9/2022, chúng tôi tới trung tâm TP. Kanchanaburi. Nhà hàng ven sông tề tựu đông đủ các đồng nghiệp Thái thuộc Hội nhà báo tỉnh, lãnh đạo và phóng viên đài  phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, phóng viên thường trú các báo có trụ sở tại Bangkok. Những cái xiết chặt tay, những bó hoa tươi thắm bạn đồng nghiệp Thái dành cho các đồng nghiệp Việt Nam. Vì thời gian đã muộn, do chúng tôi là những bạn bè, đồng nghiệp thân quen, cuộc đón tiếp diễn ra thân tình, không nghi lễ. Bạn Thái vừa rất quý khách, vừa như muốn trình diễn ẩm thực địa phương, nhiều món ăn lạ, ngon, nóng sốt của vùng sông nước – nông nghiệp xanh, sạch  - được bày lên bàn, món nào cũng đậm hương vị ẩm thực Thái, nhiều nhất  là các món chế biến từ cá nước ngọt đánh bắt  từ sông Khoe.

Chúng tôi thật sự cảm động, có những đồng nghiệp Thái thân tình từ các Hội nhà báo thuộc khu vực miền Bắc, Đông Bắc – những nơi mà Thầu Chín – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có những năm bôn  ba hoạt động cách mạng cứu nước cứu nhà.  Đường xa vời vợi  400 – 500 – 600 km đã phóng xe về Kanchanaburi đón tiếp bạn Việt Nam. Sau những câu chuyện thân tình của những người bạn sau nhiều ngày gặp lại,  Chủ tịch Hội Nhà báo Kanchnaburi ông Jaran Rungmanee cùng chúng tôi đứng dậy vỗ tay, thay cho lời chào ngắn gọn, xúc động:

-  Nỗi mừng khôn xiết, hôm nay những người bạn thân thiết gặp lại nhau. Sau dịch bệnh, chúng ta vẫn sống và sống khỏe, tay trong tay cùng chung trái tim nghề nghiệp. Chúc các bạn Việt Nam và Thái Lan đêm nay ngủ ngon, để ngày mai  chúng ta cùng khám phá Thành phố Vàng, nền báo chí Vàng  chúng ta!

Gần 23 giờ 30, tiếng vỗ tay dào dạt. Nghĩa tình bè bạn và đồng nghiệp  đong đầy bao kỷ niệm giàu cảm xúc, đọng lại cùng điệu múa xòe – Lăm Vông của Thái.

Tham quan cánh đồng mẫu - trồng lúa nước thời nông nghiệp hữu cơ tại Thái Lan.
Tham quan cánh đồng mẫu - trồng lúa nước thời nông nghiệp hữu cơ tại Thái Lan.

Đầu giờ sáng 8/9/2022, đoàn nhà báo Việt Nam đến dinh Tỉnh trưởng tỉnh Kanchanaburi. Căn phòng làm việc nhỏ gọn, đơn sơ. Bên phải bàn tiếp khách và làm việc là phòng thờ Phật – Phật giáo là Quốc đạo của Thái Lan. Vị Tỉnh trưởng trẻ  năng động, làm nhiều hơn nói,  Tỉnh trưởng đứng tiếp khách, tâm tình, trò chuyện thân mật, chút chút lại nói xen câu tiếng Việt: “Cảm ơn các bạn”, “Xin chào!”. Thi thoảng thư ký riêng của Tỉnh trưởng lại chạy vào cung kính báo cáo với sếp điều gì đó. Chúng tôi được biết đại diện cơ quan Văn phòng Chính phủ có công vụ gấp  với Tỉnh trưởng đang tới phòng khách,  không kịp xếp lịch trước.

Tỉnh trưởng Kanchanaburi lịch lãm, nắm rất chắc tình hình  kinh tế - xã hội  trên địa bàn, của nước Thái, am tường tình hình Việt Nam, nhiều lần đến TP.Hồ Chí Minh, Hà nội, Đà Nẵng khảo sát chương hợp tác kinh tế Việt – Thái. Ông nói:

-  Hợp tác để phát triển là con đường duy nhất đúng. Tôi sẽ trở lại Việt Nam và các bạn lại qua đây, chúng ta phối hợp phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp theo tiêu chỉ 4.0.  Báo chí và giới doanh nghiệp hai nước lập lộ trình phát triển.

Rời dinh Tỉnh trưởng, chúng tôi tham quan danh thắng sông Khoe, con sông bắt nguồn từ dãy núi cao ở Myanmar, chảy qua 4 tỉnh của Thái Lan. Người Thái tự hào về dòng sông Khoe, biểu tượng  tinh thần đấu tranh  chống  xâm lược nước ngoài hơn 7 thập niên trước.  Giáo sư báo chí  Đại học Bangkok, bà Chotima Phrommi thuộc lịch sử, địa lí như lòng bàn tay. Giáo sư  chỉ tay về mấy toa xe lửa và cây cầu sừng sững bắc qua dòng sông:

-  Năm 1944, hàng ngàn lính Nhật đổ về chiếm đóng 2 bờ  sông Khoe. Họ bắt phu người Thái và các quốc gia đưa về đây làm con đường sắt nối liền Thái Lan và Myanmar. Hàng vạn  nhân công được huy động đến sông Khoe  làm đường, xây cầu. Đói rét, bệnh tật, lao động như những nô lệ, nhiều người bỏ xác  bên dòng sông này!

Chúng tôi thăm nhà bảo tàng thành phố, thăm nghĩa trang sông Khoe, nơi có 5.000 nấm mộ của các phu làm đường, quá nửa là người Thái. Nghĩa trang cũng là một phần của bảo tàng, minh chứng tội ác của chủ nghĩa phát xít.

Các nhà báo Việt Nam  thăm trung tâm sản xuất đá quý Kim Nay – tên riêng của một phụ nữ tiêu biểu, đi tiên phong trong phong trào hỗ trợ trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, chủ cơ sở sản xuất đá quý nổi tiếng. Bà dạy trẻ chế tác đá quý, có nhiều ha đất trồng lúa nước, đào tạo  cách làm nông nghiệp 4.0.

Hoạt động du lịch và báo chí Thái Lan phong phú, đa dạng, mỗi lần tôi đến xứ sở Chùa vàng là thêm một trải nghiệm mới thú vị. Tại Trung tâm truyền hình quốc gia Thái khu vực 8 – miền Trung, nữ Tổng giám đốc trẻ vừa từ Tổng cục Truyền thông ở Bangkok tới đây nhận nhiệm vụ buổi chiều tối thì sáng sớm 8/9 đã vui vẻ tiếp đón các nhà báo Việt Nam. Nữ Tổng Giám  hồ hỡi mà rất khiêm nhường:

-  Thưa các bạn Việt Nam, tôi là lính mới tại đây, có thể chưa thật am tường hoạt động của truyền hình khu vực 8, xin các  bạn lượng thứ. Làm truyền hình ở Thái Lan  là trong khuôn phép, Chính phủ khuyến khích tự do ngôn luận nhưn g thông tin cơ bản thì minh bạch, được quản lý. Chính phủ khuyến khích truyền hình thúc đẩy du lịch, văn hóa, nông nghiệp, cổ súy  tinh thần đoàn kết, hợp tác của Thái Lan trong gia đình  ASEAN. Các bạn Việt Nam đến đây là sự tuyệt vời của tinh thần hợp tác!

Câu chuyện của chúng tôi với đồng nghiệp Thái tại phòng họp và cả lúc đi tham quan khu vực phim trường, biên tập, phỏng vấn, tác nghiệp điện tử truyền hình xen lẫn nhiều câu chuyện làm nghề thú vị được chính nữ tân Tổng giám đốc cởi mở, chia sẻ. Như để minh chứng cho hoạt động báo chí và du lịch, báo chí và nông nghiệp xanh,  các nhà báo Việt Nam được đồng nghiệp Thái hướng dẫn tới thăm hình mẫu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bên những cánh đồng lúa nối vụ tại tỉnh Suphanburi, cách thủ đô Bangkok 90 km.

Ông chủ Trung tâm du lịch nông nghiệp có bà ngoại là công dân thành phố Huế, của Việt Nam. Cậu con trai út của ông đang học tại một trường đại học danh tiếng của Thái Lan đang có người yêu là công dân TP.Hồ Chí Minh. Ông đã dành cho chúng tôi cuộc đón tiếp tình thân quê nhà, ấm áp, với bữa tối lãng mạn ẩm thực Thái và Việt bên ngã ba sông Suphanburi. Đây là nơi hội ngộ, cũng là trung tâm học tập, nghiên cứu  dành cho học sinh, sinh viên đến từ Bangkok và khu vực miền Trung trau dồi kiến thức về nông nghiệp sạch; cũng là nơi giao lưu giữa báo chí với các chuyên gia kỹ thuật lúa nước thời nông nghiệp hữu cơ…

Năm ngày trên đất Thái, một chuyến đi – một cuộc trải nghiệm – thêm những trang du kí  nghề báo lý thú, gặt hái nhiều thu hoạch thời  hậu đại dịch COVID-19.

Bút ký PHẠM QUỐC TOÀN

.
.
.