Du lịch Đông Nam Á đang phục hồi
Các chuyên gia nhận định, ngành du lịch của khu vực Đông Nam Á đang dần phục hồi sau khi chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19. Một số nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... tiếp tục bỏ nhiều hàng rào phòng dịch khi nhập cảnh, kết hợp tăng cường quảng bá để thu hút du khách quốc tế quay trở lại.
Gia tăng khách đến từ Mỹ
Jane Lim, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường toàn cầu tại Tripadvisor thông tin, các quốc gia sớm loại bỏ hạn chế liên quan đến đại dịch đã thành công trong việc thu hút khách du lịch: “Du khách đang đến thăm các điểm đến mới, nơi mà vốn trước đây họ có thể không xem xét đến, trong khi một số du khách có thể ghé lại các điểm đến này trong tương lai”.
Du khách nghỉ dưỡng tại Boracay- Philippines. |
Theo kết quả khảo sát gần đây của Tripadvisor, 49% người Singapore cho biết các quy định về du lịch là nỗi lo hàng đầu của họ khi lên kế hoạch cho các chuyến du lịch sắp tới.
Lavinia Rajaram, phụ trách quan hệ công chúng của Expedia Group Brands khu vực châu Á cũng cho hay, lượng đặt chỗ cho chuyến du lịch từ Singapore đến Thái Lan trên nền tảng của họ đã tăng 94% trong tuần, sau khi Thái Lan công bố nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch vào tháng 5.
Nhà kinh tế Krystal Tan của ANZ châu Á nhấn mạnh rằng, việc nới lỏng hơn nữa hạn chế trong nước và quốc tế của Thái Lan đã thúc đẩy lượng khách lên đến 1,1 triệu lượt vào tháng 7, tức chiếm khoảng 1/3 (33,8%) so với năm 2019, tức mức tiền đại dịch.
Được biết, phần lớn các chuyến đi diễn ra trong khu vực, trong đó các chuyên gia nhấn mạnh rằng “du lịch nội Á chắc chắn đã tăng trưởng hàng tháng trong nửa đầu năm 2022”. Theo dữ liệu chuyến bay của Expedia, Thái Lan và Singapore lần lượt đứng thứ hai và thứ ba về nhu cầu của khách du lịch trong nước ở Đông Nam Á, với lần lượt là 15% và 5%.
Mỹ vẫn là nguồn du khách hàng đầu. Cụ thể, trong mùa hè vừa qua, các nền tảng du lịch thống kê lượng khách Mỹ đến châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tăng. Trên Tripadvisor, nhóm khách không thuộc châu Á - Thái Bình Dương cũng tìm điểm đến trong khu vực cao hơn 75% so với hồi tháng 1.
Từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay, các tìm kiếm trên Expedia của những du khách không thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến khu vực này vào tháng 7 và tháng 8 đã tăng 115% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, khách từ Ấn Độ, châu Âu đã và đang tạo thành một lượng đáng kể đến Đông Nam Á. Trong đó một phần lớn nhu cầu đặt thuê phòng là đến từ du khách Mỹ và châu Âu.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi du lịch
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, sự tiếp tục vắng mặt của dòng khách Trung Quốc - nguồn khách chính của nhiều điểm đến trong thời điểm trước đại dịch - sẽ hạn chế sức mạnh và tốc độ của sự phục hồi.
“Thời gian cách ly bắt buộc kéo dài khi nhập cảnh trở lại đất nước, cộng với đó là nhiều lần đóng cửa các trung tâm hành chính và sau đó là việc người Trung Quốc không muốn du lịch nước ngoài” đã khiến thị phần khách Trung Quốc đến các điểm du lịch hàng đầu tại APAC giảm xuống còn khoảng 3,5%.
Năm 2019, Trung Quốc là quốc gia đóng góp nhiều nhất về lượng khách đến Thái Lan và Việt Nam, lần lượt chiếm khoảng 28% và 32% tổng lượng khách của 2 nước.
Trước tình hình này, các nước đã nhanh chóng xem xét điều chỉnh chính sách phòng dịch, bên cạnh hướng đến các dòng khách khác để đảm bảo tiến trình phục hồi của ngành du lịch trong nước nói riêng và khu vực nói chung.
Văn phòng Thủ tướng Thái Lan vừa tuyên bố sẽ hạ cấp COVID-19 từ “bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” xuống “bệnh truyền nhiễm được giám sát” từ ngày 1/10 tới. Người phát ngôn của Chính phủ cho biết Thái Lan có đủ nguồn dự trữ vắc xin và phần lớn dân số đã được tiêm chủng. Trước đó, Thái Lan cũng loại trừ COVID-19 khỏi danh sách các bệnh bị cấm khi nhập cảnh hoặc cư trú tại quốc gia này.
Thái lan cũng lên kế hoạch tiếp thị cho năm 2023 bao gồm nhắm mục tiêu đến các thị trường khách mới như Saudi Arabia và các thành phố thứ cấp ở Mỹ, cũng như thúc đẩy việc nhập cảnh vào Thái Lan thông qua đường hàng không, đường bộ và đường biển.
Các sản phẩm du lịch tại đây cũng đang được nâng cao để thu hút khách du lịch. Ngoài việc sử dụng hình ảnh các khu nghỉ dưỡng bãi biển cao cấp và du lịch khám phá di sản, văn hóa và thiên nhiên, ngành du lịch sẽ thúc đẩy một số phân khúc cao cấp như chơi golf, MICE (hội họp, hội nghị, triển lãm), du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch mạo hiểm.
Hiện các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống đang điều chỉnh và sửa đổi sản phẩm để phù hợp với du khách phương Tây, những người thích đi du lịch theo cá nhân hoặc nhóm nhỏ…
Bộ Du lịch Indonesia thì lên kế hoạch thu hút nhiều “digital nomad” (người du mục kỹ thuật số: sống theo cách du mục trong khi làm việc từ xa thông qua công nghệ và Internet) hơn đến các bờ biển nhiệt đới ở đây. Indonesia sẽ cấp visa văn hóa - xã hội tối đa 6 tháng cho những du khách theo diện này. Ý tưởng trên đang được Hội đồng du lịch Bali đón nhận tích cực và họ tin rằng sẽ tác động đến sự phục hồi kinh tế của đất nước. Hội đồng du lịch Ba li cũng sẽ đề nghị chính phủ đưa ra quy định rõ ràng hơn về một khoản thuế nhất định cho nhóm du khách làm việc từ xa.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tìm cách khai thác các cơ hội làm việc từ xa. Philippines đang cung cấp các gói “làm việc” tại khu nghỉ mát Boracay, trong khi Malaysia công bố các quy định trong tuần này cho phép những người du mục kỹ thuật số đủ điều kiện ở lại trong 12 tháng.
Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang nỗ lực hết mình để khi dòng khách Trung Quốc trở lại, sẽ vẫn là dòng khách tiềm năng, đóng góp lớn vào tiến trình phục hồi và phát triển của toàn khu vực.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)