Học nghề cứu người
Bà Rịa-Vũng Tàu có đường bờ biển dài, các hoạt động du lịch chủ yếu gắn với bãi biển. Vì vậy đã từ rất lâu, ngành du lịch luôn quan tâm công tác bảo đảm an toàn cho khách tắm biển.
Ông Nguyễn Văn Thoản, 25 năm làm cứu hộ tại Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu phổ biến nội quy, chương trình học cho học viên. |
Mỗi năm, tỉnh đều mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cứu hộ. Đứng lớp giảng dạy là những cứu hộ viên lâu năm trong nghề vừa truyền dạy lý thuyết, kinh nghiệm thực tế tích lũy và đạo đức làm nghề. Nhờ vậy, năng lực cứu đuối tăng dần, chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ cứu hộ giỏi nghiệp vụ, yêu nghề đã góp phần hạn chế rủi ro, tai nạn cho người tắm biển, đồng thời xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Trần Hữu Bảo Luyện hướng dẫn động tác vác xốc nước. |
Sau khi cứu vớt nạn nhân vào bờ, học viên tiếp tục kiểm tra mạch, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân. |
Năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào hồi phục du lịch hậu dịch với thành quả rất khả quan, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thu hút khách nội địa. Do vậy, việc nâng cao năng lực cứu đuối lại càng cấp thiết. Từ ngày 16/9, Sở Du lịch khai giảng khóa dạy nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn cho cứu hộ đang làm nhiệm vụ cứu hộ bờ biển tại Ban Quản lý KDL địa phương, nhân viên cứu hộ hồ bơi, bãi tắm trong các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh.
Học viên trong bài tiếp cận người bị đuối nước từ phía sau. |
Lớp học thu hút hơn 80 người học trong thời gian 3 tuần. Dự kiến bế giảng, trao chứng nhận hoàn thành khóa học vào ngày 11/10. Phóng viên Báo Vũng Tàu Chủ nhật ghi lại những hình ảnh đẹp tại lớp học.
KIM VINH (Thực hiện)