.

Hợp tác và liên kết trong phát triển du lịch

Cập nhật: 19:00, 27/06/2022 (GMT+7)

(Trích phát biểu của Giám đốc Sở Du lịch Trịnh Hàng tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW)

Hợp tác, liên kết phát triển vùng nhất là liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng, không những đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương thông qua việc hỗ trợ và bổ sung sản phẩm về du lịch, tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh góp phần tạo sự cạnh tranh với các vùng khác, mà còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần, người dân có thu nhập cao như vùng ĐNB.

Hợp tác, liên kết vùng là cơ hội để thu hút đầu tư giữa những địa phương trong vùng và với các địa phương bên ngoài vùng; tạo cơ hội để trao đổi, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; quản lý; tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của Vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, ngành du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng và đạt được những kết quả nhất định như: Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025 giữa 6 tỉnh, thành trong vùng (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh); ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Song song đó, đã phối hợp với Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh khảo sát các tour, tuyến du lịch phục vụ khách du lịch bằng tàu biển; liên kết rà soát về danh mục các chủ đầu tư của TP.HCM đang đầu tư dự án tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tham gia các hội chợ xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các địa phương…

Một số doanh nghiệp du lịch như khách sạn, nhà hàng, điểm đến du lịch đã tổ chức liên kết tạo ra các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới nhằm giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước…

Đồng thời, hàng năm Hiệp hội Du lịch của các địa phương phát động các đợt kích cầu du lịch kết nối giữa các địa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động du lịch ở các địa phương trong vùng sử dụng sản phẩm dịch vụ đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. Xây dựng môi trường du lịch an toàn thân thiện, hướng tới phát triển du lịch có trách nhiệm, hạn chế tối đa tình trạng hạn chế trong kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch BRVT đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành ở các vùng lân cận như thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội cùng các tỉnh: Đăk Lăk, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận.

Tuy nhiên, các hoạt động hợp tác và liên kết vùng trong phát triển kinh tế du lịch vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Nhất là chưa hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm và phân chia thị trường phù hợp với khả năng, lợi thế của từng địa phương mà nguyên nhân là do chưa có qui định cụ thể về quy chế hợp tác, liên kết vùng dẫn đến các hoạt động hợp tác, liên kết còn lõng lẽo và còn mang nặng tính hình thức, chưa có cơ chế khuyến khích các địa phương trong vùng tham gia sâu.

Du thuyền di chuyển dọc Bãi Trước. Ảnh: KHỞI NGUYỄN
Du thuyền di chuyển dọc Bãi Trước. Ảnh: KHỞI NGUYỄN

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh vai trò của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trong hợp tác, gắn kết với các địa phương trong vùng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch; xây dựng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm đặc trưng, ngành Du lịch cũng như tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện một số nội dung, cụ thể như:

Tiếp tục coi liên kết vùng là trọng tâm phát triển du lịch. Tập trung liên kết hiệu quả hơn các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ và mở rộng ra các vùng khác như Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ nhằm khai thác hiệu quả hơn các sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng các loại hình du lịch, tăng tính cạnh tranh của vùng…từ đó các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có điều kiện mở rộng thị trường.

Thúc đẩy hoạt động liên kết hiệu quả hơn nhằm đạt được hai mục tiêu lớn là quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng Đông Nam bộ trên kênh truyền thông quốc tế.

Ban hành các quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khuyến khích Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch, chủ động liên kết, hợp tác nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hỗ trợ trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ.

(* Tựa đề do Tòa soạn đặt)

.
.
.