Biến du lịch Vũng Tàu từ tiềm năng thành mũi nhọn kinh tế (*)
(Trích phát biểu của ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW)
Trong 7 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Vũng Tàu là đô thị biển có vị trí địa lý 3 mặt giáp biển. Đây là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Vị trí này cho phép TP. Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển khác biệt với các đô thị công nghiệp - dịch vụ khác như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển; có điều kiện phát triển các tuyến giao thông đường thủy. Với lợi thế và tiềm năng như vậy, TP. Vũng Tàu xứng đáng là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp dầu khí của tỉnh và của vùng Đông Nam Bộ.
Năm 2005, quy hoạch chung TP. Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, sau đó các quy hoạch phân khu dần được phủ kín, là cơ sở pháp lý, tiền đề cho việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 53 một cách hiệu quả.
Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh. 100% tuyến đường giao thông chính đã được bê tông nhựa hóa; hơn 90% ngõ, hẻm được nâng cấp khang trang. Các tuyến QL51A (đường 30/4), QL51B (đường 2/9) và QL51C (đường 3/2) là những tuyến đường huyết mạch được đầu tư mới đã tạo điều kiện cho Vũng Tàu phát huy lợi thế, tiềm năng, nhất là ngành du lịch.
Với việc quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư hiệu quả, đến năm 2013, Vũng Tàu được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đánh dấu bước trưởng thành của cả tỉnh và thành phố.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện thành phố vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, tuy được công nhận là đô thị loại I từ năm 2013, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa phát triển xứng tầm với một đô thị biển hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các cơ sở dịch vụ phục vụ cho kinh tế biển và du lịch biển phù hợp.
Thứ hai, việc đô thị hóa dọc các tuyến 3/2 và 2/9 chưa đạt như kỳ vọng, cấu trúc đô thị khu vực phía Đông Bắc thành phố vẫn chưa được định hình. Hành lang ven biển từ Chí Linh đến Cửa Lấp gần như chưa được khai thác hiệu quả. Khu vực Long Sơn và Gò Găng chưa phát triển.
Thứ ba, hệ thống giao thông, kết nối vùng mới chỉ có tuyến QL.51 là tuyến chính. Hệ thống các đường kết nối bên ngoài thành phố như đường vành đai, đường cao tốc, đường sắt... chưa được đầu tư. Các trục giao thông dọc tuy đã được đầu tư nhưng hệ thống đường trục ngang kết nối còn thiếu. Giao thông công cộng chưa phát triển, tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số khu vực, nhất là các ngày cuối tuần, các dịp lễ. Hệ thống thoát nước đến nay mới chỉ đáp ứng cho khu vực phía Nam, còn khu vực phía Bắc chưa có hệ thống xử lý nước thải. Dịch vụ du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng và vị thế hiện hữu, chưa tạo ra giá trị xứng đáng với tiềm năng và lợi thế.
Thứ tư, thành phố có tốc độ đô thị hoá cao nhưng quỹ nhà ở xã hội cho các đối tượng còn rất ít, không đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển. Những năm gần đây, tốc độ đầu tư các dự án đã nhanh hơn rất nhiều nhưng quỹ nhà, đất tái định cư quá ít là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ của các dự án phát triển đô thị.
Trước tình hình đó, TP. Vũng Tàu xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới đó là:
Một là, phải xác định tập trung cho công tác đầu tư phát triển cho thành phố xứng đáng là đô thị duy nhất trong vùng Đông Nam bộ; là thành phố có chất lượng sống tốt để đảm bảo cung cấp các dịch vụ nhà ở, nghĩ dưỡng cao cấp trong vùng. Đảm bảo là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp trong tỉnh và cả vùng đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo và nhân lực phục vụ du lịch chất lượng cao.
Hai là, quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm các quy hoạch để tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư phát triển không gian đô thị, nhất là các khu vực như: Bắc Vũng Tàu, Đảo Long Sơn, Gò Găng và khu vực Bắc Phước Thắng, các không gian du lịch quan trọng tại Bãi Sau, Chí Linh Cửa Lấp, núi Lớn - núi Nhỏ.
Ba là, phát triển các không gian, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch mới để đưa du lịch từ một tiềm năng trở thành một mũi nhọn kinh tế cho tỉnh và vùng. Các hành lang sinh thái ngập mặn cần được chú trọng bảo vệ; các hành lang phát triển du lịch biển phía Đông Nam cần được đánh thức để hỗ trợ cùng các khu vực ven biển hiện hữu. Các cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo có giá trị trong đô thị phải được bảo vệ trong đó khu vực đô thị hiện hữu gắn với bãi Trước và núi Lớn, núi Nhỏ là các khu vực có giá trị nổi trội
Bốn là, tập trung nâng cao năng lực phát triển của ngành công nghiệp dầu khí, đặc biệt là công nghiệp chế tạo các sản phẩm cơ khí khai thác cung cấp cho công nghiệp khai thác dầu và khí. Phát triển về chiều rộng và cả về chiều sâu khu vực công nghiệp Long Sơn và các ngành công nghiệp hạ nguồn sau hoá dầu, để gia tăng giá trị các sản phẩm; bên cạnh đó tập trung phát triển các dịch vụ logistic để nâng cao giá trị chuỗi cung ứng hỗ trợ cho các ngành công nghiệp dầu khí và các ngành chế tạo khác.
Năm là, tập trung triển khai tuyến 994 nối Long Điền - Gò Găng - Long Sơn - Cái Mép, triển khai đoạn cuối của cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, từ Vũng Vằn về Vũng Tàu; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng như đường Hàng Điều, Cầu Cháy, Nguyễn Hữu Cảnh, Thống Nhất nối dài để hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực nội thị, phát triển khu vực đô thị mới phía Bắc của thành phố.
Sáu là, tái cơ cấu lại phát triển đô thị và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường tồn tại trong nội đô, sử dụng hiệu quả các quỹ đất công sở sau di dời, xử lý các khu vực phát triển chưa hiệu quả trước đây, tăng cường chất lượng cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên giao thông, thoát nước và xử lý nước thải là chiến lược không gian cho khu vực nội đô. Tập trung thực hiện các dự án tái định cư nhằm đáp ứng nhu cầu tái định cư cho các dự án; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho sự phát triển của đô thị
Bảy là, thành phố cần sớm được chấp thuận và tạo điều kiện để xây dựng đô thị thông minh, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của đô thị.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt