PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH XỨNG TẦM TRỤ CỘT KINH TẾ

Kỳ 1: Những gam màu sáng

Thứ Năm, 16/12/2021, 20:56 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 30 năm qua, ngành du lịch BR-VT đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, từ năm 2016 đến trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường cảnh quan và chất lượng dịch vụ đã giúp du lịch BR-VT tăng trưởng ổn định về lượng khách và doanh thu.

Du khách ngồi xe điện tham quan Minera Hot Springs Binh Chau.
Du khách ngồi xe điện tham quan Minera Hot Springs Binh Chau.

Tăng trưởng ấn tượng

Lấy cột mốc năm 2016 so sánh đến thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra, tất cả chỉ tiêu tăng trưởng của du lịch BR-VT đều ấn tượng, thậm chí phần nào khiến những người quản lý, giới chuyên gia, kinh doanh du lịch bất ngờ khi hầu hết thông số vượt chỉ tiêu. Lượng khách đến tỉnh tăng ổn định với mức bình quân hơn 12,9%/năm.

Đáng chú ý, từ chủ yếu đón khách đi về trong ngày, khách du lịch cuối tuần, BR-VT đã giữ chân được khách lưu lại dài ngày. Tỷ lệ khách lưu trú qua đêm tại các KDL, khách sạn tăng dần qua từng năm. Thị trường khách cũng rộng mở. Những năm gần đây, BR-VT còn thu hút nhiều du khách nước ngoài đến trú đông, du lịch dài hạn.

Ngoài khai thác tiềm năng tự nhiên và nhân văn theo quy hoạch, BR-VT còn tạo thêm nhiều sự kiện giải trí hấp dẫn du khách. Giai đoạn 1991-2015, hàng loạt sự kiện văn hóa kết hợp thể thao quốc tế được tổ chức như: Giải Cờ tướng châu Á (năm 2002), Giải Cờ vua Đông Nam Á (năm 2006), Giải Cờ vua trẻ Thế giới (năm 2008), Cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam và Thế giới (năm 2009), Festival Diều quốc tế từ năm 2009 đến năm 2016, Giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc từ từ năm 2008 đến năm 2011…

Ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Tổng Giám đốc Saigontourist (đơn vị chủ đầu tư KDL suối nước nóng Sài Gòn-Bình Châu), hiện là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, vẫn nhớ như in trước năm 2010, vùng du lịch của BR-VT chỉ tập trung ở Bãi Sau, Bãi Trước, Bãi Dâu (TP. Vũng Tàu) và Long Hải (huyện Long Điền) với dịch vụ tắm biển đơn thuần. Con đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu dù đã manh nha một số khu, điểm du lịch nhưng quy mô nhỏ bé, thu hút khách chủ yếu dựa vào thế mạnh bãi biển trải dài, nắng ấm, tắm biển được quanh năm. “Ngay cả suối nước nóng Bình Châu, dù được đầu tư khai thác các dịch vụ ngâm châm, tắm nước nóng, luộc trứng, tham quan rừng… song cũng chưa thể hiện được đẳng cấp”, ông Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ.

Theo thời gian, du lịch BR-VT vươn mình nhờ hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, cộng với sự cởi mở, thông thoáng trong cơ chế chính sách đã thu hút nhà đầu tư khắp nơi đến tìm cơ hội trên mảnh đất lành. Các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách, giúp du lịch trở thành ngành huy động nguồn lực xã hội hóa cao, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao dân trí cho cộng đồng cư dân địa phương. Theo thống kê của Sở Du lịch, trước năm 2020 (trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát), có khoảng 21 ngàn lao động làm viêc trong ngành du lịch, dịch vụ.

Dọc theo dải bờ biển trải dài hơn 305km bao gồm cả Côn Đảo, nhiều dự án đã hoàn thành toàn bộ, hoặc từng phần và đi vào hoạt động như Minera Hot Springs Binh Chau, khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm Strip, Melia Hồ Tràm Resort, Six Senses Côn Đảo Resort, Oceanami Villas & Beach Club, khách sạn Pullman… kinh doanh hiệu quả với phân khúc khách cao cấp, có mức chi tiêu cao. Một số dự án còn hợp tác với những thương hiệu khách sạn, quản lý vận hành khách sạn cao cấp hàng đầu thế giới như Accor, Six Senses, Intercontinental Hotels & Resorts, Holiday Inn… để chuẩn hóa dịch vụ theo chuẩn quốc tế.

Từng bước nâng tầm thương hiệu

Trung tâm du lịch Bãi Sau, TP. Vũng Tàu nhìn từ trên cao.
Trung tâm du lịch Bãi Sau, TP. Vũng Tàu nhìn từ trên cao.

Quá trình phát triển, BR-VT luôn ý thức xây dựng, định vị thương hiệu du lịch. Trong đó, việc nâng tầm thương hiệu thông qua những giải thưởng du lịch uy tín cũng là một cách làm hay. Nhiều năm liền, Côn Đảo được các trang web, tạp chí uy tín như CNN, Travel and Leisure bình chọn vào tốp điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Đây là cách Côn Đảo quảng bá hiệu quả vẻ đẹp cùng các sản phẩm du lịch đặc sắc ra thế giới.

Ngoài Côn Đảo, nhiều điểm đến khác trên địa bàn tỉnh cũng được xướng tên tại các giải thưởng quốc tế. Năm 2015, sân golf The Bluffs Hồ Tràm Strip được trao giải “Top 100 sân golf tuyệt vời nhất thế giới” do Tạp chí Golf Digest và “Sân golf mới tốt nhất Thế giới” do World Golf Awards bình chọn; giải thưởng “Khách sạn có sân golf tốt nhất Việt Nam”, “Khách sạn có sân golf tốt nhất châu Á” và “Khách sạn có sân golf tốt nhất Thế giới” do World Golf Awards trao tặng năm 2017. Năm 2020, TP. Vũng Tàu được vinh danh là “Thành phố du lịch sạch ASEAN”…

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, những giải thưởng này là minh chứng du lịch BR-VT đã để lại nhiều dấu ấn, tạo ra nhiều sản phẩm ấn tượng trong thời gian qua, bởi các giải thưởng trên do những tổ chức quốc tế uy tín hoặc đơn vị độc lập đánh giá, xếp hạng.

Bên cạnh định vị thương hiệu bằng những giải thưởng uy tín, BR-VT cũng thay đổi cách tiếp cận hướng đến sự bền vững. Nhiều năm thu hút khách du lịch đại trà đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường, tình trạng buôn bán xả rác tràn lan gây mất vệ sinh các bãi tắm, điểm du lịch; vấn nạn gian lận về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ… khiến du lịch đứng trước nguy cơ bị du khách quay lưng. Thực tế trên đã thúc đẩy bộ máy quản lý và người làm du lịch phải quyết liệt cải tổ, nếu không muốn du lịch tụt hậu.

Năm 2016, TP. Vũng khởi động chiến dịch chấn chỉnh, lập lại trật tự, vệ sinh và tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh trên toàn địa bàn. Với nhiều biện pháp quyết liệt, ngay trong năm, các bãi tắm vốn đầy rác thải trong những ngày cao điểm đón khách du lịch, những hàng quán, dù ghế xập xệ đã bị “xóa” sạch. Bãi Sau lột xác với dải bờ cát dài trắng mịn, diện mạo khang trang hẳn. Thành công của TP. Vũng Tàu đã lan tỏa đến các huyện ven biển, khi chính quyền các địa phương này cũng tổ chức lại dịch vụ bãi tắm, dẹp nạn hàng rong, tuyên truyền để du khách và nhân dân cùng chung tay giữ gìn, cải thiện môi trường du lịch.

Năm 2016, các khách sạn, resort trên toàn tỉnh đón và phục vụ hơn 2,5 triệu lượt khách lưu trú; năm 2017, con số này đạt hơn 2,79 triệu lượt; năm 2018 là 3,2 triệu lượt và năm 2019 là 3,53 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú từ năm 2017 đến năm 2020 ước đạt 6.793 tỷ đồng. Thời gian lưu trú của khách du lịch tăng từ 1,5 ngày lên 1,82 ngày; mức chi tiêu bình quân đạt 1,81 triệu đồng/người.

Thay đổi cách tiếp cận, dung hòa số lượng và chất lượng, hướng đến dòng khách chất lượng cao để bảo vệ cảnh quan sinh thái đối với một tỉnh mạnh về khách nội địa không dễ. Thế nhưng khi cả bộ máy quyết tâm thì thành quả thu được ngoài mong đợi. Sau chiến dịch làm sạch biển năm 2016 đến trước khi dịch COVID-19 xảy ra, lượng khách đến BR-VT nghỉ dưỡng ngày một tăng, trong đó phần lớn du khách đều chia sẻ lý do chọn BR-VT nghỉ dưỡng “vì bãi biển không còn rác thải, không bị hàng rong đeo bám, làm phiền”.

Thành quả này càng thể hiện rõ hơn trong suốt năm 2020, sau mỗi đợt dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành du lịch kích cầu trở lại, BR-VT lại tấp nập khách. Thống kê năm 2020, tổng lượng khách lưu trú đạt gần 64% kế hoạch, khách quốc tế lưu trú giảm hơn 64% so với năm 2019, doanh thu lưu trú cũng chỉ đạt hơn 65% kế hoạch năm, song so với bức tranh chung du lịch cả nước, mức giảm của BR-VT là thấp nhất. “Đó là nhờ những giá trị về uy tín, thương hiệu, vị trí địa lý thuận lợi và môi trường cảnh quan đẹp đã gầy dựng trước đó. Điều này càng tiếp thêm động lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, ông Trịnh Hàng nói.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA - KIM VINH

;
.