Kiến nghị nhiều giải pháp phục hồi và phát triển du lịch

Chủ Nhật, 26/12/2021, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Trong các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023, công tác kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn. Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; khuyến khích phục hồi du lịch nội địa ngay vào đầu năm 2022, gắn với lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn; triển khai chứng nhận, hộ chiếu vắc xin…

Du khách ăn buffet tại Minera Hot Springs Binh Chau.
Du khách ăn buffet tại Minera Hot Springs Binh Chau.

Đó là những nhóm kiến nghị chính được các đại biểu đề xuất tại Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” diễn ra ngày 25/12 tại tỉnh Nghệ An. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT-DL tổ chức.

Hội thảo được kết nối trực tuyến đến các Đoàn ĐBQH 19 tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch trên toàn quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội thảo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì; đại diện HĐND tỉnh, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh tham dự tại điểm cầu BR-VT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, từ ngày 1/1/2022 bắt đầu thí điểm áp dụng quy định du khách vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, có xét nghiệm RT-PCR âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh sẽ không phải cách ly, mà chỉ theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nơi lưu trú. Với du khách chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm vắc xin sẽ cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7. Trong thời gian cách ly sẽ được tiêm ngừa COVID-19 miễn phí.

Du lịch giảm sâu

Tại hội thảo, Bộ VHTT-DL cho biết, trong suốt năm 2020 các hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam hoạt động cầm chừng do dịch COVID-19 bùng phát nhiều lần. Khách quốc tế chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch. Sang năm 2021, tình hình càng kém hơn khi dịch COVID-19 diễn biến lan nhanh trong nước, khiến các hoạt động kinh tế - xã hội của phần lớn tỉnh, thành phố trên cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng của năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 34,75 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 167 ngàn tỷ đồng, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất phòng lưu trú trung bình năm ước đạt 5%. Phần lớn nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc hưởng lương theo ngày công nhờ nỗ lực cố gắng giữ chân lao động của chủ DN.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho biết, tính riêng trong quý III/2021, dưới tác động của dịch bệnh, khách nội địa giảm 87% so cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh còn khiến hơn 95% DN lữ hành quốc tế dừng hoạt động, còn DN du lịch nội địa chỉ mở cửa cầm chừng. Cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chỉ còn khoảng 2 ngàn DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc.

Tại BR-VT, tính đến hết tháng 11, 95% DN lưu trú, dịch vụ phải đóng cửa hoàn toàn. Dịch bệnh khiến các cơ sở du lịch kiệt quệ. 25 ngàn lao động trong ngành phải tạm ngừng việc. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khiến lượng khách giảm sâu. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2021 đạt 2,9 triệu lượt, giảm hơn 73% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt hơn 1 triệu lượt, giảm 62,10% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 5.875 tỷ đồng, giảm 50,75% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 59,02% so với cùng kỳ.

5 xu hướng du lịch trong bối cảnh mới
Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Đoàn Văn Việt nhận định, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người. Sau đại dịch, dự đoán ngành du lịch phát triển theo 5 xu hướng: an toàn tránh dịch bệnh; ứng dụng công nghệ nhằm quản lý bảo đảm an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; du lịch theo những nhóm nhỏ; du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Cần có cơ chế hỗ trợ DN du lịch đẩy nhanh quá trình phục hồi

Tại hội thảo nhiều chuyên gia nhận định, kỳ vọng phục hồi hoàn toàn  ngành du lịch chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được “miễn dịch cộng đồng”, dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023, khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn để tạo tác động lan tỏa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch. Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần đề cao nhóm giải pháp về bảo tồn và phát triển môi trường du lịch bền vững. Cần coi bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển hài hòa du lịch như một tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả du lịch.

Tại điểm cầu BR-VT, đại diện Sở Du lịch cũng cho biết, tỉnh đang nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển ngành du lịch. Để thực hiện được điều này, rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Trung ương nhằm đẩy nhanh tiến độ phục hồi cho DN. Cụ thể, BR-VT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có chính sách giảm lãi suất và điều kiện cho vay, xem xét miễn thuế suất GTGT hết năm 2021, tiếp tục giảm tiền thuê đất, tiền điện, nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ người lao động ngành du lịch; chính sách phát triển kinh tế đêm, thu hút đầu tư thiên về giải trí, trải nghiệm nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông đa pương thức kết nối liên vùng…

Mở cửa du lịch phải song hành với an toàn phòng dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên Khách sạn Aquatel (133, Phan Chu Trinh, phường 2, TP.Vũng Tàu) hướng dẫn khách quét mã QR khai báo y tế.
Mở cửa du lịch phải song hành với an toàn phòng dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên Khách sạn Aquatel (133, Phan Chu Trinh, phường 2, TP.Vũng Tàu) hướng dẫn khách quét mã QR khai báo y tế.

Tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành du lịch Việt Nam thời gian qua thiệt hại rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch gần 2 năm nay. Để khôi phục, phát triển ngành du lịch, thời gian tới chúng ta phải tăng cường phát triển du lịch cộng đồng. Cần thực hiện nhanh việc số hóa nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là nguồn tài nguyên về văn hóa. Trong các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023, công tác kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, cần khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển những sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban tổ chức không chỉ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các DN trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Sau đó, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.

Bài, ảnh: KIM VINH

;
.