Phát triển nguồn nhân lực du lịch: Yêu cầu cấp thiết
Du lịch được xác định là 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh BR-VT. Về cơ bản, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến BR-VT ngày càng tăng. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng là yêu cầu cấp thiết để đưa ngành du lịch BR-VT lên tầm cao mới.
Lễ tân khách sạn 5 sao Pullman tươi cười chào đón khách. |
THIẾU NHÂN LỰC DU LỊCH CHẤT LƯỢNG CAO
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngoại trừ khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, những năm qua, lượng khách đến tỉnh đã ngày càng tăng mạnh. Năm 2018, BR-VT đón hơn 13,5 triệu lượt khách, năm 2019 là hơn 15,5 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch cũng không ngừng tăng trưởng, năm 2018 là hơn 14.200 tỷ đồng và năm 2019 đạt hơn 16.500 tỷ đồng. Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện toàn tỉnh có hơn 10.000 lao động làm việc trong ngành du lịch. Dự báo đến năm 2025 ngành du lịch cần gần 13.000 lao động. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện mới có 3 cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch gồm: Trường ĐH BR-VT, Trường CĐ nghề Du lịch Vũng Tàu và Trường CĐ Nghề Khách sạn Quốc tế Imperial. Hàng năm, có khoảng 800 SV các cơ sở trên ra trường.
Ông Trịnh Hàng cũng thừa nhận, số lượng SV tốt nghiệp này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về lao động du lịch của địa phương. Chưa kể, nhiều SV sau khi tốt nghiệp phải đào tạo lại vì ít được cọ xát thực tế trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thực tế nguồn nhân lực chính phục vụ cho ngành du lịch hiện nay của tỉnh còn yếu và thiếu, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tuổi, giới tính, cơ cấu về trình độ được đào tạo, cơ cấu về quản lý và phục vụ... Phần lớn nguồn nhân lực được tuyển dụng lấy từ các ngành khác nhau, nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch. Hiện nay có rất nhiều trường đại học tại Việt Nam đào tạo về ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhưng hầu hết mới chỉ tập trung đào tạo về kỹ năng công việc, chứ chưa có những môn học chuyên sâu về quản lý, lãnh đạo. Do vậy tạo ra một nghịch lý là các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn thất nghiệp, trong khi đó, các DN vẫn đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao.
Trước thực trạng đó, Sở Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, BR-VT phấn đấu 100% nguồn nhân lực quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở được đào tạo bài bản, có chuyên môn, được bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức ngành du lịch; cộng đồng dân cư có hoạt động du lịch được truyền thông và đào tạo về phát triển du lịch bền vững. Đến năm 2025, nguồn nhân lực du lịch tỉnh có khoảng 38.000 lao động; năm 2030 có khoảng 46.000 lao động; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt từ 80-100%.
CẦN CHỦ ĐỘNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC
Theo các chuyên gia, để có được đội ngũ nhân lực dồi dào và chuyên nghiệp cho ngành du lịch, không chỉ ngành du lịch tỉnh mà bản thân các DN du lịch cũng chủ động đào đạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, tay nghề thường xuyên cho người lao động. Mỗi năm, tùy thuộc nhu cầu và xu hướng chung của thị trường, Sở Du lịch cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trường đào tạo về du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch địa phương, hội nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch và DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 1/7 vừa qua, các đại biểu cho rằng việc phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh cần bám sát vào định hướng phát triển du lịch của tỉnh “đẳng cấp và chuyên nghiệp”. Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cần phối hợp với các trường Đại học Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, RMIT… liên kết để đào tạo nhân lực cho tỉnh BR-VT. Các cơ sở đào tạo ngành du lịch tại BR-VT, chương trình giảng dạy cũng cần được điều chỉnh theo hướng sát hơn với thực tế của các địa phương có lợi thế về du lịch; tăng cường ngoại ngữ để sinh viên có đủ kỹ năng làm việc khi ra trường, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đón đầu các dự án đầu tư du lịch và hạn chế sự dịch chuyển lao động trong ngành.
Cũng đồng tình quan điểm này, ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, với số lượng 400 sinh viên được đào tạo từ trường Cao đẳng nghề Du lịch mỗi năm hiện nay là quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch TP. Vũng Tàu nói riêng và của tỉnh BR-VT nói chung hiện nay. Ông Khoa đề xuất, ngành du lịch cần phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức đào tạo bài bản biến trường Cao đẳng nghề Du lịch thành một cơ sở đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao trong cả nước. Ngành Du lịch phải xây dựng được các chính sách hỗ trợ, tạo động lực, mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao; khuyến khích cán bộ quản lý du lịch, các đối tượng phục vụ trong ngành du lịch tham gia học tập, nghiên cứu ngành du lịch tại nước ngoài để về phục vụ du lịch địa phương.
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề xuất 7 nhóm giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các đơn vị kinh doanh du lịch và người dân về phát triển du lịch và nguồn nhân lực du lịch; phát hiện và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng cho đội ngũ tham gia hoạt động du lịch; tư vấn, hướng nghiệp, định hướng nghề du lịch đối với học sinh; hỗ trợ năng lực doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch thông minh; huy động các nguồn lực xã hội gắn với phát triển nguồn nhân lực du lịch.
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ