Thu hút các dự án du lịch đẳng cấp, có thương hiệu
Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc tiếp tục xây dựng và khẳng định vị thế hình ảnh vùng đất BR-VT thân thiện, mến khách với uy tín và chất lượng ngày càng cao đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn cả từ phía chính quyền, DN và người dân.
Tỉnh cần thu hút nhà đầu tư có thương hiệu về khách sạn và resort nổi tiếng trên thế giới. Trong ảnh: Du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng tại khách sạn Pullman, TP. Vũng Tàu. |
BR-VT có đầy đủ tiềm năng biển, núi, rừng, nguồn nước khoáng nóng tự nhiên 82 độ C để phát triển các loại hình du lịch. Cùng với đó, BR-VT nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông bộ, thủy thuận lợi. Trên địa bàn còn có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian gắn với phong tục tập quán của cư dân miền biển. Vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa quanh năm và tiềm năng nhân văn đa dạng mang lại cho BR-VT nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch của vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và khách tàu biển quốc tế đến BR-VT qua hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải. Các cụm du lịch tại Vũng Tàu, Long Hải, Hồ Tràm và Côn Đảo đã thu hút nhiều dự án đầu tư mới, từng bước hình thành những trung tâm du lịch đồng bộ, với nhiều loại sản phẩm đa dạng, cao cấp, hiện đại.
Các loại hình du lịch chủ yếu của tỉnh được hình thành và phát triển trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn theo quy hoạch, có chọn lọc và bảo đảm tính bền vững, bao gồm: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch văn hóa kết hợp thể thao và du lịch lịch sử tâm linh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 khách sạn và khu resort với hơn 10.000 phòng, trong đó có 160 cơ sở được xếp hạng từ 1-5 sao.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 128 dự án du lịch với tổng diện tích 2.851ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư 42.117 tỷ đồng và 9.127 triệu USD. Mặc dù tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có một số thương hiệu quản lý như Pullman, Six Senses, Ibis, Mecure. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trên cả nước thì BR-VT vẫn đang thiếu những thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới vào các dự án du lịch, các khu du lịch phức hợp, các khu vui chơi giải trí tập trung nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, có tính cạnh tranh cao cho phát triển du lịch.
Do đó, việc đưa các thương hiệu du lịch nổi tiếng vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay là cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở là cơ quan quản lý đầu tư đối với các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh, để đạt được mục tiêu nêu trên, Sở KH-ĐT đề xuất một số giải pháp như sau: Tỉnh cần khuyến khích các nhà đầu tư mang về các thương hiệu quản lý khách sạn và resort nổi tiếng trên thế giới và tiếp tục đưa tiêu chí này vào các dự án trọng điểm về du lịch, các khu du lịch phức hợp, các khu vui chơi giải trí tập trung để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới. Quảng bá hơn nữa về BR-VT đến các thị trường khách du lịch trên thế giới. Trên cơ sở về vị trí địa lý, giá trị văn hóa - lịch sử, ngành du lịch cần nghiên cứu để đưa ra các trải nghiệm văn hóa sôi động, các hoạt động giải trí để cung cấp cho các khách du lịch quốc tế nhằm khám phá và trải nghiệm. Tỉnh cũng cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối phục vụ các vùng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện xử lý các dự án chậm triển khai đối với các dự án du lịch nhằm tạo dư địa để kêu gọi các nhà đầu tư mới có năng lực triển khai dự án. Ngoài ra, chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch của tỉnh cũng là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Về phía các nhà đầu tư, cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, riêng và độc đáo nhằm tránh trường hợp các dự án du lịch có cùng chung sản phẩm, không tạo được sự khác biệt để thu hút các du khách đến tỉnh. Đồng thời liên kết với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cho ngành khách sạn và du lịch; cùng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối phục vụ dự án với các tuyến đường được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; đồng hành cùng với tỉnh trong các sự kiện quảng bá du lịch, thu hút đầu tư do tỉnh tổ chức và tham gia…
SỞ KH-ĐT TỈNH BR-VT