Hình ảnh những đoàn xích lô thong thả chở khách dạo biển, ngắm phố xá từng một thời trở thành biểu tượng đẹp cho du lịch Vũng Tàu, nay đã thưa vắng dần. Khách chọn tour xích lô giảm mạnh kéo theo cuộc mưu sinh của người làm nghề đạp xích lô du lịch cũng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Phương hạ xe cho khách lên. |
QUA RỒI THỜI ĐẮT KHÁCH
Chiều tháng Năm, thời tiết Vũng Tàu lúc nắng, lúc mưa. Thế nhưng mặc nắng hay mưa, các thành viên nghiệp đoàn xích lô Bãi Sau (tại ngã ba Thùy Vân - Hoàng Hoa Thám) vẫn cần mẫn chờ khách. Người ngả lưng trên xích lô. Người túm tụm bên bàn cờ tướng quên thời gian. Vài người đi lại hướng mắt về khu vực tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên đường Thùy Vân, Phan Chu Trinh trông ngóng.
Ông Trần Văn Tin, 63 tuổi, quê Bình Định, 30 năm gắn bó với đạp xích lô tại Bãi Sau cho biết, trước đây nghề đạp xích lô rất thịnh. Hầu hết du khách đến Vũng Tàu đều chọn xích lô làm phương tiện tham quan. Ông Tin kể, hồi đó để mua một chiếc xích lô mất khoảng 4 chỉ vàng. Đây là số tiền lớn đối với người lao động tay chân nhưng chỉ khoảng 1 năm làm nghề sẽ thu hồi được vốn. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, xích lô không được nhiều du khách lựa chọn, nên thu nhập cũng giảm sút. “Cách đây 5-6 năm, ngày cuối tuần tôi kiếm cũng được 400-500 ngàn đồng. Ngày thường thấp nhất cũng 100-200 ngàn đồng. Nhưng gần đây, ngày có được 2 cuốc xe là nhiều rồi. Bữa nay, ngồi chờ từ sáng đến giờ vẫn chưa có khách nào kêu xe”, ông Tin nói.
Cách ngã ba Thùy Vân - Hoàng Hoa Thám chừng 200m về hướng chân dốc Nghinh Phong, nhóm xích lô 15 chiếc đang chờ đón nhóm khách Hồng Kông lưu trú tại khách sạn Mỹ Lệ đi tham quan Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Phương (nhà ở 151/2/1 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam), đại diện nhóm cho biết, nhóm của ông thuộc nghiệp đoàn xích lô Sammy, chuyên chở khách Hồng Kông lưu trú tại khách sạn Mỹ Lệ, Cap Saint Jacques và Sammy. Thời điểm từ năm 2006 đến 2011, dòng khách này nhiều, mỗi ngày nhóm chạy được từ 5-7 cuốc. Sau đó, dòng khách này giảm dần nhưng mỗi ngày cũng còn từ 2-3 cuốc. Từ năm 2016 đến nay, 2-3 ngày, có khi cả tuần mới được 1 đoàn khách. “Trước đây, khách đặt tour xích lô liên tục, không có sức mà chạy. Giờ thì lâu lâu mới có 1 tour. Nghiệp đoàn xích lô Sammy gồm 50 thành viên giờ tản mát mỗi người mỗi nghề”, ông Nguyễn Văn Phương cho hay.
CÓ KHÁCH MỚI CÓ XÍCH LÔ TOUR
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tour xích lô qua rồi thời vàng son do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do dòng khách truyền thống chuộng dịch vụ xích lô là khách gốc Hoa đến từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore giảm mạnh, trong khi dòng khách thay thế chưa có. Ông Lễ Minh, hướng dẫn viên chuyên đưa khách Hoa về BR-VT cho hay, trước năm 2016, ngày nào ông cũng có tour đưa khách Hoa đến BR-VT du lịch nghỉ dưỡng, nhưng gần đây, 2-3 ngày mới có 1 tour. Số lượng khách cũng giảm hẳn, chỉ còn 30-40 khách/tour. “Khách Hoa đến Việt Nam vẫn đông nhưng Việt Nam có nhiều điểm đến mới, nhất là tuyến miền Trung. Nếu như 5 năm trước đây, khách Hoa chủ yếu tham quan du lịch TP.Hồ Chí Minh và BR-VT thì giờ đây họ chọn Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết nhiều hơn”, ông Lễ Minh phân tích.
Thị trường khách truyền thống chuộng xích lô tour bị chia sẻ, trong khi dòng khách mới thay thế chưa có dẫn đến lượng khách chọn tour xích lô giảm. Khách vắng, ế ẩm, người làm nghề xích lô du lịch tản mát khiến hoạt động của các nghiệp đoàn xích lô thu hẹp dần. Vốn là đội trưởng nghiệp đoàn xích lô Sammy, ông Nguyễn Văn Phương hiện là đầu mối nhận tour xích lô tham quan TP.Vũng Tàu. Theo ông Phương, tour xích lô ông nhận chủ yếu nhờ những mối quen biết nhiều năm nay. “Họ đặt tour, hẹn ngày giờ qua điện thoại. Sau đó, tùy thuộc số lượng khách, tôi điện thoại tập hợp anh em chạy xích lô. Giá tour tôi nhận 110 ngàn đồng/khách/xe. Tôi giữ 10 ngàn chi phí điện thoại, còn lại trả lại cho anh em 100 ngàn đồng/khách/xe”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, mức giá tour xích lô được giữ ổn định từ nhiều năm nay. “Nguồn khách ngày càng ít dần, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn hơn. Do vậy, tôi cũng như các anh em làm nghề mong muốn được mở rộng kết nối, quảng bá cho nhiều khách biết và chọn tour xích lô khám phá Vũng Tàu”, ông Phương nói.
Tour xích lô cho dòng khách Hồng Kông hiện bắt đầu từ đường Thùy Vân (điểm đón có thể là khách sạn Mỹ Lệ, Sammy hoặc Cap Saint Jacques) đưa khách vào đường Hoàng Hoa Thám qua Nguyễn Du ra công viên Bãi Trước chụp ảnh. Chiều về, từ công viên Bãi Trước theo đường Quang Trung, xích lô sẽ rẽ Trương Công Định-Phan Bội Châu-Phan Chu Trinh ra Bãi Sau nếu khách lưu trú tại khách sạn Mỹ Lệ hoặc khách sạn Sammy. Đối với khách lưu trú tại khách sạn Cap Saint Jacques, ở chiều về, từ công viên Bãi Trước xích lô di chuyển vào đường Thống Nhất qua nhà thờ Vũng Tàu ra đường Trương Công Định, Lê Hồng Phong, Thi Sách. Giá tour 110 ngàn đồng/khách/xe. |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ TP.Vũng Tàu cho biết, sự xuất hiện của các phương tiện giao thông hiện đại như: xe điện, taxi, grab bike... ứng dụng đặt dịch vụ qua smartphone tiện ích và nhanh chóng nên xích lô không còn được du khách chuộng như trước nữa. Hiện nay, 2 nghiệp đoàn xích lô Bãi Sau và Sammy chủ yếu hoạt động tự quản với số lượng thành viên khiêm tốn. “Trong chức năng của mình, LĐLĐ chủ yếu hỗ trợ về đời sống tinh thần, thăm hỏi tặng quà vào những dịp lễ tết, tuyên truyền kiến thức pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông cho nghiệp đoàn. Còn hướng phát triển, kết nối xích lô cho du lịch trong thời gian tới, theo tôi phải ngành du lịch phải có chủ trương làm việc với các khách sạn để quảng bá đến du khách”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch HHDL tỉnh chia sẻ, hình ảnh những chiếc xích lô chở khách dạo biển mang lại cho mọi người cảm giác thong dong, thư thả. Ngồi trên xích lô du khách cũng dễ dàng quan sát, cảm nhận nét đẹp, cảnh vật, con người trên các cung đường của TP.Vũng Tàu. “Để xích lô tour mãi là hình ảnh đẹp cho du lịch Vũng Tàu, sắp tới tôi sẽ bàn với Ban chấp hành HHDL vận động hội viên quảng bá tour xích lô tại cơ sở kinh doanh để cho du khách biết và sử dụng, đồng thời xã hội hóa trang phục, trang trí xe xích lô tăng nét thẩm mỹ, bắt mắt cho loại hình này”, ông Hoàng Ngọc Linh cho hay.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA