Trước đây, khi nhắc đến Châu Đức, người ta nghĩ ngay đến vùng chuyên canh cao su, hồ tiêu… Vài năm gần đây, khi du lịch nông nghiệp trở thành xu thế, trên địa bàn Châu Đức đã có một số điểm dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao đón khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Thế nhưng, những điểm dịch vụ này chỉ dừng ở phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân địa phương, việc nối kết đưa khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến còn hạn chế.
Biểu diễn cồng chiêng trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Châu Ro. |
MANH NHA PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Sau khi tham quan nhiều mô hình trồng rau sạch kết hợp cho khách tham quan, mua sắm tại Đà Lạt (Lâm Đồng), tháng 7-2018, bà Đặng Thị Bé quyết định đầu tư xây dựng trang trại rau sạch Vương Huy (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang) trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Trang trại của bà Bé có khoảng 30 loại rau quả theo phương pháp thủy canh. Mỗi tuần trang trại đón hơn 20 lượt khách, chủ yếu là HS các trường học trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu quy trình gieo trồng, chăm sóc rau thủy canh. Khách du lịch chưa nhiều nên sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ và bỏ cho các trường mầm non trên địa bàn. “Tôi cũng đã nỗ lực kết nối với các công ty lữ hành để quảng bá thu hút khách du lịch nhưng rất ít công ty đưa khách đến vì họ cho rằng điểm đến quá xa, không phù hợp với lộ trình tham quan của khách”, bà Đặng Thị Bé nói.
Tương tự, quán café Đồi Cừu (thôn 1, xã Suối Rao) dù được ví như Đà Lạt thu nhỏ tại Châu Đức với vị thế nằm trên đồi, bao quanh là hồ, hoa cỏ và vườn cây xanh mát, gần gũi thiên nhiên, nhưng từ khi khai trương hoạt động (tháng 8-2018) đến nay, quán chủ yếu phục vụ người dân địa phương đến thư giãn, ăn uống, chụp ảnh. Quán nằm sát cung đường Hội Bài-Suối Nghệ-Đá Bạc-Phước Tân kết nối TX. Phú Mỹ với huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, có lưu lượng xe du lịch qua lại nhiều. Quán có phòng họp sức chứa 300 khách, có khu tổ chức trò chơi tập thể phục vụ khách dã ngoại, giải trí karaoke, ăn uống nhưng gần như khách đoàn không mặn mà ghé lại mà chỉ đi ngang và về thẳng Xuyên Mộc. Ông Vũ Quang Minh Kỳ, chủ quán cho biết: “Lý do là vì quán nằm đơn độc trong khu vực rộng, hệ sinh thái phục vụ du lịch xung quanh chưa có nên không hấp dẫn các công ty lữ hành khi chọn lựa địa điểm cho khách”.
Ngoài 2 địa điểm trên, vài năm gần đây, huyện Châu Đức cũng thu hút được một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Trồng dưa lưới trong nhà màng, sản xuất nấm linh chi tại xã Xà Bang, trại nấm ông Tiên tại xã Láng Lớn, HTX Nông nghiệp Suối Giàu nuôi cá chình, trồng và sản xuất ca cao thành phẩm của Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Sản xuất Ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang)… Trong số các cơ sở, hiện chỉ có Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Sản xuất Ca cao Thành Đạt đón trung bình mỗi tháng 200 khách nước ngoài và 500 HS-SV ngoại tỉnh đến trải nghiệm, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm chế biến từ ca cao, hầu hết các cơ sở còn lại chỉ có các trường học, cơ quan nhà nước trong tỉnh đến tham quan.
CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐIỂM DỪNG CHÂN ĐI VỀ TRONG NGÀY
Hiện nay giao thông kết nối huyện Châu Đức với các địa phương trên địa bàn tỉnh đã rất thuận lợi. Từ TP.Hồ Chí Minh, muốn về Châu Đức hiện có 2 tuyến đường: Mỹ Xuân-Ngãi Giao và Hội Bài-Đá Bạc. Cả 2 tuyến đường trên đều nối với huyện Xuyên Mộc. Châu Đức còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp, hoang sơ. Theo các DN lữ hành, phần lớn các điểm du lịch trên địa bàn Châu Đức mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản.
Ông Nguyễn Minh Thu, Giám đốc Saigontourist chi nhánh Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn Châu Đức có đông đảo đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Châu Đức cũng xây dựng Nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho đồng bào Châu Ro. Song với những gì đang có, Châu Đức chỉ phù hợp là điểm đến trong ngày cho dòng khách du lịch về nguồn với lịch trình: Tham quan tượng đài chiến thắng Bình Giã, Trung đoàn 33, di tích lịch sử rừng Bàu Sen, viếng chùa, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, xem biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Châu Ro vào buổi tối tại Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh.
Muốn phát triển du lịch bài bản, lâu bền, Châu Đức cần có định hướng và chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, giữ gìn môi trường sinh thái và đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro, lấy nét đặc sắc trong văn hóa của người Châu Ro làm trục chính thu hút khách du lịch. Ông Võ Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Vũng Tàu, cho rằng với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, Châu Đức nên định hướng phát triển du lịch homestay (cộng đồng) để thu hút phân khúc khách cao cấp, đặc biệt là khách nước ngoài thích trải nghiệm, khám phá văn hóa. “Tuy nhiên để làm được điều này địa phương cần đầu tư phục dựng bài bản một làng Châu Ro với những nhà sàn và những sản phẩm văn hóa truyền thống của người Châu Ro. Người dân sống trong làng này mặc trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát, làm những nghề truyền thống của đồng bào Châu Ro. Du khách được tương tác, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, thưởng thức những điệu múa, lời ca, đốt lửa trại và ẩm thực của đồng bào, chắc chắc sẽ hấp dẫn du khách”, ông Võ Thanh Mỹ nói.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, xác định được tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Châu Đức đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương và đã được UBND tỉnh chấp thuận lập Quy hoạch vùng huyện Châu Đức. Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2019. Quy hoạch xác định các khu vực, vị trí thu hút đầu tư vào du lịch và du lịch sinh thái gồm: Hồ Sông Ray, Hồ Đá Đen, Hồ Kim Long và các hồ thủy lợi khác như Tầm Bó, Gia Hoét, Suối Giàu, Đá Bàng, Rừng Bàu Sen (30ha), rừng phòng hộ khu vực Xuân Sơn-Sơn Bình-Suối Rao (370ha). Các điểm du lịch trên sẽ gắn với 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch tại các xã Cù Bị, Quảng Thành và Xuân Sơn-Suối Rao. Huyện cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào KDL thác Sông Ray (thuộc xã Sơn Bình, diện tích 295ha).
“Huyện cũng chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch và tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch”, ông Nguyễn Công Vinh cho biết thêm.
Bài, ảnh: TRÚC KHOA