.

Triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch: Nâng cao tính chuyên nghiệp cho người làm du lịch

Cập nhật: 07:54, 15/12/2017 (GMT+7)
Lực lượng thanh niên tình nguyện (Thành Đoàn Vũng Tàu) chỉ đường cho 2 du khách nước ngoài đến di tích Bạch Dinh.
Lực lượng thanh niên tình nguyện (Thành Đoàn Vũng Tàu) chỉ đường cho 2 du khách nước ngoài đến di tích Bạch Dinh.

Tháng 3-2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Trong bối cảnh ngành du lịch BR-VT đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để định hướng cho cộng đồng, khách du lịch thái độ ứng xử văn minh, hiếu khách, trách nhiệm thì việc nhanh chóng triển khai Bộ Quy tắc này cùng các biện pháp chế tài sẽ giúp nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp cho người làm du lịch địa phương.

 GẮN VỚI XÂY DỰNG THÀNH PHỐ XANH

Sáng thứ Ba (12-12), Bãi Sau, TP.Vũng Tàu khá vắng khách. Trên đường Thùy Vân và dưới bãi biển, vài nhóm khách tắm biển, tản bộ. Tuy vậy, nhóm thanh niên tình nguyện vẫn có mặt ở chốt trực (đối diện khách sạn Green, số 147, Thùy Vân). Thấy 2 du khách nước ngoài loay hoay với tấm bản đồ du lịch trên tay, một thanh niên tiến lại niềm nở: “Can I help you?” (Tôi có thể giúp gì cho các bạn?). Hai vị khách chỉ vào các địa danh trên bản đồ: Bạch Dinh, Đình thần Thắng Tam, chợ Vũng Tàu, rồi bày tỏ mong muốn được chỉ đường và phương tiện di chuyển. Các thanh niên giải đáp, hướng dẫn cặn kẽ. 2 vị khách không quên nói lời cảm ơn trước khi rời đi. Thomas, một trong 2 vị khách cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Vũng Tàu du lịch. Sự nhiệt tình, cởi mở của các bạn khiến tôi rất ấn tượng”.

Những việc làm của nhóm thanh niên tình nguyện trên chỉ là một trong nhiều hoạt động nằm trong kế hoạch tăng cường tạo lập môi trường du lịch lành mạnh, ấn tượng, văn minh, thân thiện mà TP.Vũng Tàu đã và đang thực hiện. Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, từ năm 2016, song song với chiến dịch làm sạch bãi biển, cấm buôn bán, tụ tập ăn nhậu trên bãi tắm và nơi công cộng, TP.Vũng Tàu đã đồng loạt tuyên truyền, vận động người dân ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng; thân thiện, tận tình, niềm nở, chu đáo khi phục vụ khách; không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính; luôn biết nói “xin chào, xin lỗi, cảm ơn” trong giao tiếp với du khách.

Kết quả sau gần 2 năm thực hiện, toàn tuyến biển Vũng Tàu được duy trì sạch đẹp, nhận được nhiều lời khen ngợi của du khách. Du khách Vũ Thị Tường Vân (B3.5 Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước đây, tôi rất ít khi chọn BR-VT cho kỳ nghỉ cuối tuần mà thường đi Phan Thiết hoặc Đà Lạt. Hơn 1 năm nay, sự đổi thay tích cực về vệ sinh môi trường, cảnh quan của TP.Vũng Tàu, nạn “chặt chém” du khách cũng không còn nữa… là những lý do khiến tôi thường xuyên đưa gia đình về Vũng Tàu nghỉ dưỡng cuối tuần”, bà Vân cho hay. 

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, cùng các biện pháp chế tài sẽ giúp nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp cho người làm du lịch địa phương. Trong ảnh: Nhân viên Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort (bìa phải) hướng dẫn khách chọn mua hải sản.
Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, cùng các biện pháp chế tài sẽ giúp nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp cho người làm du lịch địa phương. Trong ảnh: Nhân viên Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort (bìa phải) hướng dẫn khách chọn mua hải sản.

PHẢI LAN TỎA CẢ CỘNG ĐỒNG

Tuy nhiên, du lịch BR-VT không chỉ gói gọn ở TP.Vũng Tàu. Bên cạnh đó, các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ phục vụ du lịch gồm: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, lữ hành, tham quan… Nói cách khác, cả cộng đồng phải tham gia vào chuỗi phục vụ khách du lịch. Do vậy, việc xây dựng các chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ ứng xử của cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động du lịch là rất cần thiết.

Tháng 3-2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, hướng dẫn cách hành xử cho cả khách nước ngoài đến Việt Nam, người kinh doanh dịch vụ, người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc cụm khách sạn DIC Star - Cap Saint Jacques cho rằng, trong bối cảnh ngành du lịch BR-VT đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp vận động cộng đồng, khách du lịch thực hiện thái độ ứng xử văn minh, tự trọng, hiếu khách, trách nhiệm thì việc nhanh chóng triển khai Bộ Quy tắc trên kèm các biện pháp chế tài sẽ giúp nâng cao ý thức của cộng đồng và sự chuyên nghiệp cho du lịch địa phương.

Theo bà Trương Thị Hường, đầu năm 2017, TP.Vũng Tàu đã dự thảo bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch cùng chế tài xử phạt các hành vi ứng xử thiếu văn hóa, văn minh. Cùng thời điểm, Bộ VHTTDL ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch áp dụng trên cả nước. Bộ Quy tắc nêu cụ thể những chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của 10 đối tượng là tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động du lịch, rất cần thiết đối với TP.Vũng Tàu trong việc kêu gọi cộng đồng chung sức xây dựng TP.Vũng Tàu trở thành thành phố “xanh - sạch - đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng”. Vì vậy, TP.Vũng Tàu đã dừng triển khai dự thảo của riêng mình để chuẩn bị thực hiện Bộ Quy tắc của Bộ VHTTDL. “TP.Vũng Tàu mong UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch triển khai Bộ Quy tắc trên để địa phương cụ thể hóa các giải pháp tuyên truyền, chế tài xử phạt hành vi chưa chuẩn mực, đồng thời lồng ghép thực hiện thêm mục tiêu năm 2018 của TP.Vũng Tàu là: Mỗi người dân chăm sóc cây xanh và bỏ rác đúng nơi quy định”, bà Trương Thị Hường cho biết thêm. 

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. “Kế hoạch này nhằm tuyên truyền, vận động các tổ dân cư, khu phố trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về du lịch; thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại địa phương vận động nhân dân cùng thực hiện các chuẩn mực trong Bộ Quy tắc, kết hợp phát động ký cam kết thi đua, tổ chức bình chọn cá nhân, tổ chức thực hiện văn minh du lịch, đồng thời, phê phán, bêu tên tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương. Hy vọng rằng, khi được triển khai trên địa bàn, Bộ Quy tắc này cùng các biện pháp chế tài sẽ giúp nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp cho người làm du lịch địa phương”, ông Trịnh Hàng nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm 2 chương, 13 điều, hướng dẫn cách hành xử cho cả khách nước ngoài đến Việt Nam, người kinh doanh dịch vụ, người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, Bộ Quy tắc quy định nhóm cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, điểm ăn uống, tham quan, phải: Niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ; tư vấn trung thực, đầy đủ về sản phẩm; không lợi dụng thời điểm đông khách để nâng giá, ép giá; không chèo kéo khách; không bán hàng kém chất lượng; không phân biệt, đối xử với khách du lịch...

Đặc biệt, Bộ Quy tắc cũng hướng dẫn ứng xử đối với dân cư như: Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách; ưu tiên, nhường đường cho khách du lịch; giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch; không tranh giành, gây gổ với khách du lịch; không chèo kéo, đeo bám khách du lịch; không nói lời thô tục, thiếu văn hóa, hành động khiếm nhã với khách du lịch…

 

.
.
.