.
Di tích lịch sử bị thiệt hại sau cơn bão số 9:

Khách tham quan giảm

Cập nhật: 10:06, 26/05/2007 (GMT+7)

Di tích Bạch Dinh (TP. Vũng Tàu) bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 9 nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để trồng thêm cây xanh, hoàn thiện hệ thống điện nước

Mặc dù đã gần nửa năm trôi qua, kể từ khi cơn bão số 9 đi qua, sau khi làm công tác khắc phục tạm thời thiệt hại sau bão hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh đã mở cửa đón khách trở lại. Tiếp đó, bảo tàng tổng hợp tỉnh đã lập dự toán sửa chữa đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa những thiệt hại do bão nhưng đến nay các di tích vẫn đang trong tình trạng “kêu cứu”.

Cơn bão số 9 cuối năm 2006 đi qua, 22 trong tổng số 31 di tích ở Bà Rịa – Vũng Tàu được xếp hạng Quốc gia bị thiệt hại thì di tích Bạch Dinh (TP. Vũng Tàu) bị thiệt hải nặng nề nhất. Do nằm ở vị trí trên cao nên có đến 90% mái ngói bị gió giật tung xuống đất. Ngay sau đó Bảo tàng tổng hợp tỉnh, đã có báo cáo cho biết hệ thống cấp nước, cấp điện cho khi di tích Bạch Dinh bị hư hỏng hoàn toàn, 18 trụ điện cao áp bị bẻ gãy; 64 bóng đèn và hàng trăm chậu cây cảnh bị vỡ; 6 công trình phụ bị tốc mái hoàn toàn. Thiệt hại lớn nhất là 200 cây giá tỵ và gần 100 cây sứ cổ thụ bị gãy đổ. Sau khi bão đi qua, ngành VHTT đã nỗ lực để tìm biện pháp khắc phục như dọn vệ sinh, khắc phục tạm thời hệ thống điện, nước, mở cửa phòng trưng bày phục vụ khách tham quan.

Sau cơn bão số 9, lượng khách đến tham quan các khu trưng bày ngày càng giảm

Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh cho biết: “Ngay sau bão, chúng tôi đã lập dự toán trình lên UBND tỉnh đề nghị cấp kinh phí 1 tỷ đồng để sửa chữa những thiệt hại do bão số 9 gây ra. Nhưng đến nay, 6 di tích thuộc quản lý của Bảo tàng (di tích Bạch Dinh, 86 Phan Chu Trinh, di tích Đồn Nhà máy nước, Thích ca phật đài, Núi Dinh và địa đạo Long Phước) và nhiều di tích khác có hệ thống điện nước, cây kiểng, bia di tích bị hư hại vẫn chưa được khắc phục sửa chữa hoàn thiện. Nhà cửa vẫn bị thấm dột mỗi lúc trời mưa gió…”. Chị Lê Thị Lưu, thuyết minh viên di tích Bạch Dinh, cho biết: “Sau bão số 9, cây cối bị gãy đổ nhiều, cảnh quan Bạch Dinh không đẹp như trước nữa, thêm vào đó là hệ thống điện nước trong phòng trưng bày hiện vật chưa hoàn thiện nên lượng khách đến tham quan giảm”. Thêm vào đó là đề án xây dựng Nhà Bảo tàng suốt gần 14 năm qua (từ năm 1993) đến nay vẫn chưa được xây dựng nên hơn 20.000 hiện vật, tư liệu vẫn chất đầy trong kho… chưa có chỗ trưng bày.

Cũng tại TP. Vũng Tàu, di tích Thích ca Phật đài sau bão số 9 bị tốc mái 50%, nước mưa làm hư hỏng một bức tranh sơn dầu khổ lớn. Nhiều hiện vật khác bị cuốn theo gió hoặc bị hoen ố. Đến nay, di tích này chỉ mới được khắc phục phần mái lợp. Đáng quan tâm nhất là di tích Viba trên đỉnh Núi Lớn, bão số 9 đã đánh sập một dàn, dàn còn lại rung rinh. Nhưng đến nay, dù đã nằm trong quy chế phân cấp quản lý, xây dựng dự án trùng tu, phục chế nhưng di tích Viba vẫn đang “kêu cứu” bởi dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Tương tự TP. Vũng Tàu, phòng trưng bày truyền thống tại các di tích địa đạo Long Phước (TX. Bà Rịa), di tích Núi Dinh (huyện Tân Thành), nhà truyền thống nữ anh hùng Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ)… cũng chỉ mới khắc phục tạm thời để mở cửa đón khách.

Bài, ảnh: Hữu Minh