 |
“Ước mơ” của Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2010 sẽ đón được 7 triệu lượt du khách, trong đó có 360 ngàn khách quốc tế. Trong ảnh: Đi dạo TP. Vũng Tàu bằng xích lô là niềm thích thú của du khách |
Đó là chủ đề chính của “Hội nghị góp ý về chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn 2015”, do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức ngày 15-5-2007.
“Hội nghị góp ý về chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015”, tổ chức tại Khách sạn Mỹ Lệ hôm 15-5-2007, đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự. Nhiều năm qua, đây có lẽ là hội nghị liên quan đến ngành du lịch quy tụ được đông đảo các “nhân vật quan trọng” nhất, chiếm hơn 90% đại biểu là giám đốc điều hành và tổng giám đốc doanh nghiệp. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh, trăn trở: “Mục tiêu chính của hội nghị là bàn về hành động và giải pháp phát triển kinh tế du lịch. Do đó, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, chúng ta hãy cùng nhau trả lời cho câu hỏi: Làm gì để du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu không tụt hậu mà phải cất cánh, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn sắp tới…”.
Trong phần đánh giá kết quả thực trạng phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2001-2005, dự thảo “Chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015” cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại yếu kém để làm bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn tới như: So với tiềm năng sẵn có về điều kiện tự nhiên, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được đầu tư và phát triển chưa tương xứng, chưa có những bước đột phá để tạo ra sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với các địa phương khác. Nguyên nhân là do chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa ngành du lịch với các ngành liên quan đến thủ tục đầu tư và nghiên cứu sản phẩm dịch vụ, chưa đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng và chưa có chính sách phù hợp đề làm đòn bẩy phát triển du lịch, các giải pháp tích cực làm hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và xã hội không hiệu quả, công tác quảng bá hình ảnh chưa đa dạng… |
Thay mặt ban tổ chức, bà Trịnh Ngọc Hoàn, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Du lịch), đã đọc dự thảo “Chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015”. Trong đó một lần nữa khẳng định quan điểm xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao. Quyết tâm từ nay đến năm 2010 tập trung mọi nguồn lực từng bước xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với tiềm năng vốn có, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. Theo dự thảo, mục tiêu cụ thể của “Chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015” là: Tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu du lịch theo quy hoạch; Hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án lớn như: Khu du lịch cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ, Khu du lịch lâm viên văn hóa Minh Đạm, Vườn thú hoang dã Safari, Khu du lịch phức hợp Saigon - Atlantic, Khu du lịch Asian Coast, Khu du lịch Hồ Cốc, Khu du lịch Biển Xanh, Khu du lịch - biệt thự Thanh Bình…; Xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế; Tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng - giải trí - hội nghị (MICE), du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch sinh thái; Đa dạng các sản phẩm du lịch và tạo thêm các tour tuyến mới, nhiều điểm vui chơi giải trí phong phú để thu hút du khách. Chương trình phát triển kinh tế du lịch giai đoạn từ nay đến 2010 dự kiến phấn đấu đạt tổng doanh thu du lịch 6.510 tỷ đồng; đến năm 2010 dự kiến có thể đón tiếp và phục vụ 7 triệu lượt khách/năm, nâng tổng doanh thu du lịch tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Chương trình cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu trên, trong đó nhấn mạnh đến việc: Đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho du lịch để tạo nhiều sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch cao cấp; Cải thiện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để phát triển du lịch; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…
Vì được tiếp thêm “lửa” từ “đơn đặt hàng” cởi mở, chân tình của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Sanh ngay trong phần khai mạc nên “Hội nghị góp ý về chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015” đã sôi nổi với những góp ý của các đại biểu. Hội nghị kéo dài quá 12 giờ trưa mà vẫn còn nhiều đại biểu muốn “đăng đàn”, nhưng thời gian không cho phép nên các ý kiến còn lại được tổng hợp thành văn bản để gửi cho ban tổ chức. Điều này cho thấy hội nghị đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Trước những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, nhiệt tình và thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển du lịch tỉnh nhà của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Sanh ghi nhận và cam kết sẽ chỉ đạo ban soạn thảo “Chương trình Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015” nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Và để chương trình hành động phát triển kinh tế du lịch thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, đồng thời sẽ tranh thủ thêm ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, nếu cần thiết sẽ mở diễn đàn trên báo chí để toàn dân đóng góp và hiến kế…
Bài, ảnh: Thế Hưng
Ông Bùi Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty Agribank Tour:
Quy hoạch manh mún dẫn đến sản phẩm nghèo nàn
Theo tôi, vấn đề quy hoạch đầu tư hạ tầng quyết định cho sự ra đời của sản phẩm. Tư duy nào cho ra đời sản phẩm ấy, quy hoạch manh mún sẽ dẫn đến sản phẩm nghèo nàn, lạc hậu và có khi thiếu văn minh - văn hóa. Để có được sản phẩm chất lượng cao, hội nhập được thị trường du lịch quốc tế, chính quyền cần chú trọng đi sâu vào vấn đề quy hoạch đầu tư phát triển và làm tốt hơn nữa chức năng đi trước mở đường cho doanh nghiệp. Chúng ta muốn thu hút khách cao cấp nhưng về quy hoạch sắp xếp thì lại để quán cơm, nhà trọ bình dân phát triển ồ ạt, kéo theo đó là những tệ nạn xã hội… Cho nên yếu tố chấn chỉnh, xem xét lại vấn đề hoạch định chính sách quy hoạch đầu tư rất quan trọng, nó quyết định cho sự ra đời của sản phẩm, chương trình phát triển du lịch sắp tới phải lưu ý điểm này. Nhiệm vụ này thuộc về chính quyền chứ không thuộc vào doanh nghiệp!
Bà Hoàng Thị Phương Dung, Giám đốc Kỳ Vân Resort:
Thiếu liên kết trong việc quảng bá du lịch
Cái yếu nhất của chính quyền cũng như doanh nghiệp du lịch lâu nay, theo tôi, đó là đặt nặng tiền vào đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất mà xem nhẹ khâu quảng bá. Nếu có thì cũng chỉ mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết trong việc bán địa danh du lịch, tranh nhau bán sản phẩm của mình. Vì quảng bá kém nên thời gian qua Bà Rịa - Vũng Tàu gần như vắng bóng trong danh sách điểm đến của các hãng lữ hành quốc tế, trong khi miền Trung kém lợi thế hơn thì lại đông khách quốc tế bởi họ biết liên kết, cùng nhau đánh bóng tên tuổi nhau bằng chiến dịch tiếp thị mang tên “Con đường di sản…”. Vì vậy, trong chương trình phát triển kinh tế du lịch sắp tới, cần chú trọng nhiều hơn đến vai trò của quảng bá hình ảnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu cần thiết trích một phần doanh thu toàn ngành để thuê công ty tiếp thị chuyên nghiệp của nước ngoài làm việc này. Giai đoạn đầu ngân sách gánh, giai đoạn sau doanh nghiệp chịu trên cơ sở doanh thu có được từ nguồn khách quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Lạc, Giám đốc Nhà hàng Hải Phương:
Phải xây ngôi nhà chung để cùng phát triển
Phát triển thường đi đôi với mai một các sản phẩm, làng nghề, lễ hội truyền thống. Vì vậy, trong phần phát triển các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch, chương trình dự thảo có đưa ra hướng phục hồi những “món ăn tinh thần” đặc sản của Bà Rịa - Vũng Tàu là rất cần thiết. Tuy nhiên, ban soạn thảo phải đưa ra được giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể, ai làm và bao giờ làm, không nên liệt kê chung chung thiếu tính khả thi rồi để “treo” đó. Ở phần phát triển loại hình du lịch ẩm thực cũng vậy, chương trình liệt kê những món ăn đặc sắc, mang đậm hương vị Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển như: canh chua tương me, gỏi cá, ốc len xào dừa (Phước Hải), bánh khọt (Vũng Tàu), rượu đế Hòa Long, ốc vú nàng (Côn Đảo)…. Ý tưởng này rất hay, nhưng để nó trở thành hiện thực thì chính quyền phải tạo ra được ngôi nhà chung, ở đó mỗi doanh nghiệp là một viên gạch đoàn kết, phát triển lành mạnh.
Ông Phạm Tuấn, Quyền Giám đốc OSC Việt Nam:
Nên có chính sách thu hút lao động giỏi
Dự báo đến năm 2010 với sự phát triển của 79 dự án đầu tư du lịch, trong đó có nhiều dự án tiểu chuẩn 5 sao, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cần thêm khoảng gần 1.000 lao động chuyên môn đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong khi đó, nhân lực đáp ứng cho ngành du lịch rất hạn chế, thu nhập khiêm tốn và sự đào thải khắt khe nên không mấy hấp dẫn người lao động. Lâu nay, bên cạnh sự trông chờ vào các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững đều phải có kế hoạch củng cố và phát triển nguồn nhân lực cho mình. Do đó, ở phần đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong chương trình “Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015” nên xem xét thêm về số lượng và cấp độ đào tạo ở từng bậc học trước đòi hỏi thực tế, đồng thời nghiên cứu áp dụng chính sách hỗ trợ để thu hút nguồn lao động giỏi. Có như thế mới kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của địa phương trong tương lai.