.
TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kỳ 2: Đi trước, đón đầu

Cập nhật: 19:45, 10/07/2020 (GMT+7)

Để tạo đà cho ngành công nghiệp phát triển, 5 năm qua tỉnh đã đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN; hệ thống giao thông; cảng biển, logictisc… Nhờ đó, việc lựa chọn được dự án theo định hướng mới về phát triển ngành công nghiệp chất lượng cao đã có nhiều kết quả tích cực.

Hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3
Hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3

ĐÁP ỨNG ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

Mục tiêu mà Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ mà tỉnh đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chất lượng cao chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các DN ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng đạt 70% tổng giá trị sản phẩm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Quy hoạch, không gian các KCN được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó đã điều chỉnh diện tích KCN B1- Conac, thay đổi công năng KCN dầu khí Long Sơn, thành lập mới KCN ứng dụng công nghệ cao Hắc Dịch; KCN Phú Mỹ 3, KCN Đá Bạc cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được nhiều dự án công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Theo đánh giá của Sở Công thương, đa phần dự án đầu tư trong 5 năm trở lại đây đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng và sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu... Ngoài ra, tỉnh đã có quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Có thể nói, đến giai đoạn hiện nay, quy hoạch ngành công nghiệp trên địa bàn đã đáp ứng được định hướng chung của tỉnh “đi trước đón đầu”, phát triển công nghiệp công nghệ cao, mạnh về kinh tế biển.

Sản xuất các sản phẩm điện tử và công nghiệp tự động hoá tại  Công ty TNHH O.N Vina (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ)
Sản xuất các sản phẩm điện tử và công nghiệp tự động hoá tại Công ty TNHH O.N Vina (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ)

ĐỊNH HÌNH KCN KIỂU MẪU

Theo các chuyên gia, trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, điều đầu tiên DN cần là không chỉ lợi thế địa lý, về hạ tầng mà còn là những tiện ích từ KCN mang lại. So sánh lợi thế của các KCN tại BR-VT đều có vị trí địa lý thuận lợi, gần các cảng biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, ở đâu có môi trường đầu tư tốt, cơ chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các DN sẽ tập trung đầu tư. Từ thực tế thu hút đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho thấy, ngoài hệ thống hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ thì KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 còn “ghi điểm” với các nhà đầu tư bằng việc cung cấp các dịch vụ như: điện, nước, khí gas tự nhiên, khí gas công nghiệp, thông tin viễn thông đến các nhà máy với chất lượng cao. Bên cạnh đó, dịch vụ một cửa của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã hỗ trợ các nhà đầu tư mọi mặt về pháp lý, kỹ thuật toàn diện trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, đã và đang được các nhà đầu tư tin tưởng và đánh giá rất cao.

Đến nay KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã thu hút được 20 dự án thuộc các ngành công nghiệp “sạch” như: Công ty TNHH Nitori BR-VT, Công ty TNHH Yoshino Việt Nam, Công ty CP ZOCV, Công ty TNHH Sojitz Việt Nam, Công ty CP Marubeni, Công ty TNHH Nippon Paper Industries, Công ty TNHH Việt Nhật Shirogane Logistic, Công ty CP hóa chất hiếm Việt Nam…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn chủ đầu tư KCN Cái Mép thông tin: Tại thời điểm này, KCN Cái Mép đã được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn thiện, có mạng lưới dịch vụ hỗ trợ nhiều tiện ích như viễn thông, điện, khí gas, dịch vụ ngân hàng, bưu điện, hải quan, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường đều tuân theo các quy định nghiêm ngặt của cơ quan chức năng cùng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, KCN Cái Mép có thể tiếp nhận nhiều dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là các ngành luyện kim, hóa chất, cơ khí chế tạo, sửa chữa tàu thuyền, xăng dầu, khí đốt, chế biến nông sản và thực phẩm…Theo đó, hiện KCN đã thu hút được 11 nhà đầu tư với tổng diện tích đất cho thuê hơn 210ha. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất hạt nhựa Hyosung, Nhà máy bột mì Interflour Việt Nam, Nhà máy Khí hóa lỏng LPG, Dự án Condensate, Nhà máy sản xuất mạch nha Intermalt Việt Nam, Nhà máy sản xuất đất hiếm VREC...

Đặc biệt, để phát huy hiệu quả các KCN, tạo thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hiện hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải và các tuyến đường huyết mạch kết nối cảng biển và các KCN như 991B, Phước Hòa - Cái Mép, Long Sơn - Cái Mép… đang được đầu tư xây dựng. Ông Kim Hyeung Jun, Giám đốc Bộ phận xây dựng Cảng Hyosung Vina Chemicals cho biết: “Lý do để Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina chọn BR-VT để đầu tư nhà máy sản xuất hạt nhựa PP và Cảng Hyosung tại BR-VT vì nơi đây được đánh giá hội tụ đầy đủ các yếu tố để thu hút đầu tư về công nghiệp vì có hệ thống cảng biển hiện đại, thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu. Trong tương lai các sản phẩm của Hyosung không chỉ đáp ứng cho việc sản xuất các ngành công nghiệp trong nước mà hơn 50% sản phẩm sẽ xuất khẩu ra nước ngoài”.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

 
.
.
.