Phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường
Muốn thúc đẩy đầu tư bền vững và phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường thì BR-VT cần phải có mục tiêu rõ ràng đối với các DN quốc tế và DN địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh thái, bao gồm cả mô hình KCN sinh thái.
KCN Đất Đỏ 1, là một trong những KCN đang hướng đến mô hình KCN sinh thái. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Trước đây, BR-VT đã sớm thúc đẩy tập trung các ngành công nghiệp nặng, hóa chất và công nghiệp vật liệu do có hệ thống hạ tầng hoàn thiện như đường sá, cảng biển, cung cấp ổn định điện và nước sạch, sản xuất dầu và khí thiên nhiên. Từ năm 2008, vấn đề môi trường như ô nhiễm nguồn nước trở nên nghiêm trọng, do đó, BR-VT đã thực hiện chính sách hạn chế thu hút và cấp phép đầu tư cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Kết quả là đầu tư mới vào tỉnh bị chững lại. Nhằm giúp tỉnh cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, JICA đã hỗ trợ tỉnh đưa ra định hướng cho “Chiến lược phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường” và được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 9/2018. Theo đó, BR-VT cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và đưa ra mô hình KCN sinh thái điển hình cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nghị định 82/2018/NĐ-CP được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 22/5/2018 là văn bản pháp lý đầu tiên liên quan đến KCN sinh thái. Nghị định này đưa ra định nghĩa về KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp cũng như một số quy định về phát triển KCN sinh thái. Để khuyến khích các DN tham gia vào phát triển mô hình KCN sinh thái, Nghị định 82 đưa ra khung quy định về một số ưu tiên đầu tư chung cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các DN trong KCN như cung cấp vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường, Ngân hàng phát triển Việt Nam, ưu đãi về thuế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật… Mặc dù Nghị định 82 là động lực quan trọng cho việc phát triển KCN sinh thái nhưng các quy định chi tiết để tiến hành KCN sinh thái ở Việt Nam chưa được ban hành chính thức. Vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến cơ sở pháp lý cho KCN sinh thái, bao gồm số liệu và các tiêu chuẩn, hướng dẫn về tái sử dụng nguồn phế liệu, chất thải và nước thải. Áp dụng yêu cầu tối thiểu của các chỉ số về xã hội, kinh tế và môi trường cho các KCN sinh thái là yếu tố quan trọng cho việc triển khai các mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam.
Vậy tỉnh BR-VT cần phải có hành động gì để thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh thái? Thứ nhất, chính quyền tỉnh phải có mục tiêu rõ ràng đối với các DN quốc tế và DN địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh thái bao gồm cả mô hình KCN sinh thái.
Trong chuyến thăm BR-VT ngày 30/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và yêu cầu 8 tỉnh, thành phố (BR-VT, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) tận dụng lợi thế của từng tỉnh và phối hợp với nhau để thu hút đầu tư không chỉ cho sự phát triển kinh tế của từng tỉnh mà đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của cả vùng. Theo đó, BR-VT cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và đưa ra mô hình KCN sinh thái điển hình cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự lãnh đạo và chỉ đạo rõ ràng của các cán bộ lãnh đạo tỉnh là vô cùng cần thiết. Một yếu tố quan trọng là chính quyền trung ương phải xây dựng chính sách đồng bộ tạo cơ sở pháp lý trong đó thể hiện rõ nhu cầu thực thế và các vấn đề tồn tại ở địa phương như BR-VT. Với định hướng rõ ràng của tỉnh BR-VT về mục tiêu và mục đích cũng như các chương trình hành động, với vai trò là đối tác chiến lược của BR-VT, JICA rất mong hợp tác hỗ trợ tỉnh trong công tác xây dựng chính sách. Trong thời gian qua JICA đặc biệt nhấn mạnh hướng tiếp cận tăng trưởng kinh tế dựa vào tỉnh tại Việt Nam. JICA tiếp tục xem xét hỗ trợ BR-VT theo hướng này thông qua các hình thức hỗ trợ khác nhau (vốn vay, tài chính đầu tư lĩnh vực tư nhân, hợp tác kỹ thuật, đào tạo, khảo sát…).
SHIMIZU AKIRA
Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam