.

Tháng Tư, về thăm Mẹ

Cập nhật: 18:14, 22/04/2025 (GMT+7)

Chiến tranh đi qua, các Mẹ VNAH đã nuốt nước mắt vào trong, nén đau thương để trở thành tấm gương sáng, “cây cao bóng cả” cho con cháu noi theo.

Ở tuổi 96, Mẹ VNAH Trần Thị Đường vẫn minh mẫn, sống vui vẻ bên con gái.
Ở tuổi 96, Mẹ VNAH Trần Thị Đường vẫn minh mẫn, sống vui vẻ bên con gái.

Chỉ tiếc chồng con không thấy quê hương giải phóng

Tháng Tư, chúng tôi về ấp Đông, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa thăm Mẹ VNAH Trần Thị Đường, bước sang tuổi 96, tóc mẹ đã bạc trắng, sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Dù có nhiều chuyện mẹ không còn nhớ rõ nhưng khi nhắc đến chồng, con đã hy sinh, mẹ lại nhớ như in.

Thắp nén hương thơm lên bàn thờ chồng và các con trong những ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, Mẹ Trần Thị Đường rưng rưng niềm tiếc thương. Trong ánh mắt của mẹ xen lẫn nỗi đau và niềm tự hào. Mẹ đã sống một cuộc đời sáng ngời lý tưởng cách mạng, hiến dâng chồng và con ưu tú cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Chị Trần Thị Cát-con gái Mẹ là người chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho Mẹ từ nhiều năm nay. Chị Cát cho biết, những năm trước, khi sức khỏe tốt, Mẹ vẫn còn chăm làm vườn, trồng rau, trồng cây. Năm nay, chân Mẹ yếu nên đi lại khó khăn hơn. “Nhiều năm qua, tháng nào Mẹ cũng được bác sỹ vào thăm khám sức khỏe, phát thuốc”, chị Cát yên tâm nói.

Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn gương mẫu, nhắc nhở người thân trong gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào ở địa phương. “Mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi sống có ích để không phụ lòng những người đã vào sinh, ra tử nơi chiến trường như ba và anh trai của tôi”, chị Cát nói...

Đến xã Long Phước, TP. Bà Rịa, chúng tôi ghé thăm Mẹ VNAH Trần Thị Lưỡng. Cuộc đời của mẹ Lưỡng gánh chịu mất mát khôn nguôi. Mới 19 tuổi, Mẹ nhận tin chồng hy sinh khi hạnh phúc chưa trọn. Đi thêm bước nữa, chồng sau-liệt sĩ Trần Văn Lỏi và con trai Trần Văn Cây cũng lần lượt ngã xuống. Một mình Mẹ vừa nuôi 3 con thơ, vừa tiếp tế cho du kích giữa bom đạn.

Giọng Mẹ nghẹn lại: “Chỉ tiếc chồng con không được thấy ngày quê mình giải phóng...”. Câu nói ấy của Mẹ chất chứa cả bi tráng một thời máu lửa. Đằng sau danh hiệu cao quý là những hy sinh không gì đo đếm được-của Mẹ, của hàng vạn bà mẹ Việt Nam đã cống hiến cả gia đình mình cho Tổ quốc”. 

Giờ đây, trong cuộc sống yên bình bên con cháu, Mẹ Lưỡng luôn căn dặn  phải biết quý trọng độc lập, tự do, làm ăn thật tốt, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ trong gia đình đến nơi làm việc.

Trọn hiếu với Mẹ

Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 1.000 Mẹ VNAH. Đến nay, 9 Mẹ VNAH còn sống đều được các DN, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng. các cấp, ngành, con cháu trong gia đình quan tâm chăm lo, phụng dưỡng để sống vui vầy, đầy đủ trong những năm tháng tuổi già.

Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn, thời gian qua, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm chăm sóc, thăm hỏi động viên Mẹ VNAH. Các dịp lễ, Tết luôn có cán bộ địa phương, đoàn viên thanh niên về với Mẹ. Những hoạt động đó đã tô thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo hiếu trọn vẹn với Mẹ.

Tháng Tư lịch sử, thêm một lần, nhắc nhở chúng ta quý trọng giá trị của hòa bình, biết ơn vô hạn các Mẹ VNAH, những người đã chịu nhiều đau thương, mất mát vì độc lập, tự do.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
.
.
.