SÁP NHẬP BÀ RỊA-VŨNG TÀU, BÌNH DƯƠNG VÀ TP.HỒ CHÍ MINH

Cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ

Chủ Nhật, 27/04/2025, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ họp thứ 29 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh diễn ra vào sáng 27/4 đã thông qua 5 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Nghị quyết về việc tán thành chủ trương nhập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, với 100% đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết đồng ý.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là thực sự cần thiết

Theo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh có 77 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (gồm 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn), sau sắp xếp còn 30 ĐVHC cấp xã, gồm: 11 phường, 18 xã và 1 đặc khu; giảm 47 ĐVHC cấp xã, đạt tỷ lệ giảm 61,04%.

ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH

Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, đề án sắp xếp cấp xã, cấp tỉnh 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 5 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết liên quan đến việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu hồ sơ, tài liệu, mẫu biểu và đề án gửi Chính phủ trước ngày 30/4.

Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng các nội dung liên quan theo phân công và chức năng, nhiệm vụ để triển khai ngay Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Tỉnh sắp xếp ĐVHC cấp xã với mục tiêu mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền hiện hữu; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững. Đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề còn bất cập trong công tác quản lý địa giới hành chính, tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn; gắn kết với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Sau sắp xếp, Bà Rịa-Vũng Tàu còn 30 đơn vị hành chính cấp xã

1. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường 1, 2, 3, 4, 5, Thắng Nhì, Thắng Tam, TP.Vũng Tàu thành một ĐVHC, đặt tên là phường Vũng Tàu, trụ sở tại UBND TP.Vũng Tàu.

2. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường 7, 8, 9, Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu thành một ĐVHC, đặt tên là phường Tam Thắng, trụ sở tại UBND phường Nguyễn An Ninh.

3. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường 10, Thắng Nhất, Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu thành một ĐVHC, đặt tên là phường Rạch Dừa, trụ sở tại UBND phường 10.

4. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường 11, 12, TP.Vũng Tàu thành một ĐVHC, đặt tên là phường Phước Thắng, trụ sở tại UBND phường 12.

5. Giữ nguyên toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

6. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Phước Trung, Phước Nguyên, Long Toàn, Phước Hưng, TP.Bà Rịa thành một ĐVHC, đặt tên là phường Bà Rịa, trụ sở tại UBND TP.Bà Rịa.

7. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Kim Dinh, phường Long Hương, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa thành một ĐVHC, đặt tên là phường Long Hương, trụ sở tại UBND phường Kim Dinh.

8. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Long Tâm, xã Hòa Long, xã Long Phước, TP.Bà Rịa thành một ĐVHC, đặt tên là phường Tam Long, trụ sở tại UBND xã Hòa Long.

9. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Mỹ Xuân, phường Phú Mỹ, TP.Phú Mỹ thành một ĐVHC, đặt tên là phường Phú Mỹ, trụ sở tại UBND TP.Phú Mỹ.

10. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hắc Dịch, xã Sông Xoài, TP.Phú Mỹ thành một ĐVHC, đặt tên là phường Tân Thành, trụ sở tại UBND phường Hắc Dịch.

11. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tân Phước, phường Phước Hòa, TP.Phú Mỹ thành một ĐVHC, đặt tên là phường Tân Phước, trụ sở tại UBND phường Phước Hòa.

12. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tân Hòa, phường Tân Hải, TP.Phú Mỹ thành một ĐVHC, đặt tên là phường Tân Hải, trụ sở tại UBND phường Tân Hải.

13. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Châu Pha, xã Tóc Tiên, TP.Phú Mỹ thành một ĐVHC, đặt tên là xã Châu Pha, trụ sở tại UBND xã Châu Pha.

14. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Ngãi Giao, xã Bình Ba, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức thành một ĐVHC, đặt tên là xã Ngãi Giao, trụ sở tại UBND huyện Châu Đức.

15. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Bình Giã, Bình Trung, Quảng Thành, huyện Châu Đức thành một ĐVHC, đặt tên là xã Bình Giã, trụ sở tại UBND xã Bình Giã.

16. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Kim Long, xã Bàu Chinh, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thành một ĐVHC, đặt tên là xã Kim Long, trụ sở tại UBND thị trấn Kim Long.

17. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cù Bị, xã Xà Bang, huyện Châu Đức thành một ĐVHC, đặt tên là xã Châu Đức, trụ sở tại UBND xã Xà Bang.

18. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Suối Rao, Xuân Sơn, Sơn Bình, huyện Châu Đức thành một ĐVHC, đặt tên là xã Xuân Sơn, trụ sở tại UBND xã Xuân Sơn.

19. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đá Bạc, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức thành một ĐVHC, đặt tên là xã Nghĩa Thành, trụ sở tại UBND xã Nghĩa Thành.

20. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Phước Bửu, xã Phước Tân, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc thành một ĐVHC, đặt tên là xã Hồ Tràm, trụ sở tại UBND huyện Xuyên Mộc.

21. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Xuyên Mộc, Bông Trang, Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc thành một ĐVHC, đặt tên là xã Xuyên Mộc, trụ sở tại UBND xã Bông Trang.

22. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Hòa Hội, Hòa Bình, Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc thành một ĐVHC, đặt tên là xã Hòa Hội, trụ sở tại UBND xã Hòa Bình.

23. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bàu Lâm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc thành một ĐVHC, đặt tên là xã Bàu Lâm, trụ sở tại UBND xã Bàu Lâm.

24. Giữ nguyên toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

25. Giữ nguyên toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

26. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Đất Đỏ, các xã Láng Dài, Long Tân, Phước Long Thọ, huyện Long Đất thành một ĐVHC, đặt tên là xã Đất Đỏ, trụ sở tại UBND huyện Long Đất.

27. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Long Hải, xã Phước Tỉnh, xã Phước Hưng, huyện Long Đất thành một ĐVHC, đặt tên là xã Long Hải, trụ sở tại UBND thị trấn Long Hải.

28. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Long Điền, xã Tam An, huyện Long Đất thành một ĐVHC, đặt tên là xã Long Điền, trụ sở tại UBND huyện Long Điền cũ.

29. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TT.Phước Hải, xã Phước Hội, huyện Long Đất thành một ĐVHC, đặt tên là xã Phước Hải, trụ sở tại UBND xã Phước Hội.

30. Chuyển nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Côn Đảo thành đặc khu Côn Đảo.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh là thực sự cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các ĐVHC có liên quan; đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đúng theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi), Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ; phù hợp với các định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Các ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp đều đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng theo quy định và được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ.

Phân bổ 1.000 tỷ đồng triển khai dự án đường cao tốc kết nối sân bay Long Thành

Kỳ họp cũng thông qua 3 nghị quyết quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đó là: Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh; Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh; Nghị quyết thông qua danh mục bổ sung dự án có thu hồi đất để thực hiện trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tại Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, HĐND tỉnh quyết nghị thống nhất số vốn chưa phân bổ còn lại sau điều chỉnh là 2.993,1 tỷ đồng, gồm: Số vốn bố trí dự kiến phân bổ cho 6 dự án cấp tỉnh quyết định đầu tư là 2.509,3 tỷ đồng; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để đầu tư 1 dự án còn lại tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND (Xây dựng nhà tang lễ kết hợp với lò hỏa thiêu và khu lưu tro cốt huyện Côn Đảo) với số vốn 10 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ còn lại là 473,8 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sau khi được cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư và các tình huống phát sinh khác khi đủ điều kiện theo quy định.

Trong 6 dự án được phân bổ 2.509,3 tỷ đồng, có 4 dự án về hạ tầng giao thông. Đáng chú ý là dự án đường cao tốc kết nối sân bay Long Thành đến khu vực Hồ Tràm được phân bổ 1.000 tỷ đồng trong năm 2025.

Tuyến cao tốc nối sân bay Long Thành đến Hồ Tràm có điểm đầu kết nối với dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn huyện Châu Đức) và điểm cuối kết nối với đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc) với tổng chiều dài khoảng 41km; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17 ngàn tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.500 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông kết nối thẳng với sân bay Long Thành, là phương thức giao thông nhanh nhất, ngắn nhất để phát triển khu vực Hồ Tràm hiệu quả hơn.

Dự án trên đã được UBND tỉnh có văn bản đề xuất trình Chính phủ và được chấp thuận triển khai, thuộc nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh quy hoạch, tiến tới triển khai thực hiện theo quy định.

Phối hợp với TP.Hồ Chí Minh hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục

Tại Nghị quyết về việc tán thành chủ trương nhập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, HĐND tỉnh quyết nghị: Tán thành chủ trương nhập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh thành 1 thành phố trực thuộc Trung ương. Tên gọi sau sắp xếp là TP.Hồ Chí Minh, có trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP.Hồ Chí Minh hiện nay.

HĐND tỉnh giao UBND tỉnh phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, TP.Hồ Chí Minh mới có diện tích tự nhiên 6.772,59 km2 và quy mô dân số 13.706.632 người; Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại số 86, đường Lê Thánh Tôn, TP.Hồ Chí Minh.

TP.Hồ Chí Minh mới là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, sắp xếp ĐVHC cấp xã; bảo đảm sau sắp xếp TP.Hồ Chí Minh mới là thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi).

Việc thành lập TP.Hồ Chí Minh mới nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Bài, ảnh: PHÚC LƯU

;
.