.
KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ GIẢI PHÓNG CÔN ĐẢO

Côn Đảo ngày ấy, bây giờ trong ký ức vị tướng già

Cập nhật: 15:09, 18/04/2025 (GMT+7)

Với những người từng trải qua những năm tháng lao tù khắc nghiệt tại Côn Đảo, hòn đảo này đã trở thành một phần máu thịt, gắn liền với ký ức không thể nào quên. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Châu Văn Mẫn (SN 1950, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an) là một trong số đó.

Trung tướng, AHLLVTND Châu Văn Mẫn tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã mãi nằm lại nơi đất thiêng Côn Đảo.
Trung tướng, AHLLVTND Châu Văn Mẫn tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã mãi nằm lại nơi đất thiêng Côn Đảo.

Những năm tháng hào hùng

Trong những lần về thăm Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, đồng đội, đồng chí của ông. Bước chân chậm rãi trên những con đường rợp bóng cây xanh, ông dừng lại trước từng ngôi mộ, khẽ chạm tay lên bia đá, gọi tên những người đã khuất. Ánh mắt ông đượm buồn, nhưng trong đó cũng ánh lên niềm tự hào về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.

Dẫn chúng tôi đến trước bia Tưởng niệm trại 1-6B (từ 17/11/1974 gọi là trại Phú An khu B), Trung tướng Châu Văn Mẫn bồi hồi nhớ lại: Năm 1970, khi mới tròn 20 tuổi, trong một lần gặp gỡ cơ sở bí mật tại vùng địch kiểm soát ở chiến trường Tây Nguyên, ông bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Buôn Mê Thuột. Từ những trận đòn roi, tra tấn dã man cho đến các biện pháp mua chuộc, dụ dỗ moi thông tin đều không có kết quả nên địch đã chuyển ông từ Buôn Mê Thuột đến trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo).

Những ngày đầu, ông bị giam ở phòng giam số 13 Trại 6A, sau đó, địch thanh lọc ông cùng hơn 800 tù nhân ở các trại đưa về tập trung giam giữ tại Trại 6B để thực hiện âm mưu mở lớp thí điểm tâm lý chiến Côn Sơn. Từ cuối năm 1971 - 1974, ông bị địch giam giữ tại Phòng giam số 9 của Trại 6B. Nơi đây đã trở thành thành địa bàn hoạt động cách mạng hiệu quả, kiên trung của ông và đồng đội.

“Phòng giam nhỏ này là nơi kẻ địch nhồi nhét đến hơn 80 anh em tù chính trị. Trong điều kiện bị giam cầm khắc nghiệt, những trận đòn roi tàn khốc, chích điện, bỏ đói của địch… càng bùng lên ý chí bất khuất, kiên trung, một lòng theo Đảng, theo cách mạng của chúng tôi”, Trung tướng Châu Văn Mẫn xúc động kể.

Ông cũng kể cho chúng tôi nghe về những đêm dài thức trắng vì nhớ nhà, nhớ đồng đội. Những câu chuyện ấy, dù đã được kể nhiều lần, vẫn luôn khiến người nghe nghẹn ngào, cảm phục ý chí kiên cường của những người chiến sĩ cộng sản.

Dâng lên những nén hương tưởng nhớ đồng đội, bao nhiêu ký ức về những ngày nhường nhau từng ngụm nước, che chở nhau trước đòn roi của cai ngục lại ùa về trong ký ức của vị tướng già. Tình cảm ấy đã trở thành kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên trong cuộc đời ông.

Côn Đảo ngày nay

Mỗi lần về thăm Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn bày tỏ sự vui mừng và tự hào trước sự đổi thay của huyện đảo ngày nay. Những con đường được mở rộng, những ngôi nhà, trường học khang trang mọc lên, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Côn Đảo ngày nay đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, một vùng đất thanh bình và đáng sống.

Trong câu chuyện kể cho thế hệ trẻ, ông bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của Côn Đảo. Với tiềm năng về du lịch, giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, Côn Đảo có thể trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, sự phát triển cần đi đôi với việc bảo tồn những di tích lịch sử, giữ gìn môi trường tự nhiên, để Côn Đảo mãi là một chứng nhân lịch sử, một biểu tượng của ý chí đấu tranh và khát vọng hòa bình.

Côn Đảo ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng dấu tích của quá khứ vẫn còn đó, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt. Và những người như Trung tướng Châu Văn Mẫn, với câu chuyện và ký ức của mình đã giúp chúng ta không bao giờ quên những bài học lịch sử quý giá.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

.
.
.