Ở lại với Côn Đảo
Sau ngày giải phóng, Côn Đảo không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử, mà còn trở thành mảnh đất để nhiều người chọn gắn bó, dựng xây cuộc sống mới. Từ những người lính cụ Hồ, cựu tù, cán bộ được điều động đến đảo, cho đến lớp trẻ khởi nghiệp hôm nay, tất cả đã làm nên một Côn Đảo đổi thay nhưng vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử.
Ông Đỗ Văn Hải hiện là Trạm trưởng Trạm Khí tượng - Hải văn Côn Đảo. |
Từ quá khứ đau thương đến những bước chân ở lại
Trong chuyến công tác tại Côn Đảo, bà Phạm Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh đã giới thiệu cho tôi ông Đỗ Văn Hải (SN 1964), Trạm trưởng Trạm Khí tượng - Hải văn Côn Đảo. Kể về mối nhân duyên gắn bó với đảo ngọc, ông Hải cho biết: “Ba tôi là Đỗ Văn Nông, xưa đi bộ đội tại Côn Đảo. Năm 1975, giải phóng miền Nam, Côn Đảo kêu gọi chúng tôi ở lại tiếp tục xây dựng đảo. Ba tôi nói, đảo đã là nhà, nay ba chọn đảo là quê hương để gắn bó lâu dài. Ông sửa nhà, bắt đầu cuộc sống mới ở đảo cùng vợ và 7 người con và làm nhiệm vụ Đội trưởng đội sản xuất Nông trường quốc doanh huyện Côn Đảo (nay nông trường nông lâm nghiệp)”.
Theo lời ông Hải, từ những năm 80, Côn Đảo chỉ có vài học sinh đi học nên để đủ cho 1 lớp học, các thầy cô phải đưa các em vào học cùng với những người tham gia lớp bổ túc văn hóa. Không có giáo viên, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm như cán bộ văn hoá thì dạy Văn, các cán bộ kỹ thuật thì dạy Toán, y sĩ dạy Sinh… Có khi trong 1 phòng học có tới mấy bậc học.
Trước khi về đất liền, tôi đã ghé thăm bà Huỳnh Thị Kim Loan, con gái của cựu tù chính trị Côn Đảo Huỳnh Văn Biện. Trong ngôi nhà cấp bốn có sân vườn rộng rãi phía bên phải trại tù Phú Tường, bà Huỳnh Thị Kim Loan xúc động kể: “Ngày ấy, gia đình tôi sống trong vùng giải phóng ở xã Đại Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Sau khi thu xếp công việc, đồ đạc ở quê nhà Cần Thơ, ba dẫn mấy má con ra Côn Đảo. Lúc đó tôi 12 tuổi…”.
Thời điểm đó, ông Huỳnh Văn Biện được bổ nhiệm làm Phó ban Quản lý di tích Côn Đảo, trực tiếp thuyết minh cho du khách về lịch sử ở nhà tù. “Tôi thường thơ thẩn theo ba đi khắp nơi trên đảo, nghe ông kể về những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời ở nơi địa ngục trần gian. Lớn lên, tôi cũng theo nghiệp ba chăm sóc, bảo quản, chống xuống cấp di tích, chăm sóc vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh tại 19 điểm di tích, trong đó có nghĩa trang Hàng Dương”, bà Huỳnh Thị Kim Loan nói.
Chọn Côn Đảo để lập nghiệp
Trong gian bếp của căn nhà cổ trên đường Lê Duẩn, bà Nguyễn Thị Anh Thư vừa chuẩn bị bữa chiều vừa kể cho tôi nghe về những năm tháng khi gia đình bà đến Côn Đảo sinh sống. Năm 1984, từ Cần Thơ vợ chồng bà Thư đến Côn Đảo theo diện “tình nguyện đi xây dựng Côn Đảo”.
Trong ký ức của bà Thư, Côn Đảo lúc đó hoang sơ lắm, chỗ nào cũng là tháp canh, nhà tù, trại lính. Cả đảo chỉ chưa đầy 1.000 dân; không có một cơ sở kinh tế nào. Lúc đó, mọi sinh hoạt trên đảo khó khăn lắm. Giao thông vận tải giữa Côn Đảo và đất liền phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các chuyến tàu biển. Các chuyến tàu lại phụ thuộc vào thời tiết. Để cải thiện bữa ăn, nhiều gia đình trên đảo đã trồng thêm rau, nuôi thêm heo, gà, đánh bắt thêm cá. “Có tàu ra thì cả đảo đều vui. Không vui sao được khi nhà máy điện lại có dầu để chạy máy sau cả tháng trời đảo chìm trong bóng tối. Chợ búa, quán xá lại có đủ thứ hàng để bán. Khạp gạo, hủ đường của từng nhà lại được vun đầy. Vợ, chồng, trẻ con gặp lại người thân. Từng tờ báo, từng cây bút, từng giỏ hoa cũng trông chờ vào mỗi chuyến tàu…”, bà Thư nhớ lại.
Ngày đó tại Côn Đảo chỉ có một trạm Quân y do Quân đội quản lý. Việc đau ốm, bệnh tật của người dân đều trông vào trạm này. Với những ca bệnh nặng phải đưa vào đất liền nhưng tàu khi có khi không, máy bay chỉ có trực thăng nhưng rất ít chuyến. Khó khăn nhất là thông tin. Ở trên đảo, muốn gọi điện thoại vào đất liền phải đăng ký hẹn giờ tại bưu điện với người thân trong đất trước vài ngày. Đúng giờ hẹn ra bưu điện, gọi điện bằng bộ đàm thiết bị hay dùng trong những chiếc tàu cá. Còn thư từ có khi viết cả tháng không chuyển đi được vì biển động.
“Chúng tôi được bố trí nhà ở và công việc ngay sau khi đặt chân đến đảo. Nhiều lúc khó khăn quá tôi nghĩ gia đình mình chắc không bám trụ được lâu. Vậy mà đến nay 41 năm gia đình tôi vẫn chưa rời đảo. Con trai tôi, cháu nội tôi cũng đã chọn đảo làm nơi gắn bó, dựng xây quê hương”, bà Thư cho biết.
Không chỉ là nơi dừng chân của thế hệ sau giải phóng, Côn Đảo ngày nay còn thu hút lớp trẻ đến lập nghiệp bằng tình yêu và khát vọng. Anh Hoàng Phương (sinh năm 1991, quê Kiên Giang) là một trong số đó. Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, từng làm việc tại Unilever với mức thu nhập ổn định, nhưng sau một chuyến du lịch đến Côn Đảo, anh quyết định từ bỏ tất cả để bắt đầu lại ở nơi này.
Năm 2018, Hoàng Phương thành lập công ty du lịch Đảo Ngọc Travel với mong muốn quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa và lịch sử của Côn Đảo đến du khách trong và ngoài nước. Anh chọn sống với đam mê, khởi nghiệp giữa thiên nhiên hoang sơ và lịch sử thiêng liêng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ